Quảng Ninh: Tăng sức hút vào các khu công nghiệp, khu kinh tế
Lãnh đạo BQL Khu kinh tế trao giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính cho đại diện Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Amata), TX Quảng Yên. Ảnh: Minh Toàn |
Xác định thu hút đầu tư vào KCN là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế bền vững, vì vậy từ đầu năm đến nay, bám sát chủ đề công tác năm liên quan đến nội dung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, TX Quảng Yên đã tập trung ưu tiên nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN. Thị xã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, nhà đầu tư hạ tầng KCN đẩy nhanh tiến độ GPMB, hoàn thiện hạ tầng các KCN. Đặc biệt, tháng 3 vừa qua, thị xã đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ, xúc tiến đầu tư trên địa bàn. Tổ công tác được thành lập nhằm chủ động nắm bắt thông tin, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách; tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án thuộc lĩnh vực, ngành, địa bàn được giao theo chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc hỗ trợ giải quyết các kiến nghị, khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư. Với sự vào cuộc tích cực, nửa đầu năm 2024, thị xã thu hút được 13 dự án đầu tư FDI, tổng vốn đăng ký 345 triệu USD vào các KCN, là địa phương nằm trong tốp đầu của tỉnh về thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Riêng giá trị sản xuất tại các KCN đạt 18.450 tỷ đồng, chiếm 94,2% tổng giá trị ngành công nghiệp.
KKT Cửa khẩu Móng Cái được xác định là một trong 2 mũi đột phá và là trung tâm của vùng động lực trong mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” của Quảng Ninh. Phát huy những tiềm năng, lợi thế riêng biệt, TP Móng Cái đã và đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo. Thành phố dành quỹ đất khoảng 2.500ha để xây dựng kho, bãi, bến cảng; ưu tiên phát triển du lịch biên giới, gắn với mua sắm tổng hợp. Mới đây, thành phố cũng đã làm việc với Công ty XNK Liên Thái Bình Dương đầu tư xây dựng Khu tổ hợp dịch vụ, thương mại tổng hợp; phối hợp với Ban Quản lý KKT tỉnh hướng dẫn các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; lập hồ sơ đề nghị thực hiện một số dự án động lực như nhà ở xã hội tại phường Hải Yên, mở rộng Khu bến bãi tại Km3+4 sông Ka Long, đề xuất tỉnh bổ sung 2 CCN chế biến, chế tạo và công nghệ cao, sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, phụ kiện, phụ tùng ô tô phía Nam sông Lục Lầm…
Theo lãnh đạo TP Móng Cái, các dự án đầu tư vào KKT cửa khẩu Móng Cái được áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cao nhất mà Nhà nước ban hành về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho KCN, khu chế xuất, KKT cửa khẩu. Các chính sách hỗ trợ về thuế, sử dụng đất, GPMB và các hỗ trợ khác khi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn được thành phố quan tâm đặc biệt. Với việc vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, cạnh tranh quốc tế, tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển, TP Móng Cái đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào đầu tư tại địa bàn, trong đó có dự án dệt nhuộm của Công ty TNHH Dệt nhuộm Khánh Nghiệp đầu tư tại KCN Hải Yên trên diện tích 0,45ha, vốn đầu tư 12 triệu USD, công suất 24.200 tấn sợi/năm.
Đoàn đại biểu VCCI và các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham quan dây chuyền sản xuất tấm Silic của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên. Ảnh: Minh Hà |
Để tăng sức hút cho các KCN, KKT, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã vận dụng tối đa các quy định của Trung ương, ưu thế phát triển của địa phương, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: Hỗ trợ GPMB, đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KKT, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào KCN; hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về vốn tín dụng… Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo, giao cho các sở, ban, ngành, địa phương tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh; ban hành nghị quyết, kế hoạch về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó, đề ra các chỉ tiêu, giải pháp thu hút đầu tư FDI trong các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, hỗ trợ cho các nhà đầu tư.
Với nhiều giải pháp hiệu quả, nửa đầu năm, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khởi sắc, đạt 1,55 tỷ USD, xấp xỉ 52% kế hoạch năm, tăng 118% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI (sau tỉnh Bắc Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu), chiếm 10% tổng thu hút vốn FDI cả nước là 15,2 tỷ USD. Riêng các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút mới 22 dự án, đây hầu hết đều là những dự án đầu tư FDI thế hệ mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, ít thâm hụt tài nguyên, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tạo ra giá trị lớn cho nền kinh tế của tỉnh.
Nguồn: Tăng sức hút vào các khu công nghiệp, khu kinh tế