Quảng Ninh: Dấu ấn giá trị lịch sử, văn hóa ở Cẩm Phả
Phối cảnh Khu nhà lưu niệm Vùng than Cẩm Phả |
Công trình được người Pháp xây dựng trong giai đoạn Pháp đô hộ Việt Nam từ 1858-1945 với diện tích 4.800m2 gồm có nhà Thị ủy cũ, nhà Bệnh viện Cẩm Phả cũ, hầm số 1, hầm số 2, sân tập trung, lầu vọng cảnh, hệ thống sân, vườn. Dưới thời thuộc Pháp, sau khi viên quan đại lý người Pháp Vavasseur thành lập Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ năm 1886, khu tòa đại lý hành chính Cẩm Phả gồm: Công sở, văn phòng, biệt thự… được thiết kế, xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu thời cận đại. Đây là nơi ở và làm việc của Vavasseur viên quan đại lý người Pháp có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả lúc bấy giờ; đồng thời là trụ sở làm việc của các quan Pháp, chủ mỏ cùng một số quan chức, sếp đội người Việt phục vụ cho chính quyền thuộc địa.
Năm 1955, Vùng mỏ được giải phóng, khu nhà này là trụ sở Văn phòng Thị ủy Cẩm Phả. Khi Thị ủy Cẩm Phả chuyển về phường Cẩm Trung, Văn phòng Thị ủy cũ chuyển thành Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố; sau đó chuyển cho Trường CĐ nghề Than - Khoáng sản Việt Nam quản lý và sử dụng, hình thành Khu nhà lưu niệm Vùng than Cẩm Phả.
Từ năm 2019-2021, Trường CĐ nghề Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư 15 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa các công trình trong khuôn viên nhà lưu niệm. Sau khi trùng tu, tòa nhà Thị ủy cũ trưng bày các tư liệu, tranh, ảnh, phù điêu, hiện vật có giá trị lịch sử và khoa học được chia theo niên biểu, chủ đề và tiêu đề.
Quân ta vào tiếp quản Tòa nhà Đại lý hành chính Cẩm Phả năm 1955. Ảnh: Tư liệu |
Tầng 1 là không gian trưng bày điểm nét lịch sử tên gọi tỉnh Quảng Ninh cùng những dấu mốc phát triển của tỉnh, thành tựu trên các lĩnh vực. Tầng 2 trưng bày về Vùng than Cẩm Phả - những mốc son lịch sử, gắn với các địa danh: Núi Cốt mìn, trụ sở Báo Than, mỏ Đèo Nai, di tích Vũng Đục, hang núi Đá Chồng, cầu trục Poóc tích, trận địa pháo cao xạ, hầm chỉ huy của Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông trong kháng chiến chống Mỹ...
Bên phía nhà Bệnh viện thời Pháp trưng bày về các chủ đề “Vùng than Cẩm Phả thời thuộc Pháp, giai đoạn 1884-1955” và “Vùng than Cẩm Phả đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và giải phóng (1930-1955)” với nhiều bức ảnh tư liệu, hiện vật quý, như: Lễ ký Khế ước bán Vùng mỏ Hòn Gấc (Hòn Gai), giữa triều đình nhà Nguyễn với toàn quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, ngày 26/8/1884; bản đồ khu mỏ Hòn Gấc, triều đình nhà Nguyễn bán cho thực dân Pháp, năm 1884; đời sống cực khổ của phu mỏ thời Pháp thuộc...
Bên cạnh đó còn có hệ thống cây cổ thụ: Cây đại 12/11 mã số CĐ03, danh pháp khoa học là Plumeria, được đặt tên theo Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11; Cây đại 25/4 mã số CĐ04, đặt tên theo Ngày tiếp quản Vùng mỏ 25/4; một số cây sấu, cây long não; 5 cây đại trồng tại khuôn viên khu vực công trình gần 100 năm tuổi, đang được đề xuất lập hồ sơ cây di sản.
Khu nhà bệnh viện cũ nằm trong Khu nhà lưu niệm Vùng than Cẩm Phả |
Hai khu nhà được phục chế nguyên mẫu, trưng bày các chủ đề lịch sử khai thác than ở Cẩm Phả qua các thời kỳ; những mốc son lịch sử và sự hội nhập, phát triển của TP Cẩm Phả.
Khu nhà lưu niệm Vùng than Cẩm Phả là công trình tiêu biểu cho loại hình phong cách kiến trúc Pháp kết hợp kiến trúc Việt cổ. Mục tiêu xây dựng ngôi nhà phù hợp điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam (còn gọi phong cách kiến trúc Đông Dương). Ngày 20/9/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2671/QĐ-UBND phê duyệt danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn TP Cẩm Phả đối với Khu nhà lưu niệm Vùng than Cẩm Phả.
Việc bảo tồn những công trình này góp phần kết nối các điểm đến thành Khu lưu niệm Vùng than, vừa là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, vừa tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm dấu ấn riêng của Vùng mỏ Cẩm Phả.
Nguồn: Dấu ấn giá trị lịch sử, văn hóa ở Cẩm Phả