Phát triển khu công nghiệp gắn với tăng trưởng xanh
Mô hình khu công nghiệp (KCN) được hình thành và phát triển gắn liền với bối cảnh, yêu cầu của các thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước, là công cụ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo các chuyên gia, mô hình Khu chế xuất (KCX), KCN ở Việt Nam ra đời từ những năm 1990 trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng, nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Qua các thời kỳ, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển KCN không ngừng được hoàn thiện, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
(Ảnh minh họa) |
Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có trên 420 KCN, KCX được thành lập với quỹ đất công nghiệp khoảng 89,2 nghìn ha, trong đó có gần 300 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.
Trong những năm gần đây, vốn FDI trong KCN, khu kinh tế (KKT) chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước. KCN và KKT đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm, thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế; các dịch vụ trong một số KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao; an sinh xã hội trong các KCN có nơi còn chưa được bảo đảm... Các chính sách phát triển đã tác động trực tiếp đến mô hình, định hướng phát triển KCN, đặt ra yêu cầu về chất lượng phát triển KCN ở mức cao hơn theo hướng phát triển bền vững và theo chiều sâu, chú trọng phát triển công nghệ cao, đổi mới mô hình phát triển và gắn với liên kết vùng. Đây cũng là những tiền đề để triển khai thí điểm và xây dựng các văn bản quy định về KCN sinh thái tại Việt Nam.
Việc chuyển đổi các KCN theo hướng bền vững không tách rời xu hướng phát triển các KCN trên thế giới. Theo các chuyên gia, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình phát triển và quản lý KCN nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Xây dựng KCN có sức hấp dẫn đầu tư, có tính cạnh tranh quốc tế, thu hút đầu tư có chọn lọc và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Để phát triển các KCN bền vững cần có thể chế để doanh nghiệp thực hiện và vận hành, Nhà nước sẽ hỗ trợ ưu đãi về đất đai, thuế phí và các hình thức hỗ trợ khác. Khẳng định kinh tế tuần hoàn yêu cầu về kéo dài vòng đời vật liệu, giảm phát thải, chuyên gia cho rằng tiêu chí hiện chúng ta xây dựng đã đầy đủ để doanh nghiệp căn cứ vào đó xây dựng phương hướng trong tương lai. “Chuỗi kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ khảo sát, điều tra, thăm dò, sản xuất, phân loại, vận chuyển, lưu trữ…. Nếu chúng ta thiết kế được trong một khu công nghiệp mà “đầu ra” của doanh nghiệp này là “đầu vào” của doanh nghiệp khác thì yêu cầu phải từ khâu thiết kế ban đầu”. Luật Bảo vệ môi trường đã quy định nhà tái chế có thể thu hồi sản phẩm của doanh nghiệp khác đã mở ra cánh cửa vào đầu tiên. Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định, khi thiết kế các KCN sinh thái có thể vận hành chúng ta cần thể chế hoá các quy định trước đây, tuân thủ luật chơi của thế giới.
Dẫn số liệu đến cuối tháng 12/2023, Việt Nam có khoảng 397 công trình xanh, trong đó rất đáng mừng là trên dưới 100 công trình xanh đến từ các khối công nghiệp. Riêng TP. Hải Phòng, trong quý 1/2024 đã có trên 10 dự án công nghiệp đăng ký đánh giá để chứng nhận công trình xanh. Đây là một xu hướng rất mới, đón đầu các yêu cầu về thuế carbon trên thế giới mà EU đã áp dụng thí điểm từ tháng 10/2023 và sẽ bắt buộc từ năm 2026. Các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đều vào các khu công nghiệp, qua đó cho thấy vai trò quan trọng của các khu công nghiệp trong thu hút FDI. Tuy nhiên, cơ hội đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu để nhưng cơ hội này không chia đều cho các quốc gia dù Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi. Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, chúng ta chậm bước hơn so với nhiều quốc gia dù không có lợi thế về vị trí địa lý như Việt Nam nhưng họ đi nhanh hơn nhờ sớm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Vì thế, phát triển bền vững là nội dung không phải là lựa chọn mà các nhà phát triển khu công nghiệp và ngành nghề liên quan bắt buộc phải làm. Tại hội nghị COP26, Chính phủ cam kết thực hiện NetZero vào năm 2050. Từ nay đến thời điểm đó tuy dài nhưng các khách hàng cao cấp đến từ Mỹ, châu Âu đã cam kết Net Zero sớm hơn vào năm 2030. Vì vậy, từ thời điểm này chúng ta phải phát triển bền vững để vừa cạnh tranh các nước trong thu hút FDI vừa cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước. Doanh nghiệp nào đi sớm, đi nhanh trong phát triển bền vững sẽ có nhiều cơ hội hơn để thu hút khách hàng phân khúc cao hơn…/.
Nguồn:Phát triển khu công nghiệp gắn với tăng trưởng xanh