Quảng Ninh vươn lên từ ý chí tự lực, tự cường
Quảng Ninh: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng chài Cửa Vạn Quảng Ninh: Chú trọng vệ sinh môi trường trong chăn nuôi |
Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai là cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Hùng Sơn |
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong những năm đổi mới vừa qua, với vai trò, trách nhiệm của một địa phương được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, luôn được Trung ương xác định có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Quảng Ninh đã cho thấy sự vận động, phát triển không ngừng của mình. Hiếm có địa phương nào mà sự đổi mới lại diễn ra liên tục như ở Quảng Ninh, kể cả trong những thời điểm cực kỳ khó khăn khi đại dịch Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Để có được những thành công đó là sự kế thừa thành tựu của nhiều thế hệ, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây. Với khát vọng phát triển, bằng tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực, qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tỉnh Quảng Ninh không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững...
Trong đó nổi bật là tỉnh đã thực hiện thành công tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ bề rộng sang chiều sâu để phát triển bền vững. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; giảm dần sự phụ thuộc vào ngành than. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục - đào tạo được đầu tư bài bản, đồng bộ, hiện đại. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có bước đột phá, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước với các mô hình đổi mới hiệu quả, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển hạ tầng.
Tỉnh cũng tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM lấy người dân làm chủ thể và là động lực, cùng với chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) mang đặc trưng của Quảng Ninh. Từ đó, đã làm thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những hướng đi tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững. Những năm gần đây, giá trị tăng thêm bình quân của ngành nông nghiệp tỉnh đạt 5,9%/năm; hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung về trồng trọt và chăn nuôi.
Một góc TP Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Hùng Sơn |
Đặc biệt, trên quan điểm mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, chỉ riêng giai đoạn gần đây tỉnh đã ban hành hàng chục chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền. Hiện Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có người dân sinh sống. Bên cạnh đó, mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay Quảng Ninh đã trở thành trung tâm đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, khu vực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc; 7 năm liên tục (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số. Trong đó năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28% trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (xếp thứ 13/63 toàn quốc và 3/7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ). Đi cùng với đó là tốc độ đô thị hóa đứng ở top đầu cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt khoảng 269.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, cao nhất khu vực phía Bắc; năng suất lao động tăng trên 13%. Tổng thu NSNN tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tổng chi đầu tư phát triển đạt trên 48.300 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; tỷ trọng chi đầu tư tăng lên, đạt khoảng 57-58% tổng ngân sách.
Trong khó khăn, tỉnh đã có nhiều cách làm hiệu quả để huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư. Giai đoạn 2020-2022, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách đạt trên 475.200 tỷ đồng, trong đó FDI đạt 2,15 tỷ USD, tăng bình quân 54%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 267.000 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm; bình quân mỗi năm thành lập mới khoảng 2.000 doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,684 tỷ USD, tăng bình quân trên 9%/năm.
Có thể thấy, Quảng Ninh hôm nay đã và đang thực sự đổi khác về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới của vùng phên dậu phía Đông Bắc Tổ quốc. Đó là thành quả của những khát vọng đổi mới không ngừng, của sự nỗ lực, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới. Còn đối với mỗi công dân của Quảng Ninh, sự đổi mới của quê hương sẽ tiếp tục hun đúc thêm niềm tự hào, khát vọng được cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn: Quảng Ninh vươn lên từ ý chí tự lực, tự cường