Quảng Ninh: Phát triển kinh tế biển bền vững
2 siêu tàu biển quốc tế mang theo hơn 4.700 du khách đến TP Hạ Long, tháng 11/2024. Ảnh: Hoàng Quỳnh |
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế nổi trội, tỉnh ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển; khuyến khích huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng kết nối cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí vận tải và dịch vụ logistics...
Đặc biệt, năm 2019 Tỉnh ủy ban hành nghị quyết riêng về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển (Nghị quyết số 15-NQ/TU) với mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch. Đến nay sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, định hướng chiến lược về phát triển kinh tế biển của Quảng Ninh đã cơ bản phát triển toàn diện, đúng hướng, từng bước được định hình rõ nét và đạt được những kết quả tích cực.
Tổng doanh thu dịch vụ cảng biển giai đoạn 2019-2023 của tỉnh đạt trên 14.840 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cảng biển khoảng 0,49% GRDP của tỉnh, tăng 0,07% so với năm 2018. Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, tổng du khách đến Quảng Ninh đạt 64,75 triệu lượt, bình quân mỗi năm đạt 12,95 triệu lượt khách. Tổng khách du lịch biển đảo đạt 43,3 triệu lượt, bằng 184% so với kế hoạch, vượt mục tiêu đến năm 2025 của Nghị quyết. Nhiều khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao và các loại hình du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng, có giá trị gia tăng cao về du lịch biển đảo gắn với việc phát huy giá trị Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác. Quy mô ngành kinh tế hàng hải ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị gia tăng của kinh tế biển. Tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng 5 năm (2019-2023) đạt 627,7 triệu tấn, bình quân đạt 124,1 triệu tấn/năm, vượt mục tiêu đến năm 2025. Ngành thủy sản phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến. Công nghiệp ven biển của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo được nâng lên.
Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Lân. Ảnh: Minh Đức |
Tỉnh mở rộng hợp tác với nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, như Cảng Cái Lân, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng Cẩm Phả, Cảng Vạn Ninh, Cảng biển Hải Hà; đang tiếp tục thu hút đầu tư Cảng Hòn Nét - Con Ong... Cùng với đó tỉnh đẩy mạnh phát triển mới các dịch vụ có giá trị tăng cao, như: Hệ thống cửa hàng mua sắm trong khu vực Bãi Cháy, bến du thuyền, hoàn thiện hạ tầng khu vực bờ biển Trần Quốc Nghiễn, bãi tắm Hòn Gai, Cẩm Phả; đầu tư mới hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao...
Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối các KCN, KKT, các vùng sản xuất lớn và những khu vực có tiềm năng về phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, du lịch (đường nối KCN Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường kết nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 338 - TX Quảng Yên; đường trục chính thứ 2 của KCN Hải Hà và đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả…); hệ thống giao thông liên vùng và quốc tế (cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; sân bay Vân Đồn)… Quảng Ninh tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng liên thông, đồng bộ, hiện đại, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Quy mô ngành kinh tế hàng hải của tỉnh ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị gia tăng của kinh tế biển. Đến nay nhiều ngành kinh tế biển và ven biển đã trở thành động lực tăng trưởng. Trong đó ngành du lịch và dịch vụ biển vượt qua khó khăn trong dịch bệnh, tiếp tục phát triển, khẳng định thương hiệu, vị thế của tỉnh là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Dù đạt được kết quả tích cực nhưng phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là về logistics, cảng biển, khai thác hải sản và phát triển du lịch biển đảo. Tỷ trọng đóng góp của các ngành kinh tế biển trong thu ngân sách và quy mô nền kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với vị trí địa lý của một địa phương có 250km chiều dài bờ biển, 9/13 địa phương cấp huyện ở ven biển...
Để tiếp tục đánh thức tiềm năng, thế mạnh của biển, tỉnh đang tập trung rà soát, hiện thực hóa các quy hoạch, quan điểm phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục dành nguồn lực, ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát, nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các KCN, KKT; nắm bắt kế hoạch chuyển dịch các nhà máy sản xuất của một số nước đang có xu hướng chuyển dịch về các nước ASEAN đầu tư sản xuất để kịp thời thu hút vào các KCN của tỉnh, nhằm tạo ra nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng tại các cảng Quảng Ninh. Đồng thời tập trung thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế, như dịch vụ đại lý hàng hải, dịch vụ kho bãi, làm hàng container, chuyển tải và xếp dỡ hàng hóa, cung ứng tàu biển.
Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng các đề án để ban hành thêm các nghị quyết, chương trình hành động liên quan đến phát triển kinh tế biển; tăng cường thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá thương hiệu, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới. Qua đó tăng tốc phát triển từng ngành, lĩnh vực kinh tế biển một cách cụ thể, đóng góp chung cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững. Đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh luôn chú trọng gắn với giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa vùng biển Quảng Ninh.
Nguồn: Phát triển kinh tế biển bền vững