Sản xuất xanh, chuyện “sống còn” của doanh nghiệp xuất khẩu
Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 15,66 tỷ USD Giá gạo Việt đứng đầu thế giới, doanh nghiệp xuất khẩu trúng đậm |
Tăng trưởng trong thị trường ảm đạm
Công ty Vina T&T Group là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây và rau củ ở TP.HCM. Nhờ sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm theo các tiêu chí xanh nên 4 tháng qua, sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp này tăng trưởng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong lúc xuất khẩu đang khó khăn, doanh nghiệp này không những giữ vững mà còn mở rộng thị trường ra châu Âu và Mỹ, mỗi tháng xuất đi từ 35-40 container nông sản.
Theo ông Trần Đình Tùng- Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, để sản xuất theo tiêu chí xanh, khó nhất là phải nắm được tiêu chí của từng thị trường để đáp ứng, có nơi yêu cầu đến 40 tiêu chí. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu đầy đủ thông tin.
"Làm sao để doanh nghiệp nắm bắt được thông tin của thị trường xuất khẩu sản phẩm tiêu chí xanh, ví dụ khi doanh nghiệp xuất vào EU thì có thể gọi điện thoại trực tiếp cho thám tán thương mại hay đại sứ quán nước đó để tư vấn các tiêu chí về mặt hàng xuất khẩu. Phía doanh nghiệp chủ động và các đại sứ quán tại các nước đó cũng chủ động thường xuyên cập nhật thông tin, khi doanh nghiệp gọi hỏi thì có bộ phận giải đáp ngay, tránh tình trạng doanh nghiệp xuất hàng đi bị hủy hàng hoặc trả hàng" - ông Trần Đình Tùng nói.
Nông sản được sản xuất theo tiêu chí xanh trưng bày tại Hội chợ Xuất khẩu TP.HCM 2023. (Ảnh: Lệ Hằng) |
Còn TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: “Cuối năm nay sẽ có 1 sandbox về tiêu chí kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái và các chính sách hỗ trợ nếu doanh nghiệp đạt các tiêu chí này. Thị trường bây giờ đòi hỏi yêu cầu xanh hơn bao giờ hết. Mấy năm trước chúng ta có những cam kết chính trị, sáng kiến về sản xuất xanh có nhưng các doanh nghiệp chưa mặn mà. Còn nếu bây giờ doanh nghiệp không mặn mà thì “chết” vì không xanh thì người ta không mua”.
Liên kết vùng để xuất khẩu "xanh"
Xuất khẩu nông sản xanh nếu để doanh nghiệp đơn độc làm thì khó cạnh tranh. Do đó, cần có sự liên kết trong chuỗi sản xuất này để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm giá thành. Liên kết này cần có sự phối hợp giữa các tỉnh thành trong khu vực và các bộ, ngành chức năng trong việc quy hoạch vùng trồng, sơ chế, chế biến, logistics.
Nếu các địa phương liên kết thì sẽ có vùng nguyên liệu lớn, ổn định chất lượng, số lượng và đảm bảo tiêu chí xanh cho chế biến xuất khẩu.
Vùng nguyên liệu trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn xanh. |
TS. Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp -Bộ nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho rằng: “Nguồn nguyên liệu chưa ổn định sẽ dẫn tới đầu vào cho các nhà máy sản xuất không ổn định. Đây là việc chúng ta buộc phải quan tâm khi nói tới liên kết vùng nguyên liệu với tổ chức sản xuất và cung ứng cho thị trường”.
TP.HCM cũng đã có kế hoạch phát triển sản xuất xanh và thấy được vai trò quan trọng trong liên kết vùng để tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Thời gian qua, Thành phố có nhiều giải pháp liên kết vùng để sản xuất theo hướng xanh. Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM cũng đặt ra mục tiêu giảm khí cacbon, tức là sản xuất xanh.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Thành phố coi việc hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế xanh là 1 trong 12 chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo của Thành phố. TP đang định hướng xây dựng 1 số cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển xanh. Mở đầu vào tháng 9 năm nay, Thành phố tổ chức diễn đàn kinh tế với chủ đề tăng trưởng xanh, con đường hướng tới net Zero khí cacbon”.
Sản xuất xanh trở thành câu chuyện "sống còn" của doanh nghiệp xuất khẩu TP.HCM hiện nay. Tuy nhiên, hành trình “xanh hóa” sản phẩm của doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, nhà nước trong chuyển đổi sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, cập nhật thông tin và liên kết vùng./.
Nguồn:Sản xuất xanh, chuyện “sống còn” của doanh nghiệp xuất khẩu