Phát triển du lịch Điện Biên trong sự tôn trọng, tôn vinh, bảo tồn văn hoá, tự nhiên
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, tỉnh Điện Biên cần quan tâm, hỗ trợ du lịch cộng đồng để bà con đồng bào dân tộc làm du lịch từ đời sống, sinh kế hàng ngày, không gian, kiến trúc, lễ hội, tín ngưỡng - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Là địa phương địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên có vị trí quan trọng đặc biệt đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước trên nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng và an ninh. Điện Biên có thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng; lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, khí hậu trong lành, là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc.
Đây là tiềm năng, thế mạnh quan trọng giúp Điện Biên vươn lên mạnh mẽ, bứt phá trong phát triển du lịch với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc biệt là trên các lĩnh vực, như du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch văn hóa - sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe…
Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, ngành du lịch Điện Biên có nhiều cơ hội tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, Điện Biên vẫn đang vướng những "điểm nghẽn" lớn khiến những tiềm năng về du lịch của Điện Biên chưa được khai thác đúng giá trị và lợi thế.
Do đó, cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng của du lịch Điện Biên thời gian tới.
Phó Thủ tướng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý tập trung làm rõ tài nguyên, tiềm năng, lợi thế, thách thức đối với du lịch của Việt Nam và Điện Biên. Các giải pháp, nhiệm vụ tạo ra sự đột phá về sản phẩm chiến lược, mũi nhọn thể hiện được tính độc đáo, riêng biệt của du lịch Điện Biên trên thị trường du lịch.
"Điện Biên cần thu hút, mời gọi những nhà đầu tư, nhà thiết kế, tư vấn, lập quy hoạch, sắp xếp những tài nguyên du lịch còn tản mạn, phát lộ vẻ đẹp tiềm ẩn, tạo ra sự hấp dẫn, khác biệt", Phó Thủ tướng nói và cho rằng, cùng với các giá trị văn hoá, tự nhiên, chiến thắng Điện Biên Phủ là lợi thế rất lớn để quảng bá trên bản đồ du lịch thế giới bằng công nghệ số, chuyển đổi số…
Theo Phó Thủ tướng, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu là cảm hứng của nhiều nhà làm phim. Nhưng vấn đề đặt ra là cần phải làm thế nào để Điện Biên Phủ trở thành lựa chọn của các nhà làm phim khi sản xuất những bộ phim về chiến tranh, hòa bình, về những vấn đề lớn toàn cầu… Tương tự, việc có được những cuốn tiểu thuyết có giá trị về Điện Biên khiến nhiều người phải tìm kiếm đọc và nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, chính trị... cũng là một cách hay để lan tỏa, quảng bá về Điện Biên.
Bên cạnh đó, với nguồn lực đầu tư còn hạn chế, Điện Biên cần tập trung đầu tư những công trình, dự án "ra tấm, ra món", phát triển trong sự tôn trọng, tôn vinh, bảo tồn giá trị văn hoá, tự nhiên.
Điện Biên cũng cần có những giải pháp hỗ trợ đồng bào các dân tộc nhận thức, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa được hình thành từ đời sống, sinh kế hàng ngày, không gian, kiến trúc, lễ hội, tín ngưỡng…. để làm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, nông nghiệp bền vững, đúng hướng.
Hội thảo khoa học quốc gia "Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững" có tính chuyên môn cao và mang tính định hướng về phát triển du lịch cho tỉnh Điện Biên trong giai đoạn tới - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Hội thảo khoa học quốc gia "Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững" là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong ngành du lịch phân tích, đánh giá tiềm năng du lịch, hiệu quả những nguồn lực phát triển du lịch trong tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên; đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ những "điểm nghẽn", những "nút thắt" trong phát triển du lịch Điện Biên; dự báo những yếu tố tác động, trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp phát huy và khai thác một cách hiệu quả những giá trị cốt lõi của Điện Biên "cất cánh", định vị lại trong bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Các ý kiến, tham luận tại hội thảo cho rằng, Điện Biên cần phát huy vai trò của văn hóa, lịch sử trong phát triển du lịch; chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến quảng bá du lịch nói chung và du lịch văn hóa, lịch sử nói riêng một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.
Tỉnh cũng cần xây dựng các sản phẩm du lịch trình diễn với các bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc; chú trọng sự khác biệt của sản phẩm du lịch, nhất là loại hình du lịch cộng đồng, hoạt động trải nghiệm thực tế tại các bản làng văn hóa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo lập môi trường du lịch thân thiện, an toàn, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa…
Ghi nhận những đóng góp chất lượng, tâm huyết tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cho biết sẽ tiếp tục cụ thể vào các cơ chế, chính sách, định hướng phát triển du lịch Điện Biên theo hướng nhanh, bền vững từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phấn đấu đến năm 2025, nâng tỉ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh; đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đạt 15%/năm và tổng thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân trên 14%/năm.
Nguồn: Phát triển du lịch Điện Biên trong sự tôn trọng, tôn vinh, bảo tồn văn hoá, tự nhiên