Quảng Ninh: Mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP
Cơ sở chế biến chè Dũng Nga (xã Quảng Long, huyện Hải Hà) đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, thanh toán bằng mã QR. Ảnh tư liệu. |
Chè Hải Hà là một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Hải Hà và của tỉnh. Để tạo dựng và phát triển thương hiệu Chè Hải Hà, người dân nơi đây chú trọng sản xuất sạch, đảm vệ sinh ATTP, thiết kế bao bì mẫu mã phù hợp với lựa chọn của khách hàng. Đặc biệt để thương hiệu ngày càng vươn xa, các cơ sở sản xuất, chế biến tích cực chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Áp dụng chuyển đổi số mang lại cho Cơ sở sản xuất chè Dũng Nga (xã Quảng Long, huyện Hải Hà) nhiều thuận lợi trong tìm kiếm khách hàng, mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP Chè Hải Hà. Anh Trần Sỹ Dũng, Chủ Cơ sở, cho biết: Cơ sở đăng tải hình ảnh, video clip về quá trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm để xây dựng niềm tin với khách hàng, nâng giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Khách hàng quan tâm đến thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng sạch, tốt cho sức khỏe, mẫu mã... được cung cấp rất đầy đủ, nhanh chóng bằng các giải pháp số hóa.
Ông Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên (huyện Vân Đồn) ghi hình để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Ngọc Trâm |
Áp dụng chuyển đổi số để mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP Cam Vạn Yên cũng là cách mà HTX Nông trang Vạn Yên (huyện Vân Đồn) chú trọng thời gian gần đây. Được HND huyện và tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, ông Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX đã thành công trong việc đưa sản phẩm cam Vạn Yên lên sàn TMĐT ocopquangninh, tiki, sendo, voso… Ông Hậu cho biết: "Tôi và bà con trồng cam ở Vạn Yên được HND huyện, tổ công nghệ số của xã hướng dẫn quay phim, chụp ảnh, dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm để đưa lên sàn TMĐT, nhờ đó tiếp cận được cả khách hàng tỉnh khác".
Bắt nhịp với xu thế thời đại 4.0, HND các cấp tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Qua đó góp phần quan trọng tạo đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Chủ cơ sở mắm tép - ruốc tép Long Thương (TX Quảng Yên) quảng bá, giới thiệu sản phẩm lên các kênh mạng xã hội. |
Các cấp HND tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông; tập huấn về kỹ năng ứng dụng CNTT trong SXKD; hỗ trợ nông dân kết nối với các sàn TMĐT để tiêu thụ sản phẩm… Trong đó chú trọng tập huấn, đào tạo cho hội viên các kỹ năng cơ bản để truy cập, khai thác các ứng dụng sàn TMĐT; giới thiệu phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn TMĐT; tạo lập, hỗ trợ kỹ thuật trong các trang web giới thiệu các nông sản. Mục tiêu năm 2024 có khoảng 5.000 hội viên, nông dân có tài khoản trên sàn giao dịch điện tử, trong đó có 1.500 tài khoản có giao dịch.
Các cấp HND cũng đẩy mạnh việc hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR-Code, tạo sự minh bạch đến người tiêu dùng, phấn đấu 100% các sản phẩm OCOP có tham gia ứng dụng truy xuất nguồn gốc; duy trì các kênh vay vốn ngân hàng, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để tạo vốn cho các mô hình có ứng dụng KHCN và chuyển đổi số.
Nguồn: Mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP