Quảng Ninh: Gia tăng sức hút cho du lịch lễ hội
Đặc biệt ở các địa phương trong tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đang khai thác lợi thế từ loại hình du lịch bản địa để cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì những hoạt động văn hóa, thể thao gắn liền với lễ hội xuân đang tạo điểm nhấn, khai thác sự khác biệt nhằm thu hút khách du lịch đến với lễ hội.
Cờ người cùng các trải nghiệm mới mẻ, đặc sắc luôn tạo được sức hút ở các lễ hội xuân. |
Nhắc tới Bình Liêu, vùng biên viễn tuyệt đẹp phía Đông của tỉnh, du khách nhớ tới cảnh đẹp làng, bản và cả lễ hội xuân truyền thống của bà con dân tộc Sán Chỉ, Tày, Dao... như Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng Cọ… Đó không chỉ là cảnh quan, phong tục đặc trưng, nghi lễ cổ truyền của người bản địa mà còn vô số nét đẹp hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, như: đẩy gậy, tung còn, kéo co, bắn nỏ; trò chơi dân gian (nhảy bao bố, sáy mả, đi cà kheo…). Điều gây tò mò và sức hút chính là các cô gái vùng cao trong trang phục truyền thống, mạnh mẽ với trái bóng tròn ở các trận, các giải bóng đá nữ, nét đẹp thu hút đông đảo khách phương xa.
Còn với vùng ngã ba sông Tiên Yên, đến với lễ hội đầu năm, du khách thập phương sẽ hiểu thêm về văn hóa, nét riêng của bà con dân tộc sinh sống trên địa bàn, như: Tày, Dao, Sán Dìu, Hoa, Sán Chỉ... Sắc màu lễ hội đầu xuân cũng rất đặc sắc với trải nghiệm giao lưu văn nghệ và thi trình diễn trang phục dân tộc Tày, nhảy sạp, lửa hội... Cùng với đó là các môn thi đấu thể thao, gồm: Đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, bóng chuyền hơi nam, nữ, đua bè mảng...
"Ngoài sự linh thiêng, cảnh quan điểm đến, các hoạt động giải trí, thể thao sôi động, nét riêng của vùng miền tạo sức hút, trải nghiệm cho du khách. Đó là ấn tượng tạo sự nhớ nhung, nhắc nhở cho lữ khách trở lại ở những lễ hội sau" - ông Trần Đăng Anh, Giám đốc Halotour (TP Hạ Long), đánh giá.
Quả thật vậy, không chỉ Tiên Yên, Bình Liêu, dọc theo suốt chiều dài của tỉnh nhà, lễ hội xuân luôn được tổ chức song hành cùng nhiều nét đặc trưng, các hoạt động thể thao, văn hóa đặc sắc của địa phương. Những hoạt động này làm tăng tính hấp dẫn cho điểm đến, thêm trải nghiệm cho du khách trong hành trình du xuân. Đây cũng là điều mà các địa phương, nhà tổ chức nỗ lực làm mới, tìm kiếm tạo nét riêng cho sự kiện.
Trong năm mới 2024, các lễ hội ở Đông Triều, Uông Bí có nhiều chương trình, hoạt động thể thao hấp dẫn, như: Bịt mắt đập niêu, bắt vịt hay trống hội biểu diễn võ của Liên đoàn Vovinam, biểu diễn võ cổ truyền, biểu diễn nghệ thuật hát chèo, trình chiếu 3D mapping, tham quan thực tế ảo VR360... ở lễ hội xuân Ngọa Vân, Thái Miếu 2024 (TX Đông Triều). Hay đó là không gian biểu diễn nhạc cụ truyền thống các vùng, miền ở Lễ hội Yên Tử; ném còn, bắn nỏ, tái hiện nét văn hóa địa phương, như: thi nấu rượu bâu, đan thổ cẩm, thăm vườn hoa, trà… ở Bằng Cả (TP Hạ Long); cờ người, đua thuyền ở Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả)...
Du khách thích thú với không gian trải nghiệm từ các trò chơi, sự giao lưu với người dân bản địa ở các lễ hội. |
Có thể nói, những hoạt động văn hóa, thể thao gắn liền với lễ hội đầu xuân luôn là điểm nhấn đậm nét, mang lại sự hấp dẫn, thu hút đông đảo khách. Từ đó tăng giá trị điểm đến, góp phần tạo động lực phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, để tạo ra giá trị khác biệt, những sản phẩm du lịch gắn liền với lễ hội xuân vẫn cần sự đổi mới cả về chất và lượng. Hiện nhiều lễ hội được tổ chức thiếu chiều sâu, sự sáng tạo, tìm tòi nét riêng; chưa chú trọng tới hoạt động văn hóa, thể thao để tạo không gian "hội", giao lưu với du khách.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mỗi hoạt động hướng đến khán giả sẽ tạo ấn tượng, sự vui tươi, tăng sức hấp dẫn, từ đó mới thu hút được lượng lớn khách thập phương về với lễ hội. Vì vậy, cần tìm tòi, phục dựng và tổ chức nhiều hoạt động mang nét riêng, tạo đòn bẩy để tăng giá trị cốt lõi cho lễ hội, thúc đẩy du lịch đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ.
Nguồn: Gia tăng sức hút cho du lịch lễ hội