Quy hoạch không gian biển vì sự bền vững của đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu
Hội nghị COP27: Nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu |
Thách thức phát triển vùng biển
Việt Nam là một quốc gia với hơn 1/3 dân số sống ở các vùng ven biển. Kinh tế từ biển của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước, riêng kinh tế biển đóng góp từ 20 đến 22%. Tại các tỉnh, thành phố ven biển, chỉ số phát triển con người cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1 - 2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước.
Tuy nhiên, đại dương của Việt Nam đang bị đe dọa do môi trường sống bị chia cắt, suy thoái, đánh bắt cá và các hình thức khai thác quá mức, biến đổi khí hậu và ô nhiễm chủ yếu là rác đại dương. Trong quá trình xây dựng và phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế biển nước ta vẫn phải đối mặt với các thách thức lớn về môi trường và tài nguyên biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sinh kế của người dân.
Cụ thể, các nguồn tài nguyên biển, trong đó có rạn san hô ở Việt Nam, đang bị suy thoái và suy giảm nghiêm trọng. Nằm ở vị trí địa chính trị đắc địa trên Biển Đông, bên cạnh vô số tài nguyên biển, Việt Nam còn tự hào về dầu khí, khí thiên nhiên, khoáng sản ven biển và xa bờ có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho nền kinh tế quốc gia và địa phương.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản suy giảm do dư thừa cường lực đánh bắt. Cơ sở hạ tầng ngành hải sản chưa đáp ứng yêu cầu, quản lý môi trường vùng nuôi chưa hiệu quả. Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam rất lớn, trong khi công nghệ và hiệu suất điện gió đang được cải tiến liên tục, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Thế nhưng điện gió ngoài khơi đang đối mặt với nhiều thách thức: thiếu quy hoạch đồng bộ - xung đột sử dụng không gian biển.
Trước đó, Bộ TN&MT đã được giao nhiệm vụ chủ trì lập Quy hoạch không gian biển quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 tại Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch đa ngành nhằm phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển. Từ đó, định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển và giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển. Được lập theo cách tiếp cận tổng hợp và dựa vào hệ sinh thái; trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành quốc gia, nhưng có sự điều chỉnh, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trên một không gian biển nhất định; xử lý các khu vực chồng lấn giữa các quy hoạch; mâu thuẫn giữa các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên một không gian biển nhất định. Đặc biệt, quy hoạch này sẽ bảo vệ, duy trì cấu trúc và chức năng quan trọng của các hệ sinh thái biển.
Quy hoạch này sẽ cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Biển đảo Việt Nam được công nhận là vùng giàu tài nguyên thiên nhiên và có giá trị địa chính trị quan trọng ở khu vực và thế giới. Mới đây, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và sứ quán Na Uy ở Hà Nội vừa ký thỏa thuận về hỗ trợ quy hoạch quốc gia không gian biển vì sự bền vững của đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dương của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng, Dự án này được xây dựng dựa trên tiềm năng đa dạng hóa nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm năng lượng tái tạo biển, điện gió biển, dược phẩm biển và nâng cao sản xuất tảo và rong biển phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
"Đại dương cung cấp các cơ hội quan trọng cho sự phục hồi kinh tế xanh và kinh tế biển, đồng thời mang lại tiềm năng to lớn cho năng lượng gió ven bờ và xa bờ, nếu được phát triển bền vững, sẽ hỗ trợ an ninh năng lượng và giúp Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nói.
Theo đó, gói kỹ thuật mới này sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam củng cố và thực hiện quy hoạch không gian biển (MSP). Gói này cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam tạo dựng và thiết lập cấu trúc không gian biển hợp lý hơn và kết nối giữa các mục đích sử dụng, cân bằng nhu cầu tăng trưởng với nhu cầu duy trì các hệ sinh thái biển và các mục tiêu kinh tế và xã hội theo cách thức cởi mở và có tổ chức.
Nỗ lực này đặc biệt nhằm thúc đẩy cách tiếp cận liên ngành để quản lý lồng ghép các mối quan tâm về kinh tế, môi trường và xã hội trong kế hoạch chiến lược và đầu tư dài hạn. Quy hoạch không gian biển không nhằm thay thế việc lập kế hoạch theo ngành cụ thể. Thay vào đó, cung cấp định hướng cho những người ra quyết định chịu trách nhiệm về các lĩnh vực, hoạt động hoặc vấn đề cụ thể để đưa ra các quyết định đầy đủ hơn.
Gói hỗ trợ kỹ thuật này sẽ được thực hiện ở cấp trung ương và ba địa điểm ở cấp địa phương. Các địa điểm được lựa chọn dựa trên các tiêu chí sau: vùng sinh thái nhỏ có tiềm năng cho một giải pháp thiết thực; hỗ trợ chính trị và hành chính; sự sẵn có của nguồn dữ liệu lý sinh không gian và thông tin về các nguồn tài nguyên quan trọng; và cơ quan có thẩm quyền sẵn sàng xây dựng và thực hiện các quy hoạch không gian biển.
Bà Ramla Khalidi khẳng định, UNDP sẽ tiếp tục thúc đẩy và tăng cường công việc về Quy hoạch không gian biển, yếu tố quan trọng để mở ra tiềm năng của nền kinh tế biển xanh và đặc biệt là tận dụng tiềm năng to lớn của Việt Nam về năng lượng gió biển như một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng cho mục tiêu về khí hậu của quốc gia.
Được biết, gói hỗ trợ kỹ thuật trong 3 năm này sẽ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch không gian biển bằng cách nhấn mạnh vào việc thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới trong lĩnh vực biển. Quy hoạch tổng hợp thúc đẩy phát triển biển bền vững ở các tỉnh mục tiêu cũng sẽ được tiến hành.
Theo Đại sứ Na Uy tại Việt Nam kiêm nhiệm CHDCND Lào Hilde Solbakken, để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng của mình, đặc biệt thông qua việc chuyển đổi năng lượng thành công và khai mở tiềm năng của nền kinh tế xanh.
“Việt Nam cần nâng cao năng lực quản lý đại dương bền vững và khoa học, trong đó quy hoạch không gian biển chiếm vị trí quan trọng. Chúng tôi rất vui mừng được đồng hành cùng UNDP Việt Nam và các đối tác Việt Nam trong quá trình này thông qua Dự án kéo dài 3 năm mà chúng ta ký kết hôm nay”, bà Hilde Solbakken nói.
Nguồn: Quy hoạch không gian biển vì sự bền vững của đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu