Quảng Nam: Bảo tồn di sản trước những tác động của khí hậu
Quảng Nam: Thiếu nước sản xuất nông nghiệp vì nắng nóng kéo dài Quảng Nam: Phối hợp làm sạch môi trường bờ biển đoạn qua xã Tam Tiến, huyện Núi Thành |
Thông tin từ Sở VH-TT&DL, hiện toàn tỉnh có hơn 450 di tích được xếp hạng các cấp, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt và 64 di tích quốc gia. Hệ thống di tích trên địa bàn Quảng Nam bao gồm đầy đủ loại hình từ lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh thắng thuộc nhiều loại hình sở hữu khác nhau.
Tháp Khương Mỹ xuất hiện các vệt trắng xóa trên bề mặt gạch sau trùng tu. Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng lạ với các đền tháp Chăm |
Câu chuyện tháp Chăm Khương Mỹ (Tam Xuân, Núi Thành) với hiện tượng rêu mốc, muối hóa trong những ngày gần đây không phải là chuyện mới đối với các di tích khảo cổ, đặc biệt là di tích Chăm. Với khí hậu của miền Trung, kèm lũ lụt là nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, mối mọt, cây cối mọc ký sinh trên các công trình, dẫn đến sự phá hủy di tích. Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống đền - tháp Chăm ở khu vực miền Trung tuy làm bằng gạch đá nhưng chịu tác động thường xuyên của khí hậu nóng ẩm, gió biển, mưa lũ và hơi nước biển gây mủn bề mặt.
Đặc biệt, cùng với các tháp lộ thiên, hệ thống di tích, di chỉ khảo cổ của Quảng Nam vẫn chiếm số lượng lớn. Sự biến đổi khí hậu làm thay đổi sự cân bằng của các quá trình thủy văn, hóa học và sinh học của đất nơi bảo quản chứng cứ khảo cổ, dẫn đến ảnh hưởng đến một số lớp khảo cổ, nguy hiểm hơn là có thể làm biến mất những lớp bằng chứng lịch sử của di chỉ. Bên cạnh đó, các tháp Chăm cũng là đối tượng dễ bị tổn thương bởi nằm sát mặt đất. Đất ẩm góp phần gia tăng sự thẩm thấu và tích tụ muối trong nguyên liệu xây dựng. Theo các nhà nghiên cứu, bất kỳ sự gia tăng ẩm ướt nào của đất cũng có thể sẽ gây ra sự chuyển hóa muối mạnh hơn, các tinh thể muối sẽ làm hư hại dần các vật liệu trang trí bề mặt.
Tại Mỹ Sơn, với điều kiện khí hậu ẩm thấp trong mùa mưa, nóng khắc nghiệt trong mùa nắng đã có nhiều tác động lên quần thể di tích Chăm tại đây. Theo Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, sự thay đổi của khí hậu đã tác động lên môi trường dẫn đến sự phát triển của các sinh vật gây hại, nấm mốc. Riêng độ ẩm và nền nhiệt độ tăng cao làm cho bề mặt di tích có nguy cơ mục nhũn cao, dễ bong tróc ở những mảng tường có kết cấu yếu. Ngoài tác động trực tiếp lên di tích, sự biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến môi trường rừng tự nhiên xung quanh. Nhiều năm liền, tại các tháp của Mỹ Sơn, nhiều loại địa y trắng có vảy cứng mọc rất nhanh trên bề mặt tường làm ảnh hưởng tới các bề mặt trang trí, chạm khắc. Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn phải thực hiện các biện pháp cấp thiết bao gồm giám sát hằng ngày, đánh giá báo cáo hiện trạng, can thiệp gia cố, gia cường cấp thiết, bảo tồn, bảo vệ từ xa, dùng công nghệ sinh học tiêu diệt cây cỏ trên di tích...
Trong khi đó, biến đổi khí hậu tác động khá mạnh mẽ lên các di tích nhà cổ trong quần thể Đô thị cổ Hội An. Các di tích kiến trúc, di tích khảo cổ với nguyên liệu gỗ sẽ bị xuống cấp và hư hỏng nếu bị ngập lâu trong nước hoặc tác động của nhiệt độ và độ ẩm cao trong thời gian dài. Với hình thái thời tiết cực đoan, trong trường hợp có sự kết hợp của một vài hiện tượng như bão kết hợp thủy triều, lốc xoáy kết hợp mưa lớn... sẽ tác động không nhỏ đến các di tích.
Ông Hồ Xuân Tịnh - nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cũng là một nhà nghiên cứu khảo cổ học cho rằng, bảo quản và tu bổ các tháp Chăm là công việc rất phức tạp. “Xác định tính chất của các di tích này là các phế tích kiến trúc khảo cổ học, do vậy công việc trùng tu các đền tháp Chăm được tiến hành theo trường phái trùng tu khảo cổ học, chủ yếu là bảo tồn nguyên trạng và gia cố chống sụt lở, tái định vị các thành phần bị dịch chuyển và phục hồi từng phần” - ông Hồ Xuân Tịnh nói.
Về kỹ thuật trùng tu các kiến trúc Chăm, hiện nay vẫn chưa có một sự thống nhất của các nhà khoa học. Ông Hồ Xuân Tịnh cho rằng, kể cả những người làm công tác tu bổ di tích vẫn chưa có một tiếng nói chung, các đơn vị đang thực hiện tu bổ di tích kiến trúc Chăm, kể cả chuyên gia nước ngoài như Italia, Ấn Độ, vẫn đang trùng tu thể nghiệm. “Tại khu đền tháp Mỹ Sơn, một số dự án tu bổ di tích đã được thực hiện từ những năm 1980 đến nay, về cơ bản cũng chỉ mới làm được một việc là giữ cho các công trình ở đây không bị tiếp tục hư hại” - ông Hồ Xuân Tịnh chia sẻ.
Năm 2015, tại Quảng Nam, một hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn di tích Chăm trên địa bàn Quảng Nam” với các nhà khoa học thuộc Đại học năng lượng Moskva đề ra giải pháp bảo quản bề mặt tháp Champa bằng công nghệ hóa chống thấm và công nghệ tôi bề mặt gạch. Tuy nhiên, ông Hồ Xuân Tịnh cho rằng, từ đó đến nay vẫn chưa có tiến triển mới về sự hợp tác bảo tồn di tích Chăm bằng công nghệ cao. Tiếp tục với câu chuyện bảo tồn di tích Chăm, năm 2022 tại TP.Đà Nẵng, Viện Bảo tồn di tích đã tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến khoa học xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật - Yêu cầu vật liệu và kỹ thuật thi công, nghiệm thu đền tháp Champa”. Kỳ vọng một bộ tiêu chuẩn có chất lượng khoa học cao, đóng góp hiệu quả cho công tác bảo tồn, tu bổ các di tích Chăm được nhiều người mong đợi.
Thách thức bảo tồn di sản trước tác động của tự nhiên ngày một khó lường hơn khi các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng nhiều. Năm 2021, UBND Quảng Nam đã ban hành “Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Kế hoạch đặt mục tiêu tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, lồng ghép nhiệm vụ thích ứng với biến đổi vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái trên địa bàn. Đây chính là cơ hội để các di tích, di sản thích ứng và có phương pháp bảo tồn thích hợp trước những tác động ngày một mạnh mẽ của tự nhiên.
Nguồn: Quảng Nam: Bảo tồn di sản trước những tác động của khí hậu