Quảng Ninh: Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới
Sở Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tập huấn nâng cao kỹ năng TMĐT xuyên biên giới cho đại diện doanh nghiệp, HTX và cán bộ quản lý công tác phát triển TMĐT. |
TMĐT xuyên biên giới được đánh giá là kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt Nam. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) - Bộ Công Thương, hiện tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đã cao gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của TMĐT nói chung. Theo một thống kê gần đây, Quảng Ninh là tỉnh xếp hạng 11 trong tổng số 58 tỉnh, thành phố được khảo sát về chỉ số TMĐT, Quảng Ninh có doanh số TMĐT nội địa ước chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%; giá trị giao dịch TMĐT của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.
Hiện tỉnh Quảng Ninh có 156 website về TMĐT, trong đó có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch TMĐT. Phát triển TMĐT được cho là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thành mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số đạt 30% GRDP của tỉnh.
Quảng Ninh cũng có thuận lợi về vị trí chiến lược, có đường biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không với Trung Quốc - một thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn đứng đầu thế giới, là “cửa ngõ” của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và các nước ASEAN sang Trung Quốc và ra thế giới.
Đứng trước cơ hội của TMĐT xuyên biên giới, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp bối rối trước quy trình hải quan, vận chuyển phức tạp, gặp khó khăn khi phải đối mặt với sức cạnh tranh quốc tế cũng như chưa nắm bắt hệ thống cơ chế, chính sách…
Nhằm giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ thông tin để chuẩn bị năng lực tiếp cận khách hàng ở những thị trường rộng lớn, khó tính hơn, thời gian qua, Quảng Ninh đã tăng cường nhiều giải pháp, giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ TMĐT để thúc đẩy kinh doanh và phát triển theo hướng hiện đại.
Trong đó phải kể đến nỗ lực của tỉnh trong việc tích cực tổ chức những chương trình hội nghị, tọa đàm, tập huấn và tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể nhằm thúc đẩy các hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Trong khoảng 2 năm gần đây, Quảng Ninh đã tổ chức hàng chục chương trình tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT nhằm phát triển hoạt động kinh doanh. Tỉnh còn kết hợp với các công ty công nghệ, nền tảng mạng xã hội để tổ chức hội nghị nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm OCOP thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng tăng cường đẩy mạnh phát triển TMĐT gắn với hoạt động chuyển đổi số toàn diện; thực hiện thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại (FTA) với Việt Nam, như FTA với ASEAN (AFTA), Hiệp định Khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, FTA với châu Âu (EVFTA)...
Thông qua chương trình, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đã được trang bị thêm nhiều kiến thức, nâng cao năng lực tiếp cận cơ hội thị trường mới trên nền tảng TMĐT. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối với các mạng lưới, tìm kiếm đối tác tiềm năng và khám phá cách thức hợp tác phù hợp trong kinh doanh trên lĩnh vực TMĐT.
Có thể thấy, thời gian qua, các doanh nghiệp Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung đã tự tin vươn ra biển lớn, chinh phục thị trường toàn cầu nhờ TMĐT xuyên biên giới. Thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, Cục TMĐT và Kinh tế số đang triển khai nhóm giải pháp xây dựng thị trường TMĐT. Trong đó, củng cố niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát tạo ra môi trường phát triển lành mạnh cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai chuỗi các hoạt động liên kết vùng trong phát triển TMĐT; đào tạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMĐT cho các địa phương; quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương trên sàn TMĐT và các nền tảng số.
Nguồn: Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới