Sẽ thanh tra hết các công ty bảo hiểm
Bộ Tài chính thanh tra 4 công ty bảo hiểm liên kết ngân hàng |
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Không dám khẳng định còn bán chéo bảo hiểm hay không
Cả 43 đại biểu đăng ký chất vấn và 4 vị đăng ký tranh luận đều được nêu ý kiến, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đầu tuần này đặt ra khá nhiều vấn đề nóng, từ quản lý vàng, ngoại tệ, thẩm định giá cho đến kinh doanh đặt cược, lập lại trật tự của thị trường bảo hiểm…
Tuy nhiên, người điều hành chất vấn không mời ai “chia lửa”, nên một mình Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng không thể làm rõ toàn bộ quan tâm của đại biểu, bao gồm cả công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ - vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn từ đầu phiên đến cuối phiên.
Kết quả thanh tra đợt 1 với 4 doanh nghiệp bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng của Bộ Tài chính công bố tháng 7/2023 cho thấy, tổng doanh thu bảo hiểm bán qua ngân hàng thương mại chỉ tính đến ngày 31/12/2021 là khoảng 5.000 tỷ đồng. Nhưng có công ty có đến 70% khách hàng mua bảo hiểm hủy sau đợt đóng phí lần đầu (thường đóng phí lần đầu là phí 1 năm hoặc 2 năm). Phần lớn khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng ngay khi ký hợp đồng đã xác định là hủy ngang, chấp nhận mất hoàn toàn số phí bảo hiểm đã đóng.
Dẫn thông tin trên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) hỏi: “Bộ trưởng đánh giá và xử lý thế nào với trách nhiệm của các tổ chức liên quan qua kết quả thanh tra này? Có hay không dấu hiệu vi phạm pháp luật gây hậu quả, thiệt hại lớn cho số đông khách hàng đã hủy ngang hợp đồng?”.
“Bộ Tài chính có các biện pháp gì để đảm bảo trong tương lai, các doanh nghiệp bảo hiểm không có những sai phạm tương tự, nhất là trong bối cảnh hành vi cấm bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc gắn với cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức đã được bổ sung tại khoản 5, Điều 15, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ năm vừa qua?”, ông Thịnh hỏi tiếp.
Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, “không dám khẳng định” tình trạng đại biểu nêu có còn hay không. Nhưng trước đây, có những ngân hàng thương mại khi nhân viên tư vấn cho người dân vay tiền, lại hướng dẫn mua bảo hiểm. Nếu người vay mua bảo hiểm, thì lợi ích của ngân hàng, của người tư vấn rất lớn.
“Cho nên, khi doanh nghiệp vay được tiền và đã đóng bảo hiểm lần đầu là họ hủy ngang. Nếu họ tiếp tục đóng các năm sau, thì phải kéo dài và thiệt hại càng lớn. Thà mất một khoản ban đầu và khoản ban đầu này cộng vào chi phí vay thì khỏi phải kéo dài các năm sau”, ông Phớc giải thích.
Doanh thu bảo hiểm nhân thọ giảm lớn. - Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc Việt Nam hiện có 82 công ty, doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó 19 công ty bảo hiểm nhân thọ (2 công ty bảo trong nước, còn lại là nước ngoài và liên doanh nước ngoài). Tổng tài sản của các công ty này khoảng 913.000 tỷ đồng và đầu tư quay trở lại cho nền kinh tế gần 700.000 tỷ đồng. Doanh thu bảo hiểm trong năm 2023 đạt 227.000 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2022, trong đó doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ chiếm 71.000 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ khoảng 155.000 tỷ đồng. Doanh thu bảo hiểm nhân thọ giảm lớn, năm 2023 giảm gần 13%, còn bảo hiểm phi nhân thọ giảm gần 3%. Nhu cầu của người dân mua bảo hiểm nhân thọ để tích lũy, đảm bảo cho cuộc sống lâu dài giảm đi do đời sống khó khăn hoặc do họ tìm thấy kênh khác tốt hơn. |
Người đứng đầu ngành tài chính cho hay, đã phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát của ngân hàng kiểm tra và xử lý, ngăn chặn tình trạng đại biểu nêu. Trong đó có biện pháp là phải ghi âm đầy đủ quá trình tư vấn để sau này phục vụ công tác thanh tra và kiểm tra.
Ngoài chất vấn từ đại biểu Phạm Văn Thịnh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc còn nhận hàng loạt câu hỏi khác về giải pháp chấn chỉnh bất cập thị trường bảo hiểm. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) hỏi: “Bộ trưởng có cho rằng, cần phải thanh tra diện rộng, thanh tra toàn diện các công ty bảo hiểm nhân thọ để quản lý tốt hơn lĩnh vực này hay không?”. Câu trả lời từ Bộ trưởng là Bộ Tài chính đã thanh tra được 10 công ty bảo hiểm và trong năm tới sẽ tiếp tục thanh tra 7 công ty bảo hiểm nữa.
“Chúng tôi nghĩ sẽ thanh tra hết các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, ngoài thanh tra theo kế hoạch để chấn chỉnh những sơ hở hay vi phạm có tính lặp đi, lặp lại, chúng tôi sẽ thanh tra đột xuất dựa trên đơn thư khiếu nại, đơn thư tố cáo của những người tham gia bảo hiểm để giải quyết quyền lợi cho những người tham gia, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những sai phạm của công ty bảo hiểm, để các công ty này khi hoạt động phải bình đẳng và tuân thủ pháp luật, thể hiện sự công bằng, minh bạch trên thị trường bảo hiểm”, ông Phớc nói.
Siết chặt quản lý, ngăn buôn lậu vàng và ngoại tệ
Phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng nằm trong nhóm vấn đề chất vấn người đứng đầu ngành tài chính.
Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), thời gian qua, nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế khá phức tạp đối với nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng vàng và ngoại tệ. Các hoạt động này khá tinh vi và phổ biến, đã tác động đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong những ngày giá vàng trong nước dao động rất nhiều và tăng khá cao.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết giải pháp để kiểm soát hiệu quả thị trường vàng và ngoại tệ trong nước nhằm khắc phục tình trạng nêu trên. Nói rõ vàng và ngoại tệ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, không phải nhiệm vụ của Bộ Tài chính, ông Phớc cho biết, Bộ Tài chính có nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại, quản lý ở vùng biên giới để khi giá vàng, giá USD của Việt Nam cao lên, thì hàng lậu không tuồn vào Việt Nam.
“Chúng tôi đã siết chặt các cửa khẩu để quản lý số vàng và ngoại tệ này. Trong thời gian qua, đã bắt được một số vụ liên quan đến vận chuyển ngoại tệ, như việc chuyển đi Hàn Quốc 1,6 tỷ USD hoặc đang điều tra để xử lý 3.700 tỷ đồng hay 1 triệu USD giả chuyển qua hệ thống hàng không”, Bộ trưởng trả lời.
Để kéo giá vàng và giá USD giảm xuống, theo ý kiến cá nhân Bộ trưởng, phải triển khai một loạt giải pháp, vì giá vàng liên quan đến cung - cầu, đến xuất nhập khẩu. “Có nhập khẩu vàng hay không? Siết chặt vấn đề mua bán như thế nào? Có hay không việc lợi dụng tâm lý khi đầu tư sản xuất, kinh doanh không có hiệu quả, tiền gửi vào ngân hàng giá thấp, để chuyển dòng tiền này vào vàng? Cần một loạt giải pháp thì mới giải quyết và ngăn chặn được tình trạng tăng giá”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Với USD, ông Phớc cho rằng, tỷ giá hối đoái thể hiện được sức mạnh của đồng tiền. Tuy nhiên, khi đồng tiền Việt Nam hạ giá cũng có thể có lợi cho xuất khẩu. “Song xuất khẩu tác động như thế nào và làm thế nào để VND không bị mất giá thì cần một loạt giải pháp điều hành tiền tệ, lát nữa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời bổ sung”, ông Phớc nói.
Khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng có mặt tại Hội trường Diên Hồng - nơi diễn ra phiên chất vấn, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội điều hành không mời bà Hồng “chia lửa” cