Quảng Hòa (Cao Bằng): Hàng nghìn m² đất nông nghiệp bị “hô biến” thành bãi đổ thải
Khối lượng lớn đất đá thải của công trình san lấp mặt bằng khu Trung tâm văn hoá – thể thao xã Độc Lập do Công ty TNHH Khai thác vật liệu xây dựng Quảng Uyên là nhà thầu thi công đã “vô tư” đổ thải, vùi lấp hàng nghìn m² đất nông nghiệp của người dân. |
Theo phản ánh của người dân về tình trạng đổ đất đá thải, gây hủy hoại đất nông nghiệp, ngày 28/6, phóng viên Báo TN&MT đã đến xác minh và tìm hiểu thông tin. Tại địa bàn xóm Nà Phường - Đoỏng Pán, xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng), ghi nhận hàng nghìn m² đất nông nghiệp đã bị khối lượng lớn đất đá thải vùi lấp, nhìn rất nham nhở. Điều đáng nói, tình trạng này đã diễn ra gần 1 năm nay và vị trí đổ đất đá thải san lấp đất nông nghiệp nằm ngay bên đường Tỉnh lộ 207, thế nhưng không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.
Theo bà B.T.T, xóm Đoỏng Pán, xã Độc Lập, huyện Quảng Hoà thì tình trạng đổ đất thải này diễn ra gần 1 năm nay, lâu lâu lại thấy có xe tải chở đất đến đổ. Chỗ đổ đất đá thải này là diện tích đất của gia đình ông Bế Ích Quỳnh, trước đây họ trồng ngô, lúa. Từ khi đổ đất đá thải đến nay thì không thấy gia đình ông Quỳnh canh tác nữa. Tôi không biết đã được cấp phép đổ thải hay chưa, nhưng tình trạng này diễn ra không thấy có cơ quan chức năng nào đến nhắc nhở, kiểm tra.
Hàng nghìn m² đất nông nghiệp của người dân bị khối lượng lớn đất đá thải vùi lấp, nhìn rất nham nhở, làm mất khả năng canh tác. |
Tiếp tục tìm hiểu sự việc, phóng viên liên hệ làm việc với UBND xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa. Tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa xác nhận: Về việc đổ đất đá thải xã đã nắm được. Vị trí đổ đất đó của gia đình ông Bế Ích Quỳnh, là đất nông nghiệp với diện tích khoảng gần 2.000 m². Khối lượng đất đá thải đó từ công trình san lấp mặt bằng khu Trung tâm văn hoá – thể thao xã Độc Lập do Công ty TNHH Khai thác vật liệu xây dựng Quảng Uyên là nhà thầu thi công.
Nhiều tháng qua, việc Công ty TNHH Khai thác vật liệu xây dựng Quảng Uyên thi công san lấp mặt bằng, vận chuyển đất đá thải từ công trình thi công đi đổ vùi lấp diện tích đất nông nghiệp của gia đình ông Bế Ích Quỳnh, UBND xã Độc Lập đã biết. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị UBND xã Độc Lập cung cấp biên bản kiểm tra hay văn bản liên quan đến vị trí đổ thải trên thì vị Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết: Giữa Chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các hộ gia đình đã có biên bản thỏa thuận để đổ thải san lấp đất nông nghiệp nên UBND xã không tiến hành kiểm tra. Hơn nữa, đây là dự án do huyện Quảng Hòa làm Chủ đầu tư nên xã cũng “khó”.
Theo Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Được biết, 3 dự án gồm: Khu thể thao xã Độc Lập; Nhà văn hóa xã Độc Lập; San lấp mặt bằng khu Trung tâm văn hóa - thể thao xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa là do Ban Quản lý Dự án Đầu tư và xây dựng, huyện Quảng Hòa làm Chủ đầu tư và đều do Công ty TNHH Khai thác vật liệu xây dựng Quảng Uyên là nhà thầu thi công. Đến nay, dự án Nhà văn hóa xã Độc Lập đã hoàn thành và bàn giao; còn 2 dự án Khu thể thao xã Độc Lập và San lấp mặt bằng khu Trung tâm văn hóa - thể thao xã Độc Lập vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Ông Nông Đình Kiên, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư và xây dựng huyện Quảng Hòa, cho biết: Đối với vị trí đổ thải của công trình san lấp mặt bằng khu Trung tâm văn hóa - thể thao xã Độc Lập thì giữa các bên gồm: Chủ đầu tư, UBND xã Độc Lập, nhà thầu thi công và các chủ sử dụng đất đã có biên bản thỏa thuận về việc xác định bãi đổ thải. Theo đó, đất thải trong quá trình thi công sẽ được vận chuyển và đổ tại các vị trí trên địa bàn xã Độc Lập, như: Đám rẫy gia đình ông Bế Ích Quỳnh, xóm Nà Phường; Đám đất ruộng gia đình ông Triệu Hoàng Kháo, xóm Đoỏng Pán 2; Đám đất của gia đình ông Nông Bế Trung, xóm Nà Pheo.
Điều đáng nói, vị trí đổ đất thải này lại nằm ngay sát tuyến Tỉnh lộ 207 đoạn qua xóm Nà Phường - Đoỏng Pán, xã Độc Lập, huyện Quảng Hoà, gây bức xúc dư luận. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên: Ngoài biên bản thỏa thuận giữa các bên về việc xác định bãi đổ thải, thì công trình thi công san lấp mặt bằng khu Trung tâm văn hóa - thể thao xã Độc Lập đã được UBND huyện Quảng Hòa ban hành văn bản chấp thuận địa điểm đổ thải chưa?. Ông Nông Đình Kiên lý giải: Về thủ tục pháp lý của bãi đổ thải đúng là chưa được đầy đủ. Vị trí đổ thải của các công trình hiện nay trên địa bàn huyện Quảng Hòa gặp nhiều khó khăn, nên việc đổ thải nhiều khi khó tuân thủ các quy định. Dự án lại cần phải triển khai ngay, nếu thực hiện các bước theo quy định về bãi đổ thải thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án và đầu tư công.
Trước những lý giải, biện minh của ông Nông Đình Kiên, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư và xây dựng huyện Quảng Hoà, dư luận đặt ra câu hỏi: “Với biên bản thỏa thuận giữa Chủ đầu tư, UBND xã Độc Lập, nhà thầu thi công và các chủ đất về bãi đổ thải có đúng thủ tục pháp lý không? Việc vận chuyển đất đá thải từ công trình thi công để đổ, san lấp hàng nghìn m² đất nông nghiệp chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng có đúng hay không? Các cơ quan chức năng, địa phương của huyện Quảng Hòa đã làm hết trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng hàng nghìn m² đất nông nghiệp bị khối lượng lớn đất đá thải vùi lấp? Phải chăng ngành chức năng huyện Quảng Hòa có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý đất đai?”.
Việc san gạt, đổ thải làm biến dạng địa hình, hủy hoại đất, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là hành vi vi phạm Luật Đất đai, bị nghiêm cấm. Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng sớm làm rõ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Điều 15, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định:
1. Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta.
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta.
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta.
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta.
đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.
2. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.
Nguồn: Quảng Hòa (Cao Bằng): Hàng nghìn m² đất nông nghiệp bị “hô biến” thành bãi đổ thải