Hà Nội: 17°C
Thừa Thiên Huế: 23°C
TP Hồ Chí Minh: 29°C
Quảng Ninh: 20°C
Hải Phòng: 23°C

Quyết tâm nâng cao hiệu quả, chất lượng cảnh báo sớm

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng gia tăng, ngành KTTV đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm theo kịp diễn biến của các loại hình thiên tai có thể tác động đến Việt Nam.

Các giải pháp cụ thể đang được triển khai ra sao? Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Quyết tâm nâng cao hiệu quả, chất lượng cảnh báo sớm

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PV: Thưa ông, ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) đã và đang làm gì để có thể kịp thời cung cấp thông tin phục vụ công tác ứng phó thiên tai?

Ông Hoàng Đức Cường: Các dự báo trong ngắn hạn và dài hạn đều thể hiện, tình hình thiên tai tại Việt Nam có khả năng diễn biến phức tạp, gia tăng về tần suất và cường độ trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Do vậy, để chủ động dự báo và cung cấp thông tin kịp thời, Tổng cục KTTV đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác theo dõi, giám sát diễn biến của trạng thái khí quyển - đại dương. Khi số liệu quan trắc và dự báo đạt ngưỡng chỉ tiêu theo quy định sẽ phát tin cảnh báo, thông báo về các thiên tai KTTV.

Các đơn vị của Tổng cục vẫn thường xuyên theo dõi sát tình hình KTTV trong phạm vi cả nước, đặc biệt tập trung quan tâm đối với khu vực chịu ảnh hưởng của mỗi đợt thiên tai có nguy cơ gây tác động lớn như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt diện rộng, hạn hán… Chúng tôi cũng chủ động gửi nhận định sớm đến Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Theo quy định, các đơn vị dự báo KTTV chủ động bổ sung các dự báo chuyên đề, dự báo từ sớm, từ xa để chính quyền và người dân địa phương biết, chủ động trong phòng, chống. Nhất là đối với các cơn bão mạnh, mức độ ảnh hưởng lớn và các đợt mưa lũ lớn, diện rộng. Ví dụ như bản tin dự báo riêng cho huyện đảo Bạch Long Vỹ, Trường Sa, Lý Sơn… như đã từng thực hiện.

Việc cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông, báo chí cũng được tăng cường nhằm truyền tải khách quan, kịp thời các thông tin về thiên tai nói chung và bão/áp thấp nhiệt đới, mưa lũ nói riêng để cộng đồng chủ động phòng tránh. Các Đài KTTV tỉnh chủ động tăng cường công tác truyền thông đến các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Người dân và cơ quan chức năng quan tâm có thể thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo cập nhật trên các trang thông tin điện tử, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn; hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ tại địa chỉ: https://iweather.gov.vn và mạng xã hội.

PV: Công tác cảnh báo sớm đã được kích hoạt và bước đầu phát huy hiệu quả qua các đợt thiên tai trong năm 2024 vừa qua. Tổng cục có định hướng như thế nào để tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cảnh báo sớm?

Ông Hoàng Đức Cường: Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo sớm thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ cộng đồng. Chúng tôi chú trọng đan dày và nâng cao chất lượng các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn; đặc biệt ở các khu vực trọng điểm, trên biển và các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa. Tăng cường các quan trắc hiện đại như ra đa thời tiết, ra đa biển, ứng dụng ảnh mây vệ tinh…

Bên cạnh đó, Tổng cục đang phát triển các công nghệ dự báo, cảnh báo hiện đại tiệm cận với các nước phát triển về KTTV như mô hình số phân giải cao dự báo bão, dự báo mưa, lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Tích hợp các tác động của biến đổi khí hậu đến diễn biến thiên tai vào các phương án dự báo KTTV.

Một hướng đi mới là nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo, cảnh báo thiên tai. Trước mắt là đối với dự báo bão, mưa và các hiện tượng nguy hiểm ít xảy ra theo quy luật thông thường. Thời gian tới, chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin dữ liệu, đặc biệt là trên biển đối với bão và ở thượng nguồn các dòng sông chảy vào Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp nhận, phát triển các công nghệ, quy trình dự báo tiên tiến, hiện đại của các nước thông qua hợp tác song phương và đa phương.

