Quảng Ninh: Xóa khoảng cách chênh lệch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trước hết, tỉnh tiếp tục đầu tư, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện 168 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư thuộc Chương trình năm 2024, trong đó 62 dự án thực hiện theo cơ chế Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, 106 dự án thực hiện theo cơ chế Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Huyện Bình Liêu đẩy mạnh hoàn thiện, phát triển hạ tầng giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ảnh: Trúc Linh |
Đặc biệt, để đẩy mạnh giảm nghèo, tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó phát huy các tiềm năng sẵn có của địa phương như trồng rừng; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình thực hiện một tỷ cây xanh để phát triển trồng các loài cây bản địa, cây gỗ lớn; phát triển chăn nuôi… Qua đó, diện tích trồng rừng tập trung năm 2024 đạt 14.326,8 ha, trong đó loài cây bản địa (lim, giổi, lát) là 776 ha.
Các địa phương còn tích cực thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm - tỉnh Quảng Ninh (OCOP)”, trong đó chú trọng các sản phẩm của bà con vùng đồng DTTS trên địa bàn. Đến nay, Quảng Ninh có 395 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao, trong đó 50 sản phẩm của 15 chủ thể, hợp tác xã, doanh nghiệp là người DTTS, vùng sâu, vùng xa, hải đảo...
Tổ Tiết kiệm và vay vốn xã Bằng Cả (TP Hạ Long) bình xét hộ vay vốn. Ảnh: Hạ An |
Để hỗ trợ bà con vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã ban hành quy định điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thuộc nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, các địa phương đang phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tuyên truyền, hướng dẫn và giải ngân hỗ trợ theo chính sách. Theo báo cáo sơ bộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã giải ngân cho vay được khoảng 142.095 triệu đồng cho 1.578 hộ phát triển sản xuất và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.
Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai thực hiện 21 nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển bền vững kinh tế xã hội bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vùng DTTS đã áp dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, gia cầm (Như gà Tiên Yên, Lợn Móng Cái, Đầm Hà); áp dụng trong phát triển một số cây dược liệu (trà hoa vàng, cây Khôi tía, cây ba kích... Qua đó bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, giúp đồng bào các DTTS phấn khởi, động lực để tiếp tục phát triển mở rộng quy mô và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Trương Văn Đại, dân tộc Dao, thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí giúp nâng cao thu nhập cho gia đình. Ảnh: Cao Quỳnh |
Các địa phương cũng chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giả trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con. Đến nay, nghi lễ cấp sắc của người Dao; lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, Hội Soóng cọ của người Sán Chỉ, thực hành nghi lễ Then của người Tày, làn điệu Sọong Cô của người Sán Dìu... trên địa bàn tỉnh đã được nhận diện giá trị tiêu biểu của di sản và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 55 Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của vùng DTTS và miền núi được thành lập và hoạt động.
Việc xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát vùng DTTS &MN tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 144 hộ vùng DTTS &MN được phê duyệt hỗ trợ nhà ở theo chương trình khắc phục hậu quả bão sổ 3 (bão Yagi) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024; qua đó đến hết tháng 11 đã có 92 hộ được hỗ trợ với tổng kinh phí là 4,855 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai xoá nhà tạm, dột nát theo kế hoạch, chương trình của tỉnh năm 2024; trong số 88 hộ cần hỗ trợ theo chương trình này thì có 36 hộ vùng DTTS & MN, qua đó đến hết tháng 11 đã có 22 hộ đã hỗ trợ xong với tổng kinh phí là 977 triệu đồng.
Nhờ các giải pháp trên, đời sống, thu nhập người dân vùng DTTS&MN trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn là 73,348 triệu đồng/người và dự kiến năm 2024 tiếp tục ổn định giữ vững.
Nguồn: Xóa khoảng cách chênh lệch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số