Quản trị toàn cầu tác động đến pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia
Từ khóa: Quản trị, quản trị toàn cầu, pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam.
1. Khái lược về quản trị toàn cầu
Quản trị toàn cầu (global governance) là một thuật ngữ được sử dụng trong nhiều bối cảnh, song lại khó định hình. Để nắm bắt được nội hàm của khái niệm này, cần tìm hiểu nguồn gốc cũng như sự phát triển của nó.
Theo nghĩa khái quát nhất, khái niệm quản trị toàn cầu phản ánh nhu cầu cần có các nỗ lực phối hợp ở cấp độ quốc tế để giải quyết các thách thức chung mà các quốc gia riêng lẻ không thể tự giải quyết. Như vậy, nguồn gốc của thuật ngữ này có thể được truy nguyên về các ý tưởng và thể chế từ thế kỷ XIX nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, ví dụ như những nỗ lực trong “Hội nghị Vienna” (năm 1815) nhằm duy trì sự cân bằng và hòa bình giữa các cường quốc châu Âu, hay việc thành lập các Liên minh Viễn thông Quốc tế (năm 1865), Liên minh Bưu chính Thế giới (năm 1874) để giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia về thông tin liên lạc.
Các Công ước Hague (1899, 1907) về luật chiến tranh cũng là những nỗ lực quốc tế để giải quyết nhiều vấn đề trong xung đột vũ trang giữa các quốc gia. Đặc biệt, sau Thế chiến thứ nhất (1914 – 1919), Hội Quốc liên được thành lập đã đóng vai trò như một tổ chức quốc tế đầu tiên có chức năng duy trì hòa bình và giải quyết tranh chấp giữa các nước – đặt nền tảng cho những nỗ lực trong tương lai về quản trị toàn cầu.
Khái niệm hiện đại về quản trị toàn cầu chỉ xuất hiện sau Thế chiến II với việc thành lập Liên hiệp quốc vào năm 1945. Hiến chương Liên hiệp quốc quy định các mục tiêu cụ thể của tổ chức này là thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế, bảo vệ nhân quyền và khuyến khích hợp tác về các vấn đề toàn cầu. Tiếp theo đó, nhiều tổ chức toàn cầu khác cũng được thành lập, chẳng hạn, như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) (sau này được thay thế bằng WTO), đánh dấu sự khởi đầu của một hệ thống quản trị toàn cầu. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quản trị toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi sự căng thẳng địa chính trị và sự nổi lên của các quốc gia mới độc lập sau khi phi thực dân hóa, từ đó dẫn đến sự mở rộng của các thể chế và chuẩn mực quốc tế trong một số lĩnh vực, đặc biệt là nhân quyền. Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự tăng tốc của toàn cầu hóa trong những năm 1990 đã mang lại sức sống mới cho quản trị toàn cầu. Các vấn đề như biến đổi khí hậu, y tế, khủng bố quốc tế và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã làm cho nhu cầu về quản trị toàn cầu trở lên mạnh mẽ hơn.
Về mặt học thuật, kể từ thập kỷ 70, thế kỷ XX các nghiên cứu về quản trị toàn cầu bắt đầu được công bố, tiêu biểu như của Nelson và Honnold (năm 1976) và của Onuf (năm 1979) về khả năng khan hiếm tài nguyên toàn cầu và sự thiếu vắng một cơ chế pháp lý quốc tế nhằm đáp ứng tình trạng hỗn loạn do thiếu hụt tài nguyên toàn cầu… Đến những thập kỷ 80 và 90, quản trị toàn cầu được một số học giả gắn với những vấn đề quốc tế phức tạp hơn, chẳng hạn, như: việc kiểm soát dòng dữ liệu thông tin (Branscomb, 1983), hay biến đổi khí hậu, ứng phó với sự lây lan của HIV/AIDS (Senghaas (năm 1993))…
Trước những thách thức quốc tế mới và sự phản ứng thiếu nhất quán từ các nhà nước, James Rosenau và Ernst-Otto Czempiel đã khởi động một cuộc tranh luận về các chủ thể tham gia quản trị toàn cầu trong tác phẩm có tiêu đề là “Nền quản trị không Chính phủ” (Governance without Government) vào năm 1992. Tiếp theo đó, vào năm 1995, khi Ủy ban Quản trị toàn cầu (Commission on Global Governance) đã công bố một báo cáo quan trọng với tựa đề “Tình láng giềng toàn cầu của chúng ta” (Our Global Neighborhood), trong đó nêu ra các nguyên tắc trong việc quản trị một thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ hơn.
