Quảng Ninh giữ vững chỉ số xanh
PGI là bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường. Chỉ số này được đánh giá theo các tiêu chí như mức độ quan tâm, đầu tư về bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương và những vấn đề môi trường khác; mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của các doanh nghiệp (DN) tại địa phương...
Chỉ số PGI lần đầu tiên được công bố vào năm 2022. Theo đó, ngay trong năm đầu, PGI của Quảng Ninh đạt 17,12 điểm, xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tiếp tục phát huy thành quả, năm 2023, Quảng Ninh có sự thăng hạng vượt bậc, Chỉ số xanh cấp tỉnh cao nhất cả nước với tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là 26 điểm, trong đó: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (7,41 điểm); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (6,18 điểm); vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh (6,68 điểm); chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (5,73 điểm). Đáng chú ý, 4/4 chỉ số thành phần đều tăng điểm so với năm 2022.
Máy phun sương dập bụi được lắp đặt trong khuôn viên sản xuất của Công ty Tuyển than Cửa Ông. Ảnh: Hạ An |
Chia sẻ về kết quả này của Quảng Ninh, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết: Quảng Ninh có sự quyết tâm, quyết liệt và mạnh mẽ trong việc ứng xử với môi trường. Điều này tạo nền tảng quan trọng để tỉnh tiến bước, hấp dẫn các nhà đầu tư. Bởi, hiện nay môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng bền vững, nhằm giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường. Do vậy, với những cách làm, giải pháp của tỉnh trong gắn kết phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… Quảng Ninh xứng đáng với vị trí dẫn đầu PGI.
Nối tiếp những thành quả đạt được, ngay sau khi chỉ số PGI 2023 được công bố, tỉnh đã có cuộc họp để phân tích và đưa ra các giải pháp giữ vững nâng cao chỉ số này trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Quan điểm then chốt của tỉnh vẫn là phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người và văn hóa. Tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu cả nước về PGI, hướng tới mục tiêu tăng dần tổng điểm qua từng năm. Trong đó, năm 2024, tổng điểm phấn đấu được cải thiện từ 26 lên 30 điểm, ưu tiên tập trung cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 2 chỉ số thành phần là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu.
Các giải pháp cụ thể được đề ra là tiếp tục tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PGI. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc tham mưu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm duy trì kết quả, thứ bậc xếp hạng Chỉ số PGI của tỉnh, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành sản xuất xanh mới, hạn chế phát triển các ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Chú trọng ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải; cải thiện môi trường sinh thái gắn với thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp; ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững. Hiện tỉnh đang định hướng thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, công nghiệp sinh thái để hình thành “Hệ sinh thái công nghiệp”. Quan tâm huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư xanh như thu hút các dự án sử dụng tiết kiệm đất đai, tiêu tốn ít hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tăng cường ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ sạch hay các chuỗi cung ứng xanh...
Quảng Ninh cũng quan tâm cải thiện trang thiết bị, tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chủ động quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường tại các khu vực nhạy cảm, có nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đan xen đa dạng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường, tập trung vào các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiêm môi trường cao. Cùng với đó là các giải pháp đẩy mạnh vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh, các chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Nguồn: Quảng Ninh giữ vững chỉ số xanh