Quảng Ninh: Phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
Quảng Ninh đón 2 tàu biển cao cấp Quảng Ninh: Phát triển sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu |
Đóng gói sản phẩm nước mắm tại Công ty CP Thủy sản Cái Rồng (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn). |
Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm là cách để nước mắm Cái Rồng (huyện Vân Đồn) có chỗ đứng trên thị trường như hiện nay. Năm 2019, nước mắm sá sùng Cái Rồng đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao. Với phương pháp sản xuất truyền thống, nước mắm Cái Rồng luôn có hương vị tự nhiên, độ đạm cao, chứa đầy đủ các axit amin và khoáng chất bồi bổ sức khỏe, có vị mặn đặc trưng và an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Đào Đức Yêm, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cái Rồng cho biết: Đáp ứng nhu cầu của thị trường, công ty đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, cụ thể là nguồn nguyên liệu đầu vào phải tươi. Thứ hai là khâu chế biến, tăng cường phơi đánh, tạo hương thơm cho nước mắm. Đối với nước mắm sá sùng, chúng tôi đã nâng cao chất lượng và có công nghệ riêng tạo mùi vị, màu sắc, độ đạm cao, được nhiều khách hàng tin tưởng và chọn lựa trong các bữa ăn của gia đình.
Hiện Công ty CP Thuỷ sản Cái Rồng có hơn 10 mẫu sản phẩm với độ đạm khác nhau từ 15% đến trên 40%, giá thành dao động 44.000-350.000 đồng/cặp tuỳ loại. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 500.000 lít nước mắm. Hiện nay, với hàng trăm đại lý, điểm bán hàng, sản phẩm nước mắm Cái Rồng của công ty không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh, mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác, như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng...
“Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất hướng tới phát triển bền vững, công ty đã đầu tư nhà xưởng và dây chuyền đóng chai hiện đại; đầu tư nhà kính nhằm tăng nhiệt phơi sản phẩm nước cốt sau khi được chắt lọc; thay đổi quy trình phơi ngấu để nâng cao độ đạm cho sản phẩm. Công tác bảo quản cũng được quan tâm đặc biệt, công ty không sử dụng chất bảo quản mà dùng phương pháp truyền thống là bể muối để lọc, vừa tăng độ tinh khiết, vừa bảo quản được sản phẩm lâu” - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cái Rồng cho biết thêm.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo OCOP của tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn về chu trình OCOP, theo đó yêu cầu tất cả các sản phẩm tham gia chu trình OCOP phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện chuyển đổi số, đảm bảo phù hợp với lộ trình thực hiện Đề án chuyển đổi số của tỉnh; đặc biệt là hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trang bán hàng điện tử để giới thiệu sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ các trung tâm OCOP. Nhiều đơn vị sản xuất đã tăng cường liên kết với các hộ để mở rộng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho người dân... tiếp tục hoàn thiện điều kiện về tổ chức để tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm.
Gạo bao thai của HTX Tuấn Hùng (huyện Đầm Hà) đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. |
Hằng năm, tỉnh bố trí ít nhất 4% ngân sách chi thường xuyên để ưu tiên cho phát triển KHCN vào những lĩnh vực trọng tâm như: Dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, sản xuất, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh đã tổ chức 5 hội chợ OCOP, các địa phương tổ chức 7 hội chợ OCOP kết hợp thương mại, Hội chợ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP với tỉnh Cần Thơ.
Đến nay, toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao, trong đó có 245 sản phẩm đạt 3 sao, 87 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao. Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP (trong đó có 54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ sản xuất). 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn (3-5 sao) đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Nguồn: Phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP