Quảng Ninh: Chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường
CLB "Cựu chiến binh bảo vệ môi trường" phường Hồng Hải (TP Hạ Long) ra quân thu gom rác ven biển Vịnh Hạ Long, tháng 6/2023. |
Sự ra đời của Nghị quyết số 10-NQ/TU có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác BVMT trên địa bàn tỉnh, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Nghị quyết trở thành cơ sở cho tỉnh trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực, nhằm từng bước ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Đồng thời có sự cộng đồng trách nhiệm ngày càng cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, sâu rộng của nhiều cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cộng đồng và người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực BVMT cả trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, cho thấy Nghị quyết số 10-NQ/TU đi nhanh vào cuộc sống.
Quảng Ninh sở hữu đường bờ biển dài 250km, diện tích vùng biển khoảng 6.000km2. Nhằm bảo vệ môi trường, nguồn lợi từ biển, hướng tới phát triển thủy sản bền vững giá trị cao, tỉnh đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản. Các địa phương, ban, ngành liên quan tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hiểu rõ, hiểu đúng về tác hại, nguy cơ tiềm ẩn của vật liệu xốp đối với môi trường tự nhiên, sản lượng, chất lượng vật nuôi. Các phao xốp trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long thu hồi về bờ, tiếp tục được vận chuyển bằng các xe container đưa tới nhà máy xử lý theo hướng dẫn của Sở TN&MT. Các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương trực tiếp tham gia tổ công tác để bám sát cơ sở, giải quyết vướng mắc và tranh thủ sự đồng thuận của nhân dân. Nhờ đó đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh đã xử lý, chuyển đổi được trên 5,9 triệu quả phao xốp, đạt 95,8%; các địa phương như Vân Đồn, Cẩm Phả... đạt từ 95-98%.
Huyện Vân Đồn ra quân thu gom phao xốp trên biển, làm sạch môi trường Vịnh Bái Tử Long, tháng 4/2023. Ảnh: Ngân Hà (CTV) |
“Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế đơn thuần”, “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh” là quan điểm đã nhiều lần được tỉnh Quảng Ninh quán triệt, vận dụng khi bàn về chiến lược phát triển toàn diện những năm gần đây. Năm 2023 quan điểm này tiếp tục được tỉnh cụ thể hóa thông qua các giải pháp cụ thể: Xây dựng Đề án tổng thể đảm bảo nguồn vật liệu san lấp; phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND (ngày 9/6/2023) triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời thẩm định, phê duyệt 25 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và 14 hồ sơ cấp giấy phép môi trường. Toàn tỉnh hiện có 8 nhà máy nhiệt điện, 4 nhà máy xi măng, cùng nhiều khu, cụm công nghiệp với nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu với môi trưởng. Do đó các báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt là căn cứ để tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác BVMT, như: Chủ động kiểm soát chặt chẽ nguồn thải, xử lý nước thải, khí thải; lắp đặt, vận hành liên tục hệ thống quan trắc môi trường tự động, thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại...
Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, công tác BVMT của tỉnh tiếp tục mang lại kết quả tích cực; huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh có 162 trạm QTMTTĐ được đầu tư, đi vào hoạt động. Trong đó, có 7 trạm giám sát chất lượng môi trường nước biển ven bờ, 5 trạm giám sát chất lượng nước mặt, 16 trạm giám sát chất lượng không khí xung quanh, 47 trạm giám sát hoạt động xả khí thải, 84 trạm quan trắc giám sát nước thải...Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo thực hiện các chương trình quan trắc môi trường định kỳ trên phạm vi 13 địa phương trong tỉnh với 382 vị trí quan trắc. Trong đó, có 62 vị trí quan trắc định kỳ môi trường không khí, tiếng ổn, độ rung; 124 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước mặt lục địa; 8 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước dưới đất; 99 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước biển ven bờ... Theo kết quả quan trắc môi trường trong 5 năm qua của tỉnh, các thông số môi trường cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép. |
Nguồn: Chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường