Quảng Ninh: Miền Soóng Cọ
Dãy Thông Châu cao vời vợi, nằm sâu trong đất liền nên người Sán Chỉ xưa không hề biết biển. Vì thế trong câu từ của Soóng cọ không có nói đến sóng vỗ, không có nói đến những con thuyền căng buồm ra khơi, mà chỉ nói đến mây bay đỉnh núi, thác nước tuôn trào, cánh chim bay và đại ngàn gió thổi. Họ sống lầm lụi bên nhau, nương tựa vào nhau trong khoảng trời tự do của thiên nhiên hoang dã.
Thăm lúa. |
Đã rất lâu rồi, họ về đây, từ Húc Động (Bình Liêu) đến Đại Dực (Tiên Yên). Địa giới hành chính với họ chỉ mang tính ước lệ bởi họ cùng chung dòng tộc, cùng chung tổ tiên, cùng chung phong tục tập quán. Hằng ngày đàn ông lên rừng săn bắn, đàn bà ruộng vườn, chăn nuôi... Lao động vất vả, cuộc sống nghèo khó nhưng người Sán Chỉ vẫn hồn nhiên yêu đời. Họ trao gửi tình cảm qua những câu hát ngân nga mang âm hưởng của núi rừng, vừa mộc mạc, vừa giản dị nhưng cũng rất thầm kín như cách nói, cách nghĩ thường ngày. Câu hát được hát lên, bay từ ngọn núi này sang ngọn núi khác để gửi lời đến người mà mình hằng yêu thương. Không biết, nghìn năm xưa, người Sán Chỉ phải trải qua thăng trầm nào mà đã ảnh hưởng rất sâu đậm đến làn điệu Soóng cọ truyền lại ngày nay. Giai điệu chậm chạp, kể lể, rền rĩ, như tiếng suối, như tiếng chim thảng thốt cuối chiều. Tâm tình được ví von với mây bay, gió thổi với cuốc cày, với con đường, với ruộng nương. Nghe man mác buồn, cái buồn của tình yêu đôi lứa hẹn nhau và chờ nhau mãi vẫn chưa thành đôi. Cũng có khi là lời trách cứ ở tự lòng mình.
Ngàn mây bay mãi, bầu trời yên ả
Dòng thác chảy mãi, thác không rung
Nước non ngàn dặm, nước vơi, nước đầy
Con dao sắc bén, đâu chặt nổi đám mây
Soóng cọ có đời sống riêng. Mỗi dịp lễ, tết người Sán Chỉ lại quây quần bên nhau, uống rượu cho đến say mềm mừng năm mới, mừng mùa màng bội thu, mừng bản làng bình yên, mừng hạnh phúc đôi lứa... Những dịp đó, họ hát say sưa, hát để thổ lộ tình cảm của mình. Trong những câu hát đó có ý tứ của tình yêu nam nữ. Vì thế, hát Soóng cọ là hát giao duyên...
Nghe hát Soóng cọ nhiều thì mới thấm, thấm sự lãng mạng sâu sắc nhưng cũng rất ngây ngô. Họ hát rằng:
Một đời cá chép bơi trên mặt nước
Mặt trời chưa mọc không dám chào anh...
Cứ thế họ đưa đẩy để biểu đạt sự mong muốn cuối cùng là đến với tình yêu.
Ngày xưa là thế, ngày nay thì Soóng cọ vẫn được người Sán Chỉ giữ gìn. Từ ca từ đến diễn xướng. Khi đối đáp, họ chia nữ một bên, nam một bên. Nữ hát trước, nam đối lại sau. Có thể là câu có sẵn, có thể là tuỳ hứng, ứng đối tại chỗ. Hát cho đến khi nào hai bên hoà hợp, cùng vui.
Người Sán Chỉ trao gửi tình cảm qua những câu hát Soóng cọ mang âm hưởng của núi rừng, vừa mộc mạc, vừa giản dị nhưng cũng rất thầm kín như cách nói, cách nghĩ thường ngày. |
Con trai, con gái Sán Chỉ hẹn hò nhau, bắt đầu cũng bằng từ ý tứ câu hát. Chọn đêm trăng sáng, hẹn nhau lên đồi tình, trên dãy Thông Châu để gửi gắm nỗi niềm khao khát yêu thương. Một năm, có một ngày như thế. Một ngày của mối tình đầu vẫn còn dang dở. Một ngày của Soóng cọ thấm đẫm sương khuya...
Vượt dốc, đến bản làng của tộc người Sán Chỉ sương giăng lưng núi. Tiếng suối chảy róc rách, tiếng cối nước giã gạo thậm thình, tiếng chim hót sau cành lá hoà trộn vào nhau, âm thanh được cộng hưởng vang xa. Con gái Sán Chỉ mặt đẹp như trăng rằm. Chiếc khăn đội ngay ngắn trên đầu, nếp váy nhún nhẩy theo nhịp bước chân vào hội slam nhịt hụi - ngày hội tháng ba hằng năm. Con trai Sán Chỉ vạm vỡ, theo dấu chân thú trong rừng săn bắn, chặt cây dựng nhà, vỡ đất làm ruộng bậc thang trồng lúa. Trai bản này, thường thầm yêu con gái bản khác. Ngày hội là dịp tốt để gặp gỡ, hẹn hò. Nếu như người Kinh có câu “trai tài gái sắc” thì người Sán Chỉ lại là “trai tài, gái sắc cũng tài". Con gái Sán Chỉ biết công việc gia đình và đồng áng, biết đá bóng, đánh quay, biết tất cả những môn thể thao cùng với con trai thi đấu. Xong việc mùa màng, lại hẹn nhau, tìm nhau như trong câu hát luôn thể hiện tâm tình. Mượn Soóng cọ để làm quen, mượn Soóng cọ để kết giao bạn bè, mượn Soóng cọ để nói hộ lòng mình, mượn Soóng cọ để thổ lộ tình cảm với nhau.
Du xuân. |
Ban đầu vụng trộm yêu thương, rồi thành vợ thành chồng cũng chính là bắt nguồn từ câu hát, câu hát như sợi chỉ hồng se duyên thắm cho từng lứa đôi. Mỗi mùa xuân về, khi cánh hoa đào bừng nở, ta đến với Húc Động, đến với Đại Dực, đến với bản của tộc người Sán Chỉ, ta thấy miền Soóng cọ toả nắng, chợt con tim ta rạo rực trong lòng.
Ngày đầu năm, mong mưa thuận gió hoà, mong mùa màng bội thu, người Sán Chỉ sắp mâm lễ cúng. Cúng thiên thần, thổ địa ban cho may mắn, cho an lòng người. Lễ cúng ấy là cúng cầu mùa.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của người Sán Chỉ, chúng ta đã xây dựng một nền giáo dục cộng đồng. Nâng cao ý thức giữ gìn và khơi gợi niềm đam mê với những làn điệu dân ca, với những lễ nghi truyền thống trong xây dựng đời sống văn hoá phong phú và đa dạng. Đặc biệt, ngày 10/11 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QÐ-BVHTTDL công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đây, góp phần quan trọng đẩy mạnh công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của loại hình hát Soóng cọ trong phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương.