Quảng Ninh: Du lịch khởi sắc mạnh mẽ ở huyện biên giới Bình Liêu
Du khách trải nghiệm cắm trại tại Bình Liêu. |
Nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch, những năm qua huyện không ngừng đầu tư, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông. Năm 2020, huyện hoàn thành hệ thống các công trình giao thông kết nối tới tất cả các thôn, bản với tổng chiều dài hơn 250km. Năm 2023, huyện triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường liên xã Húc Động - Đồng Văn - Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C. Năm 2024 huyện triển khai các dự án thuộc Đề án cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn tỉnh giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó có một số dự án liên quan trực tiếp đến các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện, như đỉnh Cao Ly, đỉnh Cao Ba Lanh, thác Khe Tiền, thác Khe Vằn, Sông Moóc A, B... Bên cạnh đó, huyện quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tích cực tham gia phát triển du lịch. Đến nay, huyện có 40 cơ sở lưu trú (3 khách sạn, 24 nhà nghỉ, 13 homestay) với trên 318 phòng, cùng 60 nhà hàng, quán ăn.
Thời gian qua, huyện đẩy nhanh thực hiện Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh về việc thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh giai đoạn 2023-2025. Đến nay, huyện đã hoàn thành 2 Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 điểm dân cư nông thôn kết hợp làng văn hóa - du lịch, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 điểm dân cư nông thôn kết hợp làng văn hóa - du lịch, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu với tổng số vốn là 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại thôn Khe Tiền (xã Đồng Văn) đã hoàn thành xây dựng 2 căn homestay truyền thống mô phỏng nhà trình tường của người Dao; tại 3 thôn Khe Mọi, Khe Tiền, Sông Moóc (xã Đồng Văn) đã hình thành các mô hình người dân cùng giúp nhau phát triển du lịch cộng đồng.
Du khách chụp ảnh check-in tại thác Khe Vằn (xã Húc Động). |
Năm 2024, cùng với duy trì tổ chức các hoạt động du lịch đã tạo được tiếng vang, như Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở, Lễ hội Đình Lục Nà, Hội Soóng Cọ, Hội Kiêng Gió; huyện còn đưa vào phục vụ du khách 2 sản phẩm du lịch mới là bóng đá nữ Sán Chỉ và đi bộ xuyên rừng tại Đồng Văn; tổ chức không gian trình diễn, giới thiệu văn hóa dân gian của dân tộc Tày, Sán Chỉ và Dao Thanh Phán tới đông đảo du khách. Năm 2024, huyện đón đoàn famtrip gần 50 doanh nghiệp lữ hành inbound đến khảo sát các tuyến điểm du lịch, từ đó thúc đẩy đón khách quốc tế đến Bình Liêu.
Được quan tâm đầu tư phát triển về hạ tầng giao thông, hội tụ các giá trị về cảnh quan, văn hóa; chủ động, sáng tạo và có lối đi riêng khi làm du lịch, Bình Liêu hứa hẹn trở thành trung tâm du lịch văn hóa, cộng đồng của tỉnh, kỳ vọng đón ngày càng nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm, khám phá.
Nguồn: Du lịch khởi sắc mạnh mẽ ở huyện biên giới Bình Liêu