Quảng Bình: Tăng cường quản lý, vận hành đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi
Theo UBND tỉnh Quảng Bình biến đổi khí hậu toàn cầu cùng với sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội ở thượng lưu và hạ lưu hồ chứa làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước. Đồng thời, sự phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế tại khu vực hạ du đòi hỏi khả năng phòng, chống lũ phải được nâng cao, vượt mức thiết kế ban đầu của các hồ chứa. Tuy nhiên, nhiều hồ chứa thuỷ lợi được xây dựng cách đây 30 – 40 năm về trước đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, đặc biệt trong điều kiện xảy ra mưa, lũ cực đoan vượt thiết kế. Trước thực tế này cần đảm bảo quản lý, vận hành an toàn hồ đập và hồ chứa thuỷ lợi, đồng thời bảo vệ an toàn cho vùng hạ du.
Do đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục khảo sát thông số hồ chứa, đánh giá cụ thể về dung tích của hồ chứa, vùng tưới, diện tích thực đang phục vụ và các nhu cầu đang sử dụng nước, nhu cầu khai thác đa mục tiêu để sử dụng hiệu quả hồ chứa. Chỉ đạo rà soát, lập và điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước phù hợp với điều kiện mưa, lũ cực đoan, vượt tần suất thiết kế, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trong đó tập trung vào các hồ chứa có cửa van, cần tính toán đến thượng lưu, hạ lưu, trách nhiệm, vận hành trong các tình huống khẩn cấp và phải gắn với lưu vực sông, đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du và khai thác tổng hợp hồ chứa.
Chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Bình, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá an toàn công trình, năng lực thoát lũ của tràn; tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải pháp phù hợp nâng cao mức đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa (như: nâng dung tích phòng lũ, nâng cao năng lực xả, bố trí tràn sự cố,… và các biện pháp đảm bảo an toàn ở hạ du khi hồ xã lũ). Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh quyết định phương án tích nước và giải pháp đảm bảo an toàn công trình, hạ du, hồ chứa. Nghiên cứu đề xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số phục vụ quản lý vận hành; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mùa mưa lũ hướng tới sự vận hành thông minh các hồ chứa (số liệu lượng mưa, mực nước, lưu lượng thực đo ở thượng nguồn, mực nước, lưu lượng ở hạ du, tình hình ngập lụt ở hạ du…). Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Quyết định số 3787/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 của UBND tỉnh ban hành Đề án nâng cao hiệu quả quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 2386/KH-UBND ngày 12/12/2024 của UBND tỉnh về đầu tư nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2025 – 2030.
Quảng Bình tăng cường quản lý an toàn hồ đập nhằm đảm bảo công trình thuỷ lợi trước mùa mưa bão. (Ảnh minh hoạ: BC). |
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan cân đối, tham mưu bố trí kinh phí chi đầu tư công trung hạn, hàng năm để thực hiện Kế hoạch 2386/KH-UBND ngày 12/12/2024 của UBND tỉnh về đầu tư nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2025-2030 theo quy định.
Đồng thời UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi thuộc thẩm quyền quản lý rà soát, lâp và điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước, đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du và khai thác tổng hợp hồ chứa.
Tổ chức rà soát, đánh giá an toàn công trình, năng lực thoát lũ của tràn; đề xuất giải pháp phù hợp nâng cao mức đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa (như: nâng dung tích phòng lũ, nâng cao năng lực xả, bố trí tràn sự cố,… và các biện pháp đảm bảo an toàn ở hạ du khi hồ xả lũ); tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn công trình trước mùa mưa, lũ kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Tiếp tục rà soát năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác hệ thống thuỷ lợi, tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập, tuyệt đối không giao cho các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa thuỷ lợi. Tăng cường kiểm tra nhằm kip thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm trong phạm vi bảo vê công trình thuỷ lợi; kiên quyết xử lý đối với các trường hợp xâm phạm gây mất an toàn công trình thuỷ lợi theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thuỷ lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, đảm bảo an toàn công trình, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập, tuyên truyền vận đông người dân tham giao bảo vê công trình thuỷ lợi.
Công ty TNHHMTV khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Bình rà soát lập và điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước phù hợp với điều kiện mưa lũ cực đoan, vượt tần suất thiết kế, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trong đó tập trung vào các hồ chứa có cửa van, cần tính toán đến thượng lưu, hạ lũ, trách nhiệm vận hành trong các tình huống khẩn cấp và phải gắn với lưu vực sông, đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du và khai thác tổng hợp hồ chứa. Tổ chức rà soát, đánh giá an toàn công trình, năng lực thoát lũ cửa tràn; đề xuất các giải pháp phù hợp nâng cao mức đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa như nâng dung tích phòng lũ, nâng cao năng lực xả, bố trí tràn sự cố,... và các biện pháp đảm bảo an toàn ở hạ du khi hồ xã lũ.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số phục vụ quản lý vận hành; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo trong mùa mưa, lũ hướng tới vận hành thông minh các hồ chứa dữ liệu lượng mưa, mực nước, lượng thực đo ở thượng nguồn, nhân lực và nhân lực chất lượng cao làm chủ các công nghệ tiên tiến. Tăng cường kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm trong phạm vi bảo vê công trình thuỷ lợi.
Công trình thủy lợi hồ chứa nước Vực Tròn (xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh minh hoạ). |
Trong những năm qua, công tác đầu tư, duy tu, nâng cấp sửa chữa hồ thuỷ lợi đã được UBND tỉnh Quảng Bình quan tâm. Tuy nhiên, nhiều công trình hồ thuỷ lợi trên địa bàn đã xây dựng cách đây 20 năm đến 30 năm về trước nên hư hỏng, xuống cấp nhất là trong điều kiện thời tiết mưa lũ xảy ra với cường độ lớn đã làm mất an toàn đối với công trình thuỷ lợi. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 151 hồ chứa thuỷ lợi, trong đó có 61 đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp. 22 công trình bị hư hỏng nặng đang trong quá trình lập hồ sơ thiết kế và thi công; còn lại 39 công trình bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau.
Tỉnh Quảng Bình đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2030 các đập, hồ chứa thuỷ lợi bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cao có kế hoạch và kinh phí triển khai nâng cấp, sửa chữa. Phấn đấu 100% các hồ chứa lớn được ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành, dự báo, cảnh báo nguy cơ mất an toàn hồ, đâp thuỷ lợi trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2025 đến năm 2028 triển khai thực hiện kế hoạch với tổng kinh phí là 191 tỷ đồng, sửa chữa các công trình hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn cao thuộc mức độ ưu tiên cao. Năm 2029 đến năm 2030 triển khai thực hiện kế hoạch với tổng kinh phí là 174 tỷ đồng, sửa chữa các công trình hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khi bố trí nguồn lực phục vụ công tác đầu tư đảm bảo an toàn hồ đập phải căn cứ vào danh muc, thứ tự ưu tiên. Các huyện, thành phố, thị xã, trong quá trình đề xuất đầu tư, bố trí nguồn vốn nâng cấp sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp cần bố trí nhân sự đảm bảo năng lực, điều kiện kinh nghiệm quản lý trong công tác thẩm định dự án về thuỷ lợi đảm bảo khai thác công trình thuỷ lợi theo quy định pháp luật về thuỷ lợi.
Nguồn: Quảng Bình: Tăng cường quản lý, vận hành đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi