Quản lý tài nguyên nước cần thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn cầu
Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước Bình Định: Hợp tác quản lý tài nguyên nước tổng hợp lưu vực sông Côn |
Cần có sự kết nối trong quản lý nước, nhất là nước xuyên biên giới
Tại Hội nghị nước của Liên hợp quốc 2023, rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018 – 2022, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại về những thách thức to lớn đối với an ninh nguồn nước do tác động đa chiều của các hoạt động khai thác, sử dụng, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường.
Đại diện cho đoàn Việt Nam phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nhân loại cần khẩn trương hành động để ứng phó với những thách thức ngày càng lớn đối với tài nguyên nước. Theo đó, cần đặt chương trình nghị sự về nước ở vị trí quan trọng trong phát triển bền vững; thực hiện toàn diện, tổng thể cùng với các nỗ lực toàn cầu phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho biết 60% lượng nước của Việt Nam được sản sinh từ các dòng sông xuyên biên giới. Việt Nam cũng tham gia mô hình hợp tác Uỷ hội sông Mekong, được nhiều quốc gia quan tâm. Trên phạm vi thế giới hiện có hơn 40% dân số toàn cầu đang sinh sống tại các lưu vực sông, hồ xuyên biên giới.
Nhu cầu và quan niệm hiện nay coi các dòng sông xuyên biên giới là thực thể thống nhất từ thượng nguồn đến hạ nguồn, bao gồm các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học. Mỗi lưu vực sông có đặc trưng văn hoá riêng, có tính thống nhất liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, sinh kế của người dân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Minh Khôi) |
Theo Phó Thủ tướng, các lưu vực sông đều có chức năng rất quan trọng về môi trường, phát triển năng lượng, nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, giải trí…
Mỗi lưu vực sông xuyên biên giới cần được nhìn nhận đầy đủ để có cơ chế quản lý tổng hợp. Cùng với đó, sự thống nhất các dòng sông xuyên biên giới, cũng như sự đa dạng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước, đòi hỏi cần có cơ chế hợp tác giữa các quốc gia.
"Nước là mẫu số chung cho sự phát triển trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các hoạt động phát triển kinh tế khác. Do vậy, quản lý tài nguyên nước, nhất là nước xuyên biên giới, phải có sự kết nối", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn cầu
Phó Thủ tướng đề nghị thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn cầu để định hướng, điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng bền vững, phục hồi nguồn nước; khẩn trương hình thành các trung tâm khoa học và công nghệ toàn cầu, khu vực về nước; xây dựng mạng lưới quan trắc, phát triển cơ sở dữ liệu về nước; quy hoạch khai thác sử dụng, cải thiện chất lượng nguồn nước cho các sông xuyên biên giới.
Phó Thủ tướng đã trao đổi với các diễn giả về việc xây dựng khuôn khổ pháp lý gắn với thiết lập chuẩn mực đạo đức xã hội trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước. (Ảnh: VGP/Minh Khôi) |
Đại diện Việt Nam cũng đề xuất hình thành các tổ chức, cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc như Ủy ban khoa học về nước xuyên biên giới, Hội đồng sông quốc tế, Quỹ tài chính lưu vực sông xuyên biên giới hoặc mở rộng chức năng tài chính lưu vực sông cho Quỹ môi trường toàn cầu. Đặc biệt, cần thiết lập chuẩn mực đạo đức xã hội trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước, nhất là các nguồn nước xuyên biên giới theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, hợp lý, tôn trọng quyền và lợi ích của các nước trong lưu vực.
Chia sẻ những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Việt Nam cam kết đảm bảo phát huy tối đa lợi ích mà nước mang lại, đồng thời giảm thiểu các tác hại liên quan đến nước, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Cụ thể là, đến năm 2025, 100% các lưu vực sông lớn được điều hoà phân bổ nguồn nước nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước thông qua các quy hoạch tài nguyên nước; đến năm 2030, 100% hộ gia đình ở thành thị được tiếp cận nước sạch theo quy chuẩn.
Ông cũng nêu rõ, Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác với các nước để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; tham gia các chương trình hành động, sáng kiến hợp tác về nước và an ninh nguồn nước; tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin dữ liệu xuyên biên giới, nhất là giữa các quốc gia có chung nguồn nước, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu vì phát triển bền vững.
Nguồn: Quản lý tài nguyên nước cần thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn cầu