PV: Ông có chia sẻ về việc tăng dày và nâng cao chất lượng các trạm quan trắc theo hướng tự động hóa, hiện đại hóa. Cụ thể, công việc này đang được triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 2 năm thực hiện, với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành, sự vào cuộc của các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực KTTV, ngành KTTV đã dành mọi nguồn lực để đảm bảo duy trì họat động ổn định mạng lưới trạm KTTV truyền thống nhằm cung cấp số liệu chi tiết cho công tác dự báo, cảnh báo. Đến thời điểm hiện nay, số trạm quan trắc tự động thuộc mạng lưới trạm KTTV quốc gia đã đạt 1.426/1.835 trạm.

Mạng lưới trạm rada thời tiết được đề xuất xây dựng mới ở các khu vực trọng điểm như vùng biển đảo và các vị trí trọng yếu đã và đang được phê duyệt chuẩn bị cho đầu tư. Chúng tôi ưu tiên phát triển mạng lưới trạm KTTV tự động, trạm đo mưa ở các khu vực có mật độ trạm còn thưa, thường xuyên xảy ra thiên tai.

Cùng với hoàn thiện hành lang pháp lý, ngành KTTV đang rà soát, sắp xếp lại nhân lực và nguồn lực KTTV phù hợp với mô hình tự động hóa và xã hội hóa. Chúng tôi cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về tự động hóa, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, dữ liệu khí tượng thủy văn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong quan trắc; ứng dụng công nghệ quan trắc từ xa tại các khu vực trống dữ liệu hoặc không thể lắp đặt được các trạm cố định, trọng tâm là công nghệ đo không tiếp xúc cho mạng lưới trạm thủy văn, trạm hải văn.

Giải pháp bổ sung nguồn lực là tiếp tục mở rộng phạm vi xã hội hóa công tác đo đạc, quan trắc và truyền tin; phát triển mạnh thị trường dịch vụ đo đạc, quan trắc và truyền tin khí tượng thủy văn.

Ngành cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển mạng lưới trạm KTTV hiện đại ngang tầm các nước phát triển. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong khu vực, các tổ chức quốc tế, triển khai các cơ chế hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV, nhất là đối với lưu vực sông xuyên biên giới và trên biển.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Quyết tâm nâng cao hiệu quả, chất lượng cảnh báo sớm

Khánh Ly (thực hiện)
baotainguyenmoitruong.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Quảng Ninh: Phát huy giá trị khu di tích nhà Trần tại Đông Triều

Quảng Ninh: Phát huy giá trị khu di tích nhà Trần tại Đông Triều
Với thế mạnh du lịch tâm linh, các điểm di tích - danh thắng nổi tiếng của Quảng Ninh thu hút đông đảo người dân và du khách những ngày đầu xuân. Trong đó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại TP Đông Triều cũng đón hàng chục ngàn lượt du khách thập phương về tham quan, chiêm bái, lễ Phật. Địa phương đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để du khách có những trải nghiệm tốt nhất, định hướng kết nối phát triển du lịch, phát huy giá trị khu di tích này.

Nhận định phiên giao dịch ngày 12/2: Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu mạnh

Nhận định phiên giao dịch ngày 12/2: Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu mạnh
Thị trường được kỳ vọng tiếp tục xu hướng hồi phục khi áp lực bán suy yếu. Dù khối ngoại vẫn bán ròng, thanh khoản ổn định ở mức 13 nghìn tỷ đồng/phiên cho thấy tâm lý thị trường khá ổn định.

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 12/2: Đồng USD quay đầu giảm

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 12/2: Đồng USD quay đầu giảm
Đồng USD giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố rằng Fed chưa vội cắt giảm lãi suất, đồng thời nhấn mạnh nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong trạng thái ổn định với tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2%.

Giá vàng hôm nay 12/2: Giá vàng miếng trong nước quay đầu giảm mạnh

Giá vàng hôm nay 12/2: Giá vàng miếng trong nước quay đầu giảm mạnh
Giá vàng thế giới giảm mạnh do các nhà đầu tư chốt lời sau khi giá vàng lập đỉnh lịch sử. Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng các thương hiệu trong nước được điều chỉnh giảm.

2025 - Năm bản lề để kinh tế Việt Nam vươn mình

2025 - Năm bản lề để  kinh tế Việt Nam vươn mình
Việt Nam bước vào năm 2025 với tham vọng đạt tăng trưởng GDP hơn 8%. Mục tiêu này không chỉ đảm bảo đà tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19 mà còn là bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển bền vững trong thập kỷ tới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lớn để hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng này.