Quảng Ninh: Kỳ vọng mùa bội thu vải chín sớm Phương Nam
Thương lái đến tận vườn gia đình ông Đinh Văn Hoàng (khu Hiệp Thanh) để thu mua vải. |
Vải chín sớm Phương Nam được trồng tại phường Phương Nam (TP Uông Bí) từ khoảng năm 1966, tập trung tại các vùng quy hoạch: Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hiệp Thanh, Phong Thái, Hồng Hà, Hồng Hải, Đá Bạc, Cẩm Hồng.
Quả vải chín sớm Phương Nam có cùi dày, màu trắng trong giòn, vỏ mỏng, khi chín có màu đỏ tươi và mùi thơm đặc trưng, vị ngọt mát, chua dịu không chát. Từ năm 2021 đến thời điểm hiện nay, cây vải chín sớm Phương Nam thường được trồng với mật độ khoảng 330 cây/ha; diện tích trồng vải của các hộ dao động khoảng 0,5ha-1ha, thu nhập thay đổi tuỳ theo giá thị trường mỗi năm.
Hằng tháng, lãnh đạo Hội Nông dân TP Uông Bí đi kiểm tra chất lượng các vườn vải. |
Theo thống kê của địa phương, năm 2020 diện tích vải chín sớm Phương Nam là 372ha với sản lượng 4.000 tấn, đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng. Đến nay, diện tích vải chín sớm Phương Nam là 400ha, sản lượng ước tính 2.000 tấn/năm, đạt doanh thu 50-60 tỷ đồng. Trong đó, diện tích đang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP là trên 290ha.
Dự kiến năm nay, vải chín sớm Phương Nam sẽ đạt sản lượng khoảng 1.600-1.800 tấn. |
Năm 2023, những đợt bán sớm đầu vụ, người trồng vải bán với giá 35.000-40.000 đồng/kg, trong khi đó, ở vùng trồng vải trọng điểm ở một số tỉnh, thành phố khác thu hoạch muộn hơn khoảng 15 ngày, nên giá bán đầu vụ thấp hơn, từ 25.000-30.000 đồng/kg. Điều này cho thấy, thời điểm thu hoạch là yếu tố rất quan trọng để vải chín sớm Phương Nam có lợi thế chiếm lĩnh thị trường và có giá bán cao hơn so với các địa phương khác.
Tuy nhiên, do cây vải Phương Nam chín sớm và người dân thực hiện kỹ thuật không đồng nhất nên trong khoảng thời gian 25-30 ngày lại chia thành nhiều đợt thu hoạch. Đợt 1 chín sớm nhất vào đầu vụ, khoảng 1/4 âm lịch hằng năm - đây cũng là đợt dễ bán, có nhiều lợi thế cạnh tranh nhất vì vải vùng khác chưa chín, tuy nhiên diện tích chín ít, chỉ chiếm khoảng 25-30% tổng diện tích cây vải cho quả. Quả chín giữa vụ đợt 2 vào 2-15/4 âm lịch, chiếm khoảng 45-55% và quả chín cuối vụ đợt 3 vào 16-30/4 âm lịch, có diện tích khoảng 20-25%. Trong đó, đợt 3 cho thu hoạch trùng với vải ở vùng khác như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương nên giá bán giảm do áp lực cạnh tranh.
Niềm vui của ông Vũ Văn Lân (tổ 1, cầu Đá Bạc, phường Phương Nam) bên vườn vải sai trĩu quả. |
Để cây vải tăng khả năng thúc đẩy quả chín sớm, năm nay TP Uông Bí đã xây dựng mô hình khống chế lộc đông và kiểm soát cây vải phân hoá mầm hoa ổn định để ra quả đều hàng năm trên giống vải chín sớm Phương Nam. Với việc nắm vững kỹ thuật, sản xuất nên dù thời tiết năm nay khá khắc nghiệt với cây vải khi mà mùa đông rét muộn, nhiệt độ trung bình của mùa đông cũng cao hơn những năm trước khoảng 1,5 độ C, nhưng ngay từ đầu năm, người nông dân vùng vải chín sớm Phương Nam đã chủ động khắc phục nguy cơ mất mùa vải sớm bằng việc cắt tỉa các cành ra lộc, cành trong tán để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa vải, hạn chế tối đa ảnh hưởng khi cây vải ra lộc. TP Uông Bí đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP. Vì vậy chỉ có khoảng 30% diện tích không đạt sản lượng như kỳ vọng của người dân.
Ông Vũ Văn Lân (tổ 1, cầu Đá Bạc, phường Phương Nam), một trong những chủ vườn vải lớn nhất Phương Nam, cho biết: Năm 2006 tôi trồng 130 gốc vải và ứng dụng kỹ thuật khoa học ngay năm đầu tiên. Do đó quả vải to, đều, mẫu mã đẹp và cho năng suất cao, có gốc vải thậm chí có thể cho thu hoạch từ 80-100kg. Từ đầu tháng 5 này tôi đã bán được 2 tạ vải với giá bán 50.000-60.000 đồng/kg. Năm nay, giá bán cao hơn 20% so với năm ngoái, tôi dự kiến doanh thu có thể đạt 500-600 triệu đồng. Cây vải đang mang lại cho gia đình một nguồn thu nhập lớn mỗi năm.
Ngay từ đầu tháng 5, vườn vải của chị Ngô Thị Chung (khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam) đã có thương lái đến mua với giá 50.000-60.000 đồng/kg. |
Chị Ngô Thị Chung (khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam) phấn khởi, cho biết: Trước đây, việc chăm sóc cây vải của người dân địa phương chưa theo quy trình kỹ thuật sản xuất chuẩn nào, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính khiến vải chưa cho năng suất, chất lượng cao. Mấy năm gần đây, tôi bám sát quy trình VietGAP, cộng thêm kinh nghiệm của bản thân nên hiệu quả nâng cao rõ rệt, chất lượng quả chín đều, to hơn hẳn, ít sâu đục cuống. Tính đến thời điểm này, gần 50 gốc vải của gia đình tôi đã có địa chỉ để tiêu thụ với giá bán cao hơn hẳn so với những năm trước.
Các hộ dân đi thăm vườn vải để đảm bảo các cây vải đều được phát triển tốt. |
Để quả vải chín sớm Phương Nam bán ở thị trường lớn, TP Uông Bí đã tập trung hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy tiêu thụ cho người dân bằng cách đổi mới xúc tiến thương mại, sắp xếp và mở rộng thị trường tiêu thụ. Phường Phương Nam mời các youtuber nổi tiếng về làm clip để quảng bá, giới thiệu rộng rãi trên các trang mạng xã hội...
Ông Bùi Văn Trà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam (TP Uông Bí) cho biết: Đầu tháng 5/2024, đã có nhiều thương lái đến đặt vấn đề thu mua vải chín sớm Phương Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước mắt, họ đặt mua 900 tấn với giá bán ổn định từ 40-45.000 đồng/kg (cao hơn 10.000-15.000 đồng/kg so với vụ vải năm 2023). Ngoài ra, các thương lái nhỏ lẻ cũng đến tận các vườn để đặt hàng. Chỉ khoảng một tuần nữa, những cánh đồng vải chín sớm Phương Nam sẽ tấp nập xe cộ ra vào thu mua. Với tín hiệu này, chắc chắn năm nay Phương Nam sẽ có một mùa vải được giá.
Nguồn: Kỳ vọng mùa bội thu vải chín sớm Phương Nam