Quy hoạch hạ tầng phục vụ thu gom, xử lý chất thải
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra các mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó, địa phương này phấn đấu đến năm 20230: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm còn 10% so với lượng chất thải được thu gom;
Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%, trong đó tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%; có 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; bảo đảm 100% nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn tương đương với chất lượng nước thải ra nguồn tiếp nhận dùng cho mục đích sinh hoạt.
Tỉnh Ninh Thuận quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn phải phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng, đảm bảo xử lý hiệu quả lượng chất thải rắn phát sinh (Ảnh minh họa). |
Theo dự báo của ngành chức năng, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021-2025 khoảng 550 tấn/ngày đêm Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2030 khoảng 660 tấn/ngày đêm. Tổng khối lượng chất thải rắn công nghiệp đến năm 2030 khoảng 1.600 tấn/ngày đêm. Trước dự báo này, tỉnh Ninh Thuận triển khai quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn.
Phương hướng xử lý chất thải rắn của tỉnh cần tập trung vào các công nghệ xử lý tăng cường khả năng tái chế, thu hồi chất thải ở các khu xử lý tập trung, kết hợp áp dụng công nghệ tái chế chất thải hữu cơ sinh hoạt và từ hoạt động nông nghiệp tại các địa phương phát triển mạnh về nông nghiệp làm giảm gánh nặng cho hệ thống thu gom. Các khu được quy hoạch chôn lấp bao gồm xã Phước Đại, huyện Bác Ái, khu chôn lấp eo núi Hòn Ngang – Hòn Nhọn, khu chôn lấp núi Chong Gấm sẽ chỉ được đầu tư công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với yêu cầu lượng chôn lấp không quá 20% của công nghệ tái chế và thu hồi mà các bãi chôn lấp này phục vụ
Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phương án phát triển các khu xử lý chất thải rắn được xác định, đầu tư xây dựng 3 khu xử lý chất thải rắn cấp liên huyện và các cơ sở xử lý chất thải rắn phân tán tại các huyện. chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường của từng huyện, thành phố sẽ được thu gom và đưa về các khu xử lý chất thải rắn tập trung của từng huyện, thành phố; Xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn tại tất cả các khu đô thị có khoảng cách đến khu xử lý chất thải rắn tập trung trên 20 km; bố trí trạm trung chuyển chất thải rắn cỡ nhỏ tại các khu đô thị có bán kính phục vụ tối đa 10 km.
Cùng với đó là tổ chức phân loại rác tại nguồn theo quy định, tổ chức phân luồng loại rác để áp dụng giải pháp xử lý, tái chế phù hợp. Đối với chất thải rắn nguồn gốc hữu cơ: xử lý thành các sản phẩm phù hợp; đối với chất thải rắn vô cơ: tiếp tục phần loại để tái chế. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Phương án phát triển các khu xử lý chất thải rắn tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030 có 3 dự án: Khu xử lý chất thải vùng phía Bắc, Huyện Thuận Bắc có quy mô diện tích dự kiến 13 ha; Công suất dự kiến khoảng 300-600 tấn/ngày đêm; công nghệ dự kiến: tái chế chất thải rắn, sản xuất phân hữu cơ và chôn lấp hợp vệ sinh, và các công nghệ khác phù hợp để xử lý chất thải rắn. Khu xử lý chất thải vùng phía Nam Huyện Thuận Nam, quy mô diện tích 50ha; Công suất dự kiến khoảng 1000-1500 tấn/ngày đêm; công nghệ dự kiến: tái chế chất thải rắn, sản xuất phân hữu cơ, chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ đốt, và các công nghệ khác phù hợp để xử lý chất thải rắn, chất thải rắn nguy hại. Khu xử lý chất thải vùng phía Tây Huyện Ninh Sơn quy mô 20ha; Công suất dự kiến khoảng 400-800 tấn/ngày đêm; công nghệ dự kiến: sản xuất phân hữu cơ, chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ đốt và các công nghệ khác phù hợp để xử lý chất thải rắn.