Từ năm 1995 – 1996, Hội đồng học thuật về Hệ thống Liên hiệp quốc (ACNUS) và Đại học Liên hợp quốc đã tài trợ cho việc ra mắt Tạp chí Quản trị toàn cầu (Global Governance Journal) nhằm đăng tải và thúc đẩy các cuộc tranh luận học thuật về quản trị toàn cầu.
Bước sang thế kỷ XXI, những biến đổi của môi trường quốc tế tiếp tục tạo ra những cuộc tranh luận học thuật sôi nổi về các định nghĩa và đặc điểm của quản trị toàn cầu. Cụ thể, khi quan sát vai trò của các tổ chức quốc tế, Thakur và Van Langenhove (năm 2006) định nghĩa quản trị toàn cầu là tổ hợp phức tạp của các thể chế, các cơ chế, mối quan hệ và quy trình chính thức và không chính thức giữa các quốc gia, thị trường, công dân và tổ chức – cả liên chính phủ và phi chính phủ, thông qua đó, lợi ích tập thể được liên kết, quyền và nghĩa vụ được thiết lập và sự khác biệt được giải quyết.
Rittberger (năm 2002) đưa ra một định nghĩa ngắn gọn rằng, quản trị toàn cầu là sản phẩm từ hoạt động của một mạng lưới không phân cấp của các tổ chức quốc tế và xuyên quốc gia, trong đó không chỉ các tổ chức liên chính phủ và chính quyền quốc tế mà cả các chính phủ xuyên quốc gia cũng tham gia điều chỉnh hành vi của các chủ thể. Một số định nghĩa khác về quản trị toàn cầu nhấn mạnh vai trò của nó với sự thịnh vượng chung. Ví dụ, Risse định nghĩa: quản trị toàn cầu là các phương thức phối hợp xã hội được thể chế hóa khác nhau để xây dựng và thực hiện các quy tắc ràng buộc tập thể hoặc để bảo đảm sự thịnh vượng chung, còn Zurn (năm 2012) thì cho rằng: “Quản trị toàn cầu đề cập đến toàn bộ các quy định (các quy tắc, tiêu chuẩn và chương trình quan trọng), quy trình mà chúng được điều chỉnh, giám sát và thực thi cũng như các cấu trúc/tổ chức nơi chúng đưa ra để tham khảo giải quyết các vấn đề phi quốc tế hóa và phi điều tiết cụ thể hoặc cung cấp hàng hóa thông thường xuyên quốc gia (transnational common goods).
Một số học giả khác còn coi quản trị toàn cầu như một cơ chế để giải quyết và quản lý xung đột. Miller (năm 2007) cho rằng, quản trị toàn cầu là cách giải quyết các xung đột trong việc thực thi quyền lực và thẩm quyền, trong khi Castells (năm 2005) định nghĩa ngắn gọn đây là khả năng quản lý các vấn đề và kết quả của một thế giới lộn xộn.
Các định nghĩa nêu trên đã cho thấy, bức tranh về quản trị toàn cầu hiện lên với rất nhiều sắc màu từ góc nhìn của các học giả. Từ những định nghĩa đó, có thể hiểu quản trị toàn cầu là một quá trình hợp tác giữa nhiều chủ thể, bao gồm các nhà nước, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế và các tổ chức xã hội để cùng quản lý và giải quyết các vấn đề vượt ra ngoài ranh giới quốc gia. Quá trình này đòi hỏi phải xây dựng và tổ chức thực hiện các quy tắc, chuẩn mực pháp lý chung để giải quyết những thách thức toàn cầu, chẳng hạn, như: biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên biên giới, dịch bệnh hay giữ gìn hoà bình, an ninh quốc tế…
2. Tác động của quản trị toàn cầu đến luật quốc tế
Là một công cụ hỗ trợ, đồng thời bị ảnh hưởng bởi quản trị toàn cầu, luật quốc tế đang có sự tương tác mạnh mẽ tới quản trị toàn cầu và ngược lại.
Văn bản đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của luật quốc tế hiện đại là Hòa ước Westphalian. Đây là một bộ quy tắc cơ bản, đơn thuần mang tính chất thủ tục, có mục đích giới hạn và hướng dẫn các quốc gia – với tư cách là chủ thể cơ bản nhất của luật quốc tế trong quan hệ với nhau. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ, cùng những biến động của môi trường quốc tế, luật quốc tế đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt về nội dung của nó. Luật quốc tế hiện đã mở rộng phạm vi áp dụng đến các lĩnh vực mà trước đây được cho là thuộc chủ quyền riêng của các quốc gia, ví dụ như: vấn đề quyền con người, quan hệ lao động, chuẩn mực xã hội, bảo vệ môi trường, truy tố và xét xử các tội phạm quốc tế nghiêm trọng…
Với những thay đổi như vậy, luật quốc tế ngày càng độc lập với ý chí và lợi ích của các quốc gia riêng lẻ. Các chuẩn mực của luật quốc tế đang ngày càng tập trung vào thúc đẩy lợi ích cộng đồng và sự phát triển thịnh vượng toàn cầu. Hiện tại, luật quốc tế đang đóng vai trò như là khuôn khổ pháp lý của quản trị toàn cầu, có tác dụng hiện thực hóa những lợi ích chung của tất cả các quốc gia trên phạm vi toàn thế giới. Các chuẩn mực của luật quốc tế phản ánh và nhằm thực hiện các giá trị phổ quát, các mục tiêu chung được xây dựng bởi các quốc gia, dựa trên các cơ chế và quy trình khác nhau của quản trị toàn cầu. Bằng cách cung cấp các chuẩn mực áp dụng chung, luật quốc tế bảo đảm quản trị toàn cầu sẽ thúc đẩy quyền con người, quan hệ lao động, bảo vệ môi trường và các vấn đề khác mà gắn với sự sống còn và lợi ích chung của toàn nhân loại.
Tác động cụ thể đầu tiên của quản trị toàn cầu tới luật quốc tế chính là việc mở rộng nguồn của luật quốc tế. Minh chứng cho sự tác động này là Điều 38 Điều lệ Tòa án Công lý quốc tế mà trong đó quy định một cách chi tiết các nguồn cổ điển của luật quốc tế, đồng thời cho phép mở rộng nguồn của luật quốc tế khi quy định tập quán quốc tế như một bằng chứng thực tiễn chung được chấp nhận. Dưới tác động của quản trị toàn cầu, có thể thấy rõ sự lỗi thời khi giới hạn luật quốc tế vào các nguồn cổ điển.
Trong thực tế, sự đa dạng ngày càng tăng của các quan hệ quốc tế đã làm cho ranh giới giữa luật cứng (các điều ước quốc tế) và các công cụ điều chỉnh không ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế (luật mềm) ngày càng mờ nhạt. Cùng với thực tế về sự gia tăng của các chủ thể ngoài nhà nước trong các quy trình của luật quốc tế đã khiến cho cách hiểu truyền thống mà chỉ giới hạn chủ thể của luật quốc tế vào các nhà nước đã trở thành lạc hậu, khi mà hành động của các chủ thể ngoài nhà nước, cụ thể như một số tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp xuyên quốc gia, ngày càng có ảnh hưởng trong quản trị toàn cầu. Hiện nay, phần lớn các học giả về luật quốc tế đều cho rằng, ngoài các nhà nước, còn có nhiều chủ thể ngoài nhà nước đang tham gia các quan hệ của luật quốc tế.
Tác động cụ thể thứ hai của quản trị toàn cầu tới luật quốc tế liên quan tới hiệu lực của pháp luật quốc tế. Theo sự phát triển của quản trị toàn cầu với sự mở rộng của các chủ thể và mối quan hệ quốc tế, việc quy định quyền hoặc nghĩa vụ của các chủ thể ngoài nhà nước trong luật quốc tế cũng là một yêu cầu thực tế. Nhiều học giả luật quốc tế cho rằng, nhân loại, về cơ bản, có thể được mô tả như một cộng đồng, hay một xã hội quốc tế được điều chỉnh bởi luật pháp với mục đích bảo đảm sự ổn định, tránh tranh chấp và thực thi quyền lực trên phạm vi toàn cầu (một trật tự pháp lý quốc tế). Trật tự pháp lý quốc tế này phải được xây dựng dựa trên cơ sở thúc đẩy các lợi ích chung của cộng đồng nhân loại, như: quyền con người, bảo vệ môi trường, lao động và các tiêu chuẩn xã hội phổ quát khác mà phản ánh và hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững, sự thịnh vượng chung của mọi dân tộc.
Dưới tác động của quản trị toàn cầu, khi các quốc gia cùng tham gia vào những thoả thuận quốc tế mà bao gồm tới những tiêu chuẩn và mục đích chung thì khái niệm về chủ quyền quốc gia cũng cần được đổi mới. Nhìn chung, các quốc gia vẫn là những chủ thể chính trong quan hệ quốc tế, tuy nhiên, dưới tác động của toàn cầu hóa, các quốc gia ngày càng được kết hợp trong sơ đồ nhiều lớp của quản trị toàn cầu, với vị trí không còn “độc quyền” như quan niệm truyền thống. Về vấn đề này, giáo sư Abram Chayes và Antonia Handler trong nghiên cứu công bố vào năm 1995 đã nêu: “Ngoại trừ các quốc gia tự cô lập về chủ quyền, chủ quyền không còn bao gồm sự tự do của các nhà nước để hành động độc lập, vì lợi ích riêng của nước mình mà là sự tham gia vào một hệ thống tạo nên bản chất của cuộc sống quốc tế”2.
Như vậy, quản trị toàn cầu đã và đang có tác động lớn đến luật quốc tế. Các chuẩn mực của luật quốc tế cũng được điều chỉnh để phản ánh ra các mục tiêu mà quản trị toàn cầu hướng tới. Những vấn đề của quản trị toàn cầu đã và đang có tác động sâu sắc tới cấu trúc của luật quốc tế. Trong những thập kỷ vừa qua, nhân loại đã chứng kiến quá trình mở rộng, cả về nội dung và chủ thể, cả trong xây dựng luật và thực thi pháp luật quốc tế. Số lượng chủ thể tham gia quá trình này đã nhiều hơn, bao gồm cả các nhà nước và các chủ thể ngoài nhà nước và vai trò của quốc gia trong quá trình này đã thay đổi, tuy vẫn là quan trọng và chủ chốt song không còn giữ vị trí độc tôn như thời kỳ trước đây.
3. Tác động của quản trị toàn cầu đến quản trị và pháp luật quốc gia
3.1. Quản trị toàn cầu và quản trị quốc gia
Để tìm hiểu về tác động của quản trị toàn cầu đến pháp luật của các quốc gia, trước hết cần làm rõ mối quan hệ giữa quản trị toàn cầu và quản trị quốc gia (quản trị của các nhà nước, với những vấn đề đối nội, đối ngoại của quốc gia mình).
Xét tổng thể, quản trị toàn cầu và quản trị quốc gia có mối liên hệ gắn kết, ảnh hưởng, tương tác lẫn nhau, về cơ bản là hợp tác song đôi khi cũng có những mâu thuẫn, xung đột.
Về sự ảnh hưởng, tương tác, quản trị toàn cầu là một sự hỗ trợ cho quản trị quốc gia, thông qua việc cung cấp các khuôn khổ, chuẩn mực và thỏa thuận hướng dẫn để hỗ trợ các nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xuyên biên giới. Ví dụ, Thỏa thuận Paris đưa ra hướng dẫn về các chính sách quốc gia trong việc giảm phát thải carbon hoặc các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ lâu đã giúp định hình các chiến lược y tế công cộng ở các quốc gia, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch Covid-19 vừa qua. Từ phía ngược lại, quản trị quốc gia có thể xem như là một thiết chế để thực hiện quản trị toàn cầu. Điều đó thể hiện ở việc các quốc gia đóng vai trò chính trong việc chuyển đổi các thỏa thuận toàn cầu, chẳng hạn như các điều ước quốc tế về nhân quyền thành các chính sách khả thi và thực thi chúng.
Mặc dù có sự ảnh hưởng, tương tác, song quản trị toàn cầu thường phụ thuộc vào quản trị quốc gia. Điều đó thể hiện ở chỗ chính sách, pháp luật của các quốc gia có ảnh hưởng quyết định đến kết quả của quản trị toàn cầu. Ví dụ, các chính sách, quy định pháp luật về môi trường của một quốc gia có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến tình trạng phá rừng ở nước đó, và cũng là tác động tích cực hoặc tiêu cực đến quản trị toàn cầu về môi trường, đặc biệt là về chống biến đổi khí hậu. Xét tổng thể, hiệu quả của quản trị toàn cầu phụ thuộc vào cam kết và sự tham gia của các quốc gia, thể hiện qua chính sách, pháp luật của các quốc gia trong những vấn đề có liên quan.
Mặc dù vậy, cần thấy rằng, để đối phó với những thách thức chung như biến đổi khí hậu, đại dịch, khủng bố và khủng hoảng tài chính, không thể chỉ giải quyết ở cấp độ quốc gia mà đòi hỏi phải có cơ chế quản trị toàn cầu. Ví dụ, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã nêu bật nhu cầu về các phản ứng phối hợp toàn cầu thông qua các thực thể như G20 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi các quốc gia thực hiện các cải cách trong nước để ổn định nền kinh tế của họ. Điều đó cũng có nghĩa là để quản trị quốc gia hiệu quả cũng cần đến quản trị toàn cầu hay phụ thuộc vào quản trị toàn cầu.
