Quảng Ninh: Kết nối tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống người dân
Cụ thể, các ngành chức năng cùng các địa phương tích cực phối hợp vận động người dân, doanh nghiệp xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, LIACCP… đưa công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, giá trị kinh tế cao.
Vùng sản xuất chè tập trung tại xã Quảng Long, huyện Hải Hà. |
Đến nay, toàn tỉnh duy trì 1.019,98ha vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP; 45ha đất trồng trọt được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Hiện toàn tỉnh tiếp tục duy trì 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận, với 54 sản phẩm; đã có 63 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Cùng với đó, các ngành, địa phương còn tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HDND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, tỉnh đã phê duyệt và triển khai hỗ trợ 46 dự án liên kết cấp huyện cho 762 cá nhân/tổ chức tại các địa phương, với tổng kinh phí phê duyệt 30.183,4 triệu đồng.
Ông Đặng Xuân Phong (thôn 8, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà), hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương, cho biết: Tôi vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện để thực hiện cải tạo ao đầm nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Việc tuân thủ nghiêm quy trình, kỹ thuật nuôi theo hướng công nghệ cao trong ao bạt và bể nuôi đã giúp tôm nuôi của gia đình luôn khỏe mạnh và sinh trưởng tốt. Trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 10 tấn tôm, thu nhập 500-600 triệu đồng.
Đại diện các địa phương, đơn vị sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm ký kết quy chế phối hợp về thực hiện công tác quản lý chất lượng, ATTP, phát triển thị trường tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp cung ứng, tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn của tỉnh Quảng Ninh với một số tỉnh phía Bắc. Ảnh: Việt Hoa |
Để kịp thời hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, các ngành chức năng, địa phương đã hỗ trợ, hướng dẫn cấp tài khoản vận hành cho cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sở NN&PTNN tiếp tục duy trì, vận hành, bổ sung, cập nhật thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã hỗ trợ cấp được 1.332 tài khoản và 2.489 mã QR cho các nông sản tham gia hệ thống. Đã in và cấp phát 343.073 tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Hiện Quảng Ninh có 569 sản phẩm thuộc 6 nhóm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 336 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao. Tất cả sản phẩm OCOP đạt chuẩn (3-5 sao) đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn.
Bên cạnh đó, năm 2024 Quảng Ninh còn triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, như: Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hội chợ OCOP quy mô cấp tỉnh; tuần hàng Việt tại một số tỉnh, thành trong nước; hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm tại Hạ Long; các chương trình xúc tiến thương mại tại Bằng Tường, Côn Minh, Nam Ninh (Trung Quốc)…
Đồng thời tỉnh cũng cung cấp thông tin 39 chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, sự kiện của các tỉnh, thành phố trong nước để các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động đăng ký tham gia; hỗ trợ kết nối thông tin, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối trên địa bàn.
Sản xuất miến dong tại Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu. Ảnh: Thu Trang |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 133 chợ, 7 trung tâm thương mại, 26 siêu thị, 333 cửa hàng tiện lợi. Đã có 82 sản phẩm OCOP được kết nối tiêu thụ ổn định vào các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị Go! Hạ Long, MM Mega Market, Winmart, Aloha... chuỗi cửa hàng tiện lợi nông sản sạch và 82 điểm mua sắm sản phẩm OCOP. 123 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tiêu thụ tại một số thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
Tỉnh còn duy trì hoạt động hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh; hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, cá nhân mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử; xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đã có 332 tài khoản đăng ký, trong đó có 169 tài khoản được kích hoạt; có 129 gian hàng của 129 doanh nghiệp được mở và giới thiệu 432 sản phẩm thực hiện giao dịch. Trong năm 2024, đã có 98.236 lượt truy cập vào sàn giao dịch này.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tích cực hỗ trợ nông dân, người sản xuất tiêu thụ sản phẩm thông qua Chương trình phúc lợi cho đoàn viên, sản phẩm hỗ trợ giảm giá… Hỗ trợ nông dân nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo tiêu chí của tỉnh, năm 2024 toàn tỉnh còn 8 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,002% số hộ dân toàn tỉnh); 1.237 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,321%). Thu nhập bình quân ở vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo năm 2023 đạt 73,348 triệu đồng/người, cao hơn 1,23 lần so với thu nhập bình quân trong cả nước. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, thu nhập bình quân năm 2024 của Quảng Ninh vẫn giữ vững ở con số cao.
Nguồn: Kết nối tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống người dân