Phát triển cây xanh đô thị, nâng cao chất lượng môi trường
Chú trọng quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị Phát triển hệ thống cây xanh đô thị, nâng cao chất lượng môi trường |
Để thực hiện hiệu quả đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã ban hành hướng dẫn tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Giáp Thìn 2024.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của nhân dân trong phong trào trồng cây, trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng Thủ đô “xanh, sạch, đẹp”; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, giá trị của trồng cây xanh, trồng rừng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phấn đấu năm 2024, toàn thành phố trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; trồng khoảng 200.000 cây ăn quả; trồng mới và trồng bổ sung 20 - 30ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Trong đó, riêng đợt ra quân trồng cây đầu Xuân Giáp Thìn, thành phố phấn đấu trồng 100.000 - 120.000 cây xanh các loại, góp phần bảo đảm ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng của thành phố.
Thành phố Hà Nội hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ cây xanh 8-10 m2/người vào năm 2025. Ảnh: NQ. |
Về chủng loại cây, đối với trồng rừng là lim xanh, thông, keo, lát hoa, sao đen, de, mỡ…; trồng cây bóng mát như: Muồng, sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long lão, ban Tây Bắc; trồng cây ăn quả như: Bưởi, nhãn, cam, quýt, táo… Các đơn vị, địa phương tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả và không phô trương; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
Các quận, huyện, thị xã, đơn vị căn cứ vào thực tế địa phương triển khai tổ chức phát động Tết trồng cây từ ngày 15 đến 24-2-2024. Thời gian triển khai trồng cây có thể kéo dài trong vụ xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và vụ thu (từ tháng 8 đến tháng 10). Địa điểm tổ chức phát động Tết trồng cây là các khu di tích lịch sử - văn hóa, các khu đô thị mới, các công trình công cộng, trường học, bệnh viện, công viên, ven đường giao thông, các khu đất lâm nghiệp quy hoạch trồng rừng tập trung...
Thống kê của thành phố, hưởng ứng chương trình trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng, kể từ năm 2021 đến nay thành phố trồng mới hơn 133.000 cây bóng mát, 100.000 cây cảnh và 550.000 cây mảng, thảm cỏ. Riêng năm 2023, diện tích rừng trồng mới đạt 47 ha, nâng tổng diện tích rừng toàn thành phố lên gần 18.600 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 6%.
Thành phố đã hoàn thành cải tạo 5 vườn hoa (Trúc Bạch - Ba Đình, Hoàng Văn Thụ - Hoàng Mai, Diên Hồng - Hoàn Kiếm, Ngọc Lâm - Long Biên và Lê Trực - Ba Đình); xây dựng mới 5 công viên CV1 (quận Cầu Giấy), Thiên văn học (quận Hà Đông), hai công viên Ngọc Thụy và Long Biên (quận Long Biên) và công viên hồ điều hòa Mai Dịch (quận Nam Từ Liêm). Hà Nội cũng đã phê duyệt chủ trương cải tạo ba công viên lớn gồm Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo.
Hà Nội hiện có khoảng 1,8 triệu cây xanh đô thị, chủ yếu là xà cừ, sấu, phượng, muồng, bằng lăng, giáng hương, bàng, chiêu liêu. Riêng giai đoạn 2016-2020, khoảng 1,6 triệu cây được trồng mới. Tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh đô thị của thành phố mới đạt khoảng 2 m2/người, trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt tối thiểu 6-7 m2/người.
Năm 2024, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường đô thị. |
Việc quản lý hệ thống cây xanh được thành phố thực hiện theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP, ngày 11-6-2010, của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị và Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND, ngày 28-2-2023, của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Theo quyết định, Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị; trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp thành phố quản lý.
UBND các quận, huyện, thị xã trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp huyện quản lý theo phân cấp. Thành phố cắt tỉa cây bóng mát, làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao nhằm hạn chế cây gãy đổ trong mùa mưa bão trung bình 2 năm/lần; cắt tỉa nâng cao vòm lá bảo đảm cảnh quan, mỹ quan đô thị trung bình 2 lần/năm.
Để triển khai hiệu quả mục tiêu sẽ trồng mới cây xanh đô thị giai đoạn 2021-2025 là 500.000 cây, các Sở, ban, ngành thành phố, chính quyền các cấp phối hợp với các đơn vị được giao nhiệm vụ duy tu, duy trì, trồng mới cây xanh trên địa bàn thành phố thực hiện các chỉ tiêu cây xanh theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; tập trung kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực phát triển hệ thống cây xanh đô thị; triển khai thiết kế cảnh quan, đầu tư xây dựng các công viên, vườn hoa theo quy hoạch.
Nghiên cứu xây dựng các giải pháp phát triển hệ thống cây xanh đô thị đông bộ với quy hoạch, phù hợp với đặc điểm của không gian khu vực, đáp ứng yêu cầu mỹ quan đô thị. Phát triển hệ thống cây xanh đô thị đa dạng, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng khí hậu của Thủ đô, tạo điểm nhấn đặc trưng phù hợp với cảnh quan kiến trúc; cây trồng mới an toàn trong mùa mưa bão, tiết giảm chi phí duy tu, duy trì cây xanh, làm cơ sở nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố.
Nguồn:Phát triển cây xanh đô thị, nâng cao chất lượng môi trường