Trong thực tế, đôi khi tồn tại sự mâu thuẫn giữa nhu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia và yêu cầu hợp tác quản trị toàn cầu. Trong trường hợp đó, nếu quốc gia ưu tiên chủ quyền và lợi ích của nước mình thì có thể xung đột với các mục tiêu quản trị toàn cầu. Ví dụ, một số quốc gia đã từ chối tham gia Nghị định thư Kyoto hoặc rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu – là những thỏa thuận toàn cầu quan trọng được thiết lập trong thời gian gần đây.
Tóm lại, quản trị toàn cầu và quản trị quốc gia có mối quan hệ cộng sinh. Trong khi quản trị toàn cầu đặt ra các khuôn khổ và chuẩn mực rộng hơn để giải quyết các vấn đề xuyên biên giới, quản trị quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các khuôn khổ và chuẩn mực đó. Ở chiều cạnh khác, các ưu tiên và hành động quốc gia có thể giúp định hình và ảnh hưởng đến sự phát triển của các hệ thống quản trị toàn cầu. Để quản trị toàn cầu và quản trị quốc gia đều thành công, đòi hỏi cần phải cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của cộng đồng quốc tế, phải đồng thời tôn trọng chủ quyền quốc gia và các nguyên tắc hợp tác quốc tế. Trong vấn đề này, Liên minh châu Âu (EU) có thể xem là một ví dụ thành công, khi trong mấy thập kỷ vừa qua đã cân bằng chủ quyền của các quốc gia thành viên với nhiều chính sách tập thể về thương mại, môi trường và an ninh, tạo ra sự đồng thuận rộng rãi của các nước thành viên EU trong những lĩnh vực này.
3.2. Quản trị toàn cầu và pháp luật quốc gia
Xét tổng quát, quản trị toàn cầu có ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống pháp luật của các quốc gia, thể hiện qua việc định hình, điều chỉnh chính sách, pháp luật của các nước để phù hợp với các chuẩn mực và thỏa thuận quốc tế, theo hai cách thức cơ bản sau đây:
Thứ nhất, việc “nội luật hóa” các điều ước và thỏa thuận quốc tế. Theo nguyên tắc chung của công pháp quốc tế, các quốc gia tham gia các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế cần phải tận tâm thực hiện nội dung của chúng. Để thực hiện nghĩa vụ đó, các quốc gia thường “nội luật hóa” nội dung của những cam kết này vào hệ thống pháp luật nước mình. Quá trình này có thể bao gồm việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành để phù hợp với các điều ước quốc tế – cũng có nghĩa là để bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị toàn cầu. Ví dụ, hiện tại, nhiều quốc gia nội luật hóa các điều khoản của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) năm 1948 và các công ước quốc tế về nhân quyền vào hiến pháp và/hoặc các đạo luật của nước mình.
Trong lĩnh vực thương mại, các quốc gia thành viên WTO đã điều chỉnh pháp luật thương mại theo các thỏa thuận của WTO. Trong lĩnh vực môi trường, nhiều quốc gia đã điều chỉnh luật bảo vệ môi trường của nước mình theo Thỏa thuận Paris và Công ước về Đa dạng sinh học. Trong lĩnh vực lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từ năm 1919 đã đặt ra một hệ thống các tiêu chuẩn lao động rất toàn diện và cụ thể, đã ảnh hưởng đến pháp luật lao động của hầu hết quốc gia trên thế giới, chẳng hạn, như: trong các vấn đề về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, về điều kiện làm việc, vệ sinh, an toàn lao động, về cấm lao động trẻ em, lao động cưỡng bức… Quản trị toàn cầu đã thiết lập các chuẩn mực pháp lý chung trong nhiều lĩnh vực, như: nhân quyền, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn lao động và cả vấn đề phòng, chống tham nhũng… Các chuẩn mực này đã được các quốc gia đưa vào hệ thống pháp luật của mình dưới hình thức nội luật hóa.
