Quảng Ngãi chi 720 tỷ đồng đầu tư xây kè chống sạt lở bờ sông, cửa biển
Quảng Ngãi: Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Ba Tơ bị phạt 35 triệu đồng Đầu tư gần 15 tỷ đồng cải tạo hồ điều hòa bị ô nhiễm ở Quảng Ngãi |
Ổn định dân cư, hạn chế nạn sạt lở ở vùng ven sông, ven biển thông qua việc đầu tư xây kè chống sạt lở được coi là giải pháp để tỉnh Quảng Ngãi ứng phó linh hoạt trước thiên tai.
Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ sông, cửa biển, khu dân cư ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn biến ngày càng phức tạp.
Thậm chí, nhiều điểm sạt lở bờ sông, bờ biển đã tác động lớn tới đời sống, đe dọa tính mạng của người dân vùng dọc ven sông, ven biển của tỉnh Quảng Ngãi, ảnh hưởng lớn đến hạ tầng, đời sống sản xuất của hàng ngàn hộ dân.
Trước tình trạng đó, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình đê, kè kiên cố khắc phục sạt lở bờ sông, cửa biển và tình trạng triều cường xâm thực, ổn định đời sống, sản xuất. Đồng thời, tạo hành lang giao thông động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.
Tình trạng sạt lở bờ sông, cửa biển, khu dân cư ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn biến ngày càng phức tạp. (Ảnh minh họa) |
Trong đó, chủ trương ưu tiên vốn để xây dựng nhiều công trình đê, kè kiên cố khắc phục sạt lở bờ sông, cửa biển, đồng thời, tạo hành lang giao thông động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi Lê Quốc Đạt, năm 2023, tỉnh ưu tiên bố trí 720 tỷ đồng và giao cho Ban Quản lý triển khai cùng lúc 6 dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư nhiều dự án kè mới, chống sạt lở ở những điểm nóng của nạn sạt lở, tạo được sự đồng thuận trong dân. Các dự án kè chống sạt lở này đang được chỉ đạo gấp rút đẩy nhanh tiến độ để giúp người dân an cư.
Cụ thể, công trình kè chống sạt lở bờ biển thôn Phước Thiện 1, Phước Thiện 2, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với chiều dài 300m, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng đang được nhà thầu thi công gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng, nhằm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho khoảng 400 hộ dân.
Công trình hoàn thành còn góp phần bảo đảm an toàn cho các công trình hạ tầng công cộng, tạo hành lang giao thông nông thôn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo. Dự án kè này cùng với 2.000m kè xã Bình Hải giai đoạn 1 và giai đoạn 2 và kè các thôn Thanh Thủy, Phước Thiện được đầu tư khẩn cấp trước đó, đã cơ bản “xóa” điểm nóng sạt lở tại các vị trí xung yếu ở Bình Hải.
Được biết, xã biển Bình Hải là địa phương đối mặt với tình trạng sạt lở nặng do triều cường. Trong 3 năm qua, Quảng Ngãi đã quyết định ưu tiên nguồn lực để “xoá” điểm nóng sạt lở tại đây. Gần 2.300 m kè đã được đầu tư với tổng kinh phí hơn 172 tỷ đồng đã giúp cho người dân trong vùng yên tâm trước nạn triều cường xâm thực.
Ngoài ra, dự án kè chống sạt lở bờ Bắc sông Trà Khúc, đoạn qua các xã Tịnh Hà, Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, được triển khai thi công từ tháng 4 vừa qua. Tổng chiều dài của công trình kè khoảng 5.128 m, gồm xây mới trên 4.000 m2 và sửa chữa, nâng cấp 1.115 m.
Công trình kè có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, thực hiện hoàn thành trong năm 2023 để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho khoảng 260 hộ dân sinh sống ven sông, bảo vệ khu trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh mới, các công trình cơ sở hạ tầng trong khu vực; đồng thời kết hợp phát triển giao thông, chỉnh trang đô thị dọc bờ Bắc sông Trà Khúc.
Một số dự án kè chống sạt lở bờ biển cũng được chủ trương đầu tư, bao gồm: Dự án kè chống sạt lở bờ biển tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ); dự án kè chống sạt lở thôn Đông Yên 2 (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn)... được đầu tư 38 tỷ đồng xây dựng tuyến kè dài 800m chống sạt lở, ổn định đời sống cho hơn 240 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu nơi đây.
Việc đầu tư xây dựng công trình kiên cố chống sạt lở bờ biển, bờ sông là hết sức cấp thiết. Đây là phương án tối ưu nhất để bảo đảm ổn định bờ biển, bờ sông lâu dài, giúp người dân an tâm trong mùa mưa bão, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Võ Quốc Hùng, hầu hết các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển nêu trên đều thuộc mức độ “sạt lở nguy hiểm” và “tình huống khẩn cấp về thiên tai”. Do vậy, cần ưu tiên đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, bảo vệ an toàn cho khu dân cư, các công trình hạ tầng, đất sản xuất trong khu vực. |
Nguồn: Quảng Ngãi chi 720 tỷ đồng đầu tư xây kè chống sạt lở bờ sông, cửa biển