Công tác thu gom, xử lý các loại chất thải được triển khai đồng bộ, theo phương án đã được phê duyệt (Ảnh minh họa). |
Cùng với chất thải rắn sinh hoạt, tỉnh Ninh Thuận triển khai đồng bộ phương án xử lý chất thải rắn (CTR) xây dựng và bùn thải, công nghiệp và y tế CTR xây dựng không thể tận dụng sau quá trình phân loại, tái chế, tái sử dụng của các huyện sẽ được chôn lấp tại các khu xử lý tập trung của từng huyện. Riêng CTR xây dựng của thành phố Phan Rang Tháp Chàm giai đoạn đầu chuyển về khu xử lý Nam Thành, sau năm 2015 chuyển về khu xử lý núi Chà Bang. Để chôn lấp, bùn thải khu vực đô thị của các huyện sẽ được xử lý tại các khu xử lý tập trung của từng huyện hoặc liên huyện. Riêng bùn thải của thành phố Phan Rang Tháp Chàm giai đoạn đầu chuyển về khu xử lý Nam Thành, sau năm 2015 chuyển về khu xử lý núi Chà Bang.
Chất thải công nghiệp nguy hại chiếm tỷ lệ rất cao 35% được xử lý bằng phương pháp đốt thu hồi năng lượng, sau đó tro đem chôn lấp hợp vệ sinh. Đối với chất thải công nghiệp không nguy hại, loại có thể tái chế chiếm 40% sẽ được tái chế bằng nhiều hình thức khác nhau hoặc đốt thu hồi năng lượng cùng chất thải nguy hại; Chất thải công nghiệp không thể tái chế chiếm 25% có thể được đem chôn lấp hợp vệ sinh cùng với chất thải sinh hoạt hoặc đốt thu hồi năng lượng.
Đối chiếu với quy mô và vị trí các khu xử lý CTR sinh hoạt dự kiến quy hoạch dự kiến bố trí quy hoạch xử lý CTR công nghiệp tại khu xử lý CTR Nam Thành và khu xử lý CTR Chà Bang. Công nghệ áp dụng là các công nghệ: tái chế CTR, đốt CTR nguy hại, đốt thu hồi năng lượng và chôn lấp hợp vệ sinh các thành phần không thể tái chế và sản phẩm tro sau đốt. Bố trí lò đốt công suất 100 tấn/ngđ để xử lý CTR công nghiệp nguy hại cho toàn tỉnh Ninh Thuận. Dự kiến sử dụng công nghệ đốt chất thải nguy hại cùng CTR công nghiệp hiện đại tại khu xử lý Chà Bang, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Các khu xử lý và bãi chôn lấp tại các huyện sẽ kết hợp làm nhiệm vụ phân loại và là điểm tập kết CTR y tế nguy hại trước khi chuyển về đốt tập trung.
Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất (chủ nguồn thải) phải tổ chức phân loại chất thải thành chất thải công nghiệp thông thường và chất thải công nghiệp nguy hại. Trong thời gian chờ thu gom, xử lý, chủ nguồn thải có trách nhiệm tổ chức quản lý, đảm bảo chất thải trong khuôn viên cơ sở sản xuất, không làm phát tán gây ô nhiễm ra bên ngoài khuôn viên cơ sở sản xuất.
Đối với chất thải công nghiệp thông thường: Chủ nguồn thải có trách nhiệm thu gom, vận chuyển hoặc hợp đồng với đơn vị đủ năng lực thu gom, vận chuyển về điểm thu gom, khu xử lý chất thải theo quy định. Đối với chất thải công nghiệp nguy hại: Chủ nguồn thải có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt tiêu chuẩn quy định hoặc hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Công nghệ xử lý bao gồm tái sử dụng - tận thu, ủ phân, thiêu đốt chất thải không tái chế được (đốt rác phát điện), chôn lấp. Chất thải nguy hại được thu gom xử lý tại các cơ sở có chức năng xử lý chất thải rắn nguy hại theo từng khu vực.
Nguồn: Quy hoạch hạ tầng phục vụ thu gom, xử lý chất thải