Quy Nhơn triển khai đồng bộ các giải pháp phân loại rác tại nguồn
Thành phố Quy Nhơn là trung tâm hành chính của tỉnh Bình Định. Với bờ biển dài 72 km, diện tích đầm, hồ nước lợ lớn, tài nguyên sinh vật biển phong phú, có nhiều loại đặc sản quý, Quy Nhơn có nhiều tiềm năng về kinh tế, văn hóa, du lịch. Năm 2020, Quy Nhơn được trao giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN”. Thành phố tiếp tục đón giải thưởng này lần thứ 2 vào đầu năm 2024.
Để được công nhận "Thành phố du lịch sạch ASEAN", thành phố Quy Nhơn phải đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí về quản lý môi trường, mức độ sạch sẽ, vệ sinh, quản lý chất thải, ý thức bảo vệ môi trường, không gian xanh, an toàn y tế và an toàn an ninh đô thị, cơ sở hạ tầng và các tiện ích du lịch... Thời gian qua, địa phương này đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao hiệu quả quản lý rác thải. Với khối lượng rác thải nhựa chiếm gần 20% tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày, thành phố đã chủ động tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để xử lý rác thải nhựa.
Mới đây, thành phố Quy Nhơn và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã chính thức khởi động Chương trình Phân loại rác tại nguồn. Chương trình được triển khai thí điểm tại hai phường Ngô Mây và Nguyễn Văn Cừ, với sự tham gia của 8.000 hộ gia đình và 200 lao động phi chính thức. Chương trình dự kiến sẽ được mở rộng ra toàn thành phố vào tháng 7/2025.
Theo kế hoạch, thành phố Quy Nhơn sẽ thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn phường Nguyễn Văn Cừ và phường Ngô Mây từ ngày 1/10/2024. Mục tiêu có ít nhất 50% số hộ dân là các hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia thực hiện. Đồng thời, trong năm 2024 cũng sẽ thực hiện tại các xã Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Lý, Phước Mỹ.
Thành phố Quy Nhơn sẽ triển khai thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn ở hai phường Ngô Mây và Nguyễn Văn Cừ. |
Vừa qua, tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ (TP.Quy Nhơn), Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) được đưa vào vận hành. MRF là một mô hình kinh doanh tuần hoàn, giúp đẩy nhanh quá trình quản lý rác thải nhựa. Với sự hỗ trợ của UNDP và chính quyền địa phương, cơ sở này sẽ tiếp nhận các vật liệu có thể tái chế được thu gom từ Chương trình Phân loại rác tại nguồn, phân loại chúng trước khi chuyển đến các đơn vị tái chế.
Cơ sở thu hồi vật liệu sẽ thu gom khoảng 4 tấn nhựa/ngày (vào năm 2026) từ các nguồn như: các hộ gia đình thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn, nhà hàng, khách sạn, trường học, cảng cá và các vựa phế liệu để tiến hành sơ chế và phân loại thành các loại nhựa làm nguyên liệu cho quá trình tái chế hạt nhựa làm đầu vào cho sản xuất vật liệu.
Cơ sở thu hồi vật liệu hướng đến hỗ trợ tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, sơ chế và thúc đẩy tái chế nhựa phế liệu từ nguồn phát sinh, đặc biệt nguồn nhựa có giá trị thấp không được thu gom và tái chế, từ đó, góp phần giảm thiểu lượng rác nhựa rò rỉ ra môi trường; tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, đặc biệt là nguyên liệu nhựa phục vụ cho ngành công nghiệp nhựa và ngành tái chế nhựa vốn đang thiếu nhựa phế liệu trong nước,…
Theo thống kê của Sở TN&MT Bình Định, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2023 khoảng 1.051,45 tấn/ngày, gồm chất thải rắn đô thị khoảng 581,33 tấn/ngày và chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) khoảng 470,12 tấn/ngày. Tỷ lệ CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom năm 2023 đạt 74,7%, trong đó, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 85,8%, tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được thu gom đạt 61%.
Đến tháng 8/2024, tỷ lệ CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom đạt 80,28% trong đó, tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom đạt 90,63% (đạt so với chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao là 90%-95%), tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom đạt 67,76%. công tác phân loại CTRSH được các cơ quan, đoàn thể ở địa phương quan tâm thực hiện.
Tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai công tác thu gom, xử lý và phân loại rác thải trên địa bàn. Ảnh: VL. |
Trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai một số mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại thị xã Hoài Nhơn (khu phố Trung Lương, phường Bồng Sơn) và huyện Tây Sơn (khối phố Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong) với hình thức thu gom và xử lý chất thải rắn thực phẩm theo cụm; Ngoài ra, một số xã, phường trên địa bàn thành phố Quy Nhơn tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ nguồn hỗ trợ của Chương trình UNDP tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có mô hình chuẩn về phân loại triệt để thành 03 loại (chất thải thực phẩm, chất thải tái chế, chất thải khác) và kết nối đồng bộ với việc xử lý chất thải sau phân loại theo định hướng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đồng thời tại các địa phương, các hội đoàn thể đã triển khai nhiều mô hình phân loại rác tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao với hình thức chủ yếu xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm tại nhà. Riêng tại xã Phước Hưng và Phước Quang, huyện Tuy Phước triển khai mô hình thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm theo cụm dân cư.
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-UBND ngày 28/03/2023 về kế hoạch quản lý CTRSH tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 04/12/2023 về tổ chức thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, hàng năm UBND tỉnh đều giao chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH khu vực đô thị và nông thôn đối với từng địa phương, đi đôi với hỗ trợ kinh phí mua xe chuyên dụng vận chuyển rác và kinh phí thực hiện công tác thu gom, xử lý rác. Mỗi địa phương có trách nhiệm xây dựng và ban hành Phương án chi tiết về quản lý CTRSH trên địa bàn để có thể triển khai đảm bảo công tác thu gom, xử lý CTRSH đạt chỉ tiêu đề ra, nhất là đối với khu vực nông thôn.
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025, 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định; sử dụng phương pháp chôn lấp trực tiếp cho tối đa 30% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 50% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom. Đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.
Nguồn: Quy Nhơn triển khai đồng bộ các giải pháp phân loại rác tại nguồn