Thứ hai, phát triển hệ thống pháp luật xuyên quốc gia. Một số khuôn khổ quản trị toàn cầu đã thiết lập các thiết chế pháp lý hoạt động xuyên biên giới quốc gia. Tuy nhiên, các thiết chế này không thay thế mà chỉ bổ trợ trực tiếp cho thiết chế pháp lý của các quốc gia.Ví dụ, Quy chế Rôm về Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) có quy định, các quốc gia thành viên phải hợp tác với ICC trong việc điều tra, truy tố, xét xử các tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, tội xâm lược hoặc tội diệt chủng. Trong trường hợp quốc gia không thể hoặc không chịu thực hiện nghĩa vụ hợp tác đó, ICC có thể tự mình quyết định thực thi các thủ tục tố tụng để buộc kẻ phạm tội phải bị trừng phạt. Một ví dụ nữa là các quốc gia thành viên EU phải tuân thủ luật pháp EU, mà trong một số lĩnh vực có thể thay thế luật pháp quốc gia, chẳng hạn, như: thương mại, môi trường và quyền con người…
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy hệ thống pháp luật của các quốc gia đã trải qua những chuyển đổi đáng kể kể từ khi thành lập các cơ chế quản trị toàn cầu, đặc biệt là sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II (1945). Những thay đổi này được thúc đẩy bởi nhu cầu giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và hội nhập vào trật tự pháp lý và kinh tế toàn cầu hóa. Xét cụ thể, có nhiều cách thức mà hệ thống pháp luật quốc gia đã phát triển để thích ứng với quản trị toàn cầu bao gồm: tích hợp các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế vào pháp luật từng quốc gia; sửa đổi, điều chỉnh để làm hài hòa hóa pháp luật quốc gia với các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế; bổ sung, mở rộng khuôn khổ pháp luật quốc gia để giải quyết các vấn đề xuyên biên giới…
Quá trình này không đồng nghĩa với sự “diệt vong” của pháp luật quốc gia, mà chỉ điều chỉnh, củng cố chức năng và nội dung của pháp luật quốc gia. Trong thực tế, quản trị toàn cầu vẫn khuyến khích sự đa nguyên về mặt pháp lý, trong đó hệ thống quốc gia cùng tồn tại với luật pháp quốc tế và luật pháp khu vực. Ví dụ, ở EU, các quốc gia thành viên tích hợp các chỉ thị của EU vào hệ thống pháp luật quốc gia, trong khi vẫn giữ các quy định pháp luật của nước mình, từ đó tạo ra một cấu trúc pháp lý hỗn hợp. Điều tương tự cũng xảy ra ở Liên minh châu Phi (AU), ASEAN và nhiều tổ chức khu vực khác.
Nói tóm lại, từ khi những cơ chế quản trị toàn cầu được hình thành, các hệ thống pháp luật quốc gia đã trở nên tích hợp hơn vào một khuôn khổ quốc tế rộng lớn hơn, thích ứng với các chuẩn mực, tiêu chuẩn và thách thức mới. Sự phát triển này đã mang lại sự liên kết, trách nhiệm giải trình và hiện đại hóa cao hơn, tuy cũng làm xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột về chủ quyền và cơ chế tuân thủ. Dự đoán trong thế kỷ XXI, quản trị toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng, vì vậy, các hệ thống pháp luật quốc gia có thể có tính thống nhất cao hơn trong nhiều lĩnh vực, song cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn để phát triển và cân bằng các cam kết toàn cầu với các ưu tiên của mỗi nước.
4. Một số gợi mở cho Việt Nam
Giống như nhiều nước khác, quản trị toàn cầu đã ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống pháp luật của Việt Nam, đặc biệt kể từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới (năm 1986). Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế đã thúc đẩy sự tham gia ngày càng tăng của Việt Nam vào các cơ chế quản trị toàn cầu, từ đó tạo ra cả những cơ hội và thách thức cho hệ thống pháp luật trong nước. Một số ví dụ tiêu biểu đó là:
(1) Việt Nam tham gia các tổ chức và hiệp định thương mại toàn cầu, như: WTO, ASEAN và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đặt ra yêu cầu phải hiện đại hóa và điều chỉnh hệ thống pháp luật phù hợp với các tiêu chuẩn thương mại và đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh đó, Nhà nước đã thực hiện những cải cách quan trọng đối với luật thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ để đáp ứng các yêu cầu gia nhập WTO vào năm 2007. Kết quả là hệ thống pháp luật của Việt Nam trở nên minh bạch và dễ dự đoán hơn, tập trung vào việc tuân thủ các chuẩn mực thương mại quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài. Các cam kết của Việt Nam theo các hiệp định quốc tế, như CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của pháp luật về lao động. Vì vậy, Nhà nước đã sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019 để cải thiện quyền của người lao động, bao gồm quyền thành lập công đoàn độc lập, phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO.
(2) Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về nhân quyền của Liên hiệp quốc (hiện đã tham gia 7/9 điều ước cơ bản và nhiều điều ước khác). Việc này đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh khuôn khổ pháp lý của mình cho phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Trong thực tế những thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã liên tục củng cố khung khổ pháp luật quốc gia để phù hợp với các điều ước quốc tế về nhân quyền mà mình đã tham gia.
(3) Việt Nam đã tham gia các cơ chế quản trị toàn cầu về môi trường và biến đổi khí hậu và vì vậy, đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó nội luật hóa các tiêu chuẩn môi trường quốc tế và nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý môi trường. Kết quả là khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về bảo vệ môi trường đã được cải thiện đáng kể so với trước đây.
Xét chung, quản trị toàn cầu có tác động nhiều mặt tới hệ thống pháp luật của Việt Nam, trong đó có cả những thuận lợi và thách thức.
Về những thuận lợi, việc tham gia các cơ chế quản trị toàn cầu tạo cơ hội để Việt Nam cải cách các thế chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, minh bạch trong nhiều lĩnh vực quản lý, qua đó, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng tương thích, phù hợp hơn với nội dung các điều ước quốc tế (các “luật chơi chung”) mà Việt Nam là thành viên – tạo điều kiện cho việc tham gia các “sân chơi chung” của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Không chỉ vậy, việc tham gia các cơ chế quản trị toàn cầu còn tạo thuận lợi cho việc xử lý một số vấn đề của pháp luật của Việt Nam. Ví dụ, trong lĩnh vực quyền con người, hiện Việt Nam tham gia vào 7/9 công ước cơ bản về quyền con người, tham gia tích cực vào cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, tham gia 25 Công ước của ILO và Đối thoại nhân quyền với một số nước và khối nước, như: Mỹ, Australia, EU…3. Trong quá trình tham gia vào các cơ chế này, Việt Nam nhận được nhiều khuyến nghị của các nước, qua đó giúp hoàn thiện thể chế pháp luật về quyền con người, chẳng hạn như trong việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật An ninh mạng năm 2018, Bộ luật Lao động năm 2019…
Giống như nhiều nước khác, việc tham gia các cơ chế quản trị toàn cầu tạo ra những thách thức nhất định đối với chủ quyền đối nội của Việt Nam (theo quan niệm truyền thống về độc lập, chủ quyền) và tạo ra những phức tạp nhất định đối với việc duy trì an ninh và ổn định của đất nước. Để thực thi các nội dung cam kết quốc tế, Việt Nam phải bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật để nội luật hóa các cam kết (khoảng 600 văn bản luật và dưới luật), trong đó có nhiều cam kết liên quan đến những vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm, chưa từng có trong tiền lệ lập pháp của Việt Nam.
Trong khi đó, năng lực, kinh nghiệm lập pháp của Việt Nam còn hạn chế. Điều này dễ dẫn tới bất cập, thiếu sót trong ban hành chính sách, pháp luật mà có thể gây bất ổn về an ninh, trật tự xã hội. Thêm vào đó, việc tham gia một số cơ chế quản trị toàn cầu phần nào thu hẹp biên độ điều chỉnh một số lĩnh vực xã hội của Nhà nước, do yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế. Trong một số trường hợp, các quốc gia, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài viện dẫn các quy định của WTO, CPTPP hay EVFTA để gây sức ép với các cơ quan liên quan của phía Việt Nam cân nhắc một số nội dung trong dự án luật hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành (ví dụ, như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giao dịch điện tử, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật An ninh mạng…) tạo ra áp lực đáng kể trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật này.
5. Kết luận
Quản trị toàn cầu là cần thiết để giải quyết các vấn đề phức tạp, có sự liên kết mà không một quốc gia nào có thể tự giải quyết; đồng thời, cung cấp các khuôn khổ, công cụ và nền tảng cho sự hợp tác, bảo đảm các thách thức toàn cầu chung được giải quyết bằng các giải pháp tập thể. Mặc dù quản trị toàn cầu có thể gây ra những khó khăn nhất định với việc xây dựng và thực hiện pháp luật của các quốc gia nhưng đây là một hiện tượng có tính quy luật và hữu ích để thúc đẩy hòa bình, tính bền vững và thịnh vượng trong một thế giới ngày càng kết nối.
Quản trị toàn cầu đã thúc đẩy Việt Nam hiện đại hóa và quốc tế hóa hệ thống pháp luật của nước mình, tăng cường hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, quá trình này không phải là không có thách thức. Để hóa giải những thách thức đó, Việt Nam cần phải cân bằng các cam kết quốc tế với các ưu tiên trong nước, giải quyết các lỗ hổng trong thực thi pháp luật và xử lý tốt những mâu thuẫn, xung đột giữa những yêu cầu đặc thù của quản trị quốc gia của Việt Nam với những mục tiêu và yêu cầu của quản trị toàn cầu về tính cởi mở, nhân quyền và pháp quyền. Việc thích ứng thành công với quản trị toàn cầu chủ yếu phụ thuộc vào khả năng của Việt Nam trong việc điều chỉnh hệ thống pháp luật để hoá giải những vấn đề phức tạp gây ra từ các cơ chế quản trị toàn cầu, giữ vững sự ổn định của hệ thống chính trị XHCN, trong khi vẫn tận dụng được những lợi thế do quản trị toàn cầu đem lại để thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng, bền vững của đất nước.
Chú thích:
1. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học “Quản trị quốc gia tốt và việc chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước ở Việt Nam”, mã số 505.01-2021.07, được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED).
2. Rubins, N. (1996). Review of The New Sovereignty: Compliance with International Regulatory Agreements, by A. Chayes & A. H. Chayes. The Fletcher Forum of World Affairs, 20 (2), 189 – 193. http://www.jstor.org/stable/45289984.
3. Bài viết của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhân dịp 70 năm Tuyên ngôn nhân quyền. http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Bai-viet-cua-Pho-Thu-tuong-Pham-Binh-Minh-nhan-dip-70-nam-Tuyen-ngon-nhan-quyen/354190.vgp.
Tài liệu tham khảo:
1. Castells, M. (2005). Global governance and global politics. PS: Political Science and Politics, 38.
2. Coate, R. A., &Murphy , C. (1995). Editor ’s note. Global Governance.
3. Global Governance. Our Global Neighborhood. Report of the Commission on Global Governance. https://www.gdrc.org/u-gov/global-neighbourhood.
4. Ikenberry , J. (2014). The quest for global governance. Current History, 1 13 (759), 16 – 18.
5. Karsten Nowrot. Global Governance and International Law. http://www.wirtschaftsrecht.uni-halle.de/sites/default/files/altbestand/Heft33.pdf
6. Krahmann, E. (2003). National, regional, and global governance: One phenomenon or many? Global Governance, 9 (3), 323 – 346.
7. Miller, C. A. (2007). Democratization, international knowledge, institutions, and global governance. Governance: An International Journal of Policy, Administration, and Institutions, 20 (2), 325 – 357.
8. Risse, T . (2012). Governance in areas of limited statehood. In D. LeviFaur (Ed.), Oxford handbook of governance (pp. 716-729). Oxford, UK: Oxford University Press.
9. Rittberger, V . (2002). Global governance and the United Nations system. New York, NY: United Nations University.
10. Rubins, N. (1996). Review of The New Sovereignty: Compliance with International Regulatory Agreements, by A. Chayes & A. H. Chayes. The Fletcher Forum of World Affairs, 20(2), 189 – 193. http://www.jstor.org/stable/45289984.
11. Roberto Domínguez and Rafael Velázquez Flores, Global Governance, Oxford Research Encyclopedia of International Studies, 2018.
12. Roberto Domínguez and Rafael Velázquez Flores. International Law. International Relations Theory Online Publication Date: Jul 2018. DOI10.1093/acrefore/9780190846626.013.508.
13. Rosenau, J. N., & Czempiel, E.O. (1992). Governance without government: Order and change in world politics. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
14. Thakur , R., & V an Langenhove, L. (2006). Enhancing global governance through regional integration. Global Governance, 12(3), 233 – 240.
15. Zurn, M. (2012). Global governance as multilevel governance. In D. LeviFaur (Ed.), Oxford handbook of governance (pp. 730 – 743). Oxford, UK: Oxford University Press.
Nguồn: Quản trị toàn cầu tác động đến pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia
Tin mới nhất
Trung Quốc phát hiện hai mỏ thạch anh, trữ lượng hơn 35 triệu tấn

Thị trường chứng khoán ngày 23/4: Kỳ vọng hình thành đáy thứ hai sau nhịp hồi phục tích cực

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 24/4/2025: Tuổi Hợi quý nhân nâng đỡ, tuổi Mão gặp may mắn

Hơn 240 triệu ha đất canh tác trên toàn cầu bị ô nhiễm kim loại nặng

Chiến lược đầu tư cổ phiếu cổ tức cao trong bối cảnh thị trường biến động
