Quảng Ninh: Ứng dụng công nghệ số phát triển du lịch thông minh
Quảng Ninh: Đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn ở Hải Hà Quảng Ninh: Mở rộng thị trường du lịch phía Nam |
Du khách quét mã QR tìm hiểu thông tin, lựa chọn các dịch vụ tiện ích tại Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (TP Uông Bí). |
Để chuyển đổi số thực sự trở thành động lực phát triển mới cho du lịch Quảng Ninh, thời gian qua, Sở Du lịch đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Đến nay, toàn bộ 26 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch được thực hiện trực tuyến toàn trình, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, dịch vụ. Trang thông tin điện tử của Sở duy trì hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu cung cấp, trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, người dân và du khách. Các website chính thức của du lịch Quảng Ninh là “halongtourism.com.vn” và “halongtourism.info” và các trang mạng xã hội của du lịch tỉnh cũng thường xuyên cập nhật các thông tin bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung); đăng tải nhiều hình ảnh, clip giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh tới bạn bè và du khách quốc tế. Sở cũng vận hành và tiếp tục hoàn thiện bản đồ số du lịch Quảng Ninh với các tính năng cơ bản, như: Hướng dẫn đặt phòng trực tuyến, đặt trước xe theo lịch trình, đường dây nóng hỗ trợ và phản ánh chất lượng du lịch...
Cùng với việc chuyển đổi số trong công tác CCHC, tuyên truyền, quảng bá trên các nền tảng truyền thông số, Sở Du lịch còn nỗ lực chỉ đạo và hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị du lịch đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Đến nay, 100% doanh nghiệp, đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh đã đưa vào sử dụng website hoặc trang mạng xã hội để quảng bá hình ảnh; sử dụng tài khoản có chức năng thanh toán trực tuyến để thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, chấp nhận thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Các thông tin số liệu, báo cáo thống kê hoạt động kinh doanh cũng được các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước qua môi trường mạng...Nhờ đó, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã nhanh chóng bắt nhịp "dòng chảy" chuyển đổi số với việc triển khai các ứng dụng số trong quản lý điều hành; tuyên truyền quảng bá du lịch trên nền tảng truyền thông số; số hóa thông tin du lịch..., tạo thêm gia tăng trải nghiệm, đem đến tiện ích và sự hài lòng cho du khách.
Phường Hồng Gai (TP Hạ Long) cung cấp cho du khách bảng mã QR các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, thuận tiện cho việc lựa chọn điểm đến tham quan. Ảnh: Phường Hồng Gai cung cấp |
Tại TP Hạ Long, nếu như trước đây hành trình tham quan, trải nghiệm cảnh đẹp Vịnh Hạ Long của du khách thường gắn với 1 tấm vé giấy, phải xuất trình và được nhân viên soát vé bấm lỗ khi tới mỗi điểm tham quan, thì nay tất cả đã thay thế bằng hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan Vịnh và vé dịch vụ hành khách qua cảng, dành cho cả khách du lịch tham quan ban ngày và tham quan lưu trú nghỉ đêm. Hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan sử dụng hai ngôn ngữ là Tiếng Việt và Tiếng Anh, thuận tiện cho cả du khách trong nước và nước ngoài theo dõi. Trên vé ghi tuyến tham quan, loại vé, đơn vị cấp vé, giá tiền, ngày sử dụng...
Hệ thống này cũng cho phép những tổ chức, cá nhân, khách du lịch truy xuất hóa đơn mua vé tham quan Vịnh Hạ Long, giúp các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát, hậu kiểm thuận tiện, nhanh chóng cho khi có yêu cầu. Đồng thời, hỗ trợ cơ quan quản lý báo cáo doanh thu thu phí, thu dịch vụ hành khách qua cảng, truyền dữ liệu trực tiếp về cơ quan quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số.
Anh Phạm Quốc Trung (du khách đến từ tỉnh Nam Định), chia sẻ: Tôi thấy việc số hóa vé tham quan Vịnh Hạ Long là hình thức rất hay, thể hiện rõ sự bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số. Với hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan, phí dịch vụ, khách du lịch không phải lo lắng việc bảo quản, không sợ thất lạc vé, không xảy ra sự cố trong hành trình trải nghiệm. Dịch vụ này cũng chấp nhận tất cả các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mà thông qua internet banking, mobile money, vô cùng thuận tiện cho du khách...
Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh tìm hiểu tiện ích chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tại hội nghị tuyên truyền chuyển đổi số du lịch Quảng Ninh tháng 4/2023. Ảnh: Hoàng Quỳnh |
Cùng với hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan Vịnh và vé dịch vụ hành khách qua cảng tại Vịnh Hạ Long, hiện nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu triển khai số hóa thông tin du lịch, số hóa điểm đến, gắn mã QR để phục vụ du khách trong việc tra cứu thông tin, tham khảo và lựa chọn điểm đến phù hợp. Nổi bật, là “Cẩm nang du lịch thành phố Hạ Long” được xây dựng trên nền tảng số, có mã QR cố định, cung cấp đầy đủ, chính xác và chính thống thông tin về du lịch Hạ Long. Mới đây nhất là mã QR được tạo lập bởi AI cung cấp toàn bộ thông tin về du lịch của huyện miền núi Bình Liêu, từ các điểm đến tham quan, địa điểm cung cấp dịch vụ ăn uống, các lễ hội văn hóa, nét đẹp truyền thống đặc sắc của địa phương...
Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 điểm trong tổng số 370 điểm đến tham quan, danh thắng, di tích tại 13 địa phương được số hóa thông tin và gắn mã QR. Trong thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, trong đó, trước hết sẽ tập trung nguồn lực, phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kho dữ liệu số du lịch tỉnh; đưa vào sử dụng ứng dụng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” và các nền tảng số cốt lõi trong hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc của ngành du lịch. Đồng thời, tăng cường kết nối doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với các đơn vị cung cấp công nghệ, phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số để phát triển các sản phẩm phù hợp theo nhu cầu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch bền vững.
Nguồn: Ứng dụng công nghệ số: Phát triển du lịch thông minh