Phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp tỷ USD
Giảm phát thải khí nhà kính để phát triển xanh bền vững Công ty CP Bao bì và In Nông nghiệp bị phạt 70 triệu đồng vì mua "chui" cổ phiếu quỹ |
Vừa qua, tại hội thảo "Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia" tổ chức ngày 6/8, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh niềm tin có thể đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”, là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng. Đây là điều đã được Chủ tịch nước (khi còn là Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh tại hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác năm 2018 tại Kon Tum.
Tính đến hết năm 2021, các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã trồng được hơn 7.670 ha sâm Ngọc Linh, chủ yếu do các nhóm hộ gia đình nuôi trồng, tuy nhiên sản lượng vẫn còn hạn chế.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết địa phương đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị xây dựng và phê duyệt chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045. tỉnh Quảng Nam đang có định hướng phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó chú trọng công tác chế biến sâm, xây dựng sâm Ngọc Linh thành một ngành công nghiệp hiện đại để tạo nhiều sản phẩm có giá trị lớn.
Cây sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ sâm hàng tháng tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: Mạnh Cường |
Đối với tỉnh Kon Tum, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, địa phương đầu tư phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2025 định hướng đến 2030 với mục tiêu diện tích đạt khoảng 4.500 ha (45 triệu cây) và khoảng 10.000 ha vào năm 2030 (100 triệu cây).
Thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phát triển cây sâm với mục tiêu khẳng định thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế. Sớm đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và hướng tới khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 10.000 ha (tương đương 100 triệu cây) Sâm Ngọc Linh.
Theo đề án về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Việt Nam phấn đấu đưa sản lượng khai thác sâm lên khoảng 300 tấn/năm vào năm 2030 và cho ra đời từ 80-100 sản phẩm có tính cạnh tranh cao, mang thương hiệu quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030 bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam có phân bố trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 100.000 ha tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu.
Các địa phương trên cần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đưa diện tích trồng sâm năm 2030 đạt 22.000 ha, sản lượng khai thác đạt 300 tấn/năm (tương đương diện tích khai thác 1.000 ha/năm), có chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GMP - WHO hoặc tương đương.
Theo Chủ tịch nước, với yêu cầu đảm bảo vừa bảo tồn vừa phát triển sâm Ngọc Linh, các nhà sản xuất và cơ quan nghiên cứu cần học hỏi cách làm của Hàn Quốc, đại chúng hóa sản phẩm, đưa phân khúc từ thấp tới cao, hướng ra toàn cầu. Ngoài ra, cần bảo vệ nguồn gene thuần chủng không lai tạp, nhầm lẫn với các loại sâm khác, làm tốt chỉ dẫn địa lý; bảo hộ hiệu quả giá trị thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia.
Nhằm bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, các địa phương cần tăng cường học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ... Ảnh: Phúc Thắng |
Chủ tịch nước cũng yêu cầu ứng dụng công nghệ dược liệu cho sâm Ngọc Linh cạnh tranh với các loại sâm tốt trên thế giới; kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển sâm Ngọc Linh, đầu tư nghiên cứu sản xuất chế biến nhân sâm, tạo nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm từ sâm.
Chủ tịch nước cũng đề nghị các địa phương tìm kiếm cơ hội liên kết các tập đoàn đa quốc gia, tận dụng lợi thế về marketing, phân phối sản phẩm để đem lại hiệu quả cao hơn; đặc biệt cần có sự tham gia tích cực, chủ động của người dân, nhất là tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum; tiếp tục hoàn thiện chiến lược nuôi trồng, sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh, nâng tầm thương hiệu quốc gia tạo những nền tảng tốt hơn để cây sâm Ngọc Linh phát triển bền vững, vươn ra thị trường toàn cầu.
Nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và sự tham gia hợp tác tích cực của các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân nên việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có những chuyển biến tích cực.
Nguồn; Phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp tỷ USD