Quy hoạch không gian biển quốc gia: Vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường
Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm 9 nội dung chính. Cụ thể gồm: Vai trò, vị trí của Quy hoạch không gian biển quốc gia; Cách tiếp cận và phương pháp lập Quy hoạch không gian biển quốc gia; Cơ sở lập Quy hoạch không gian biển quốc gia; Phạm vi của Quy hoạch không gian biển quốc gia; Những vấn đề trọng tâm cần giải quyết; Quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của Quy hoạch; Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và vùng ven biển, đảo; Phân vùng chức năng và phân vùng sử dụng không gian biển; Giải pháp để thực hiện Quy hoạch và danh mục dự án ưu tiên.
Trong phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội sáng ngày 4/6, một số đại biểu Quốc hội lo ngại hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển, đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thực trạng, định hướng và giải pháp khắc phục.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, dự kiến khi Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua sẽ có phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển, cần tuân thủ, thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường. Hoạt động lấn biển đã có từ rất lâu, hoạt động lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội cần được đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước.
Về khai thác cát biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ này đã nghiên cứu, đánh giá tác động và thấy không ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời khuyến cáo chỉ khai thác 2 mét để đảm bảo môi trường và thực hiện xa bờ khoảng 20 km.
Một số đại biểu tiếp tục nêu vấn đề, Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu vực bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết về giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu trên.
Về vấn đề nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW về quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo là mục tiêu quan trọng thể hiện sự phát triển của kinh tế biển. Từ Nghị quyết này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ về quy hoạch không gian biển quốc gia. Vừa qua quy hoạch các vùng, quy hoạch các địa phương đã được lồng ghép tổ chức thực hiện. Phải rà soát các khu vực bảo vệ gắn với bảo tồn; rà soát các rừng ngập mặn sử dụng đa mục đích, vừa bảo tồn vừa phát triển. Cùng với đó, phải có hệ thống giám sát, quan trắc, quản lý chặt chẽ hơn và xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến môi trường của biển.
Nguồn: Quy hoạch không gian biển quốc gia: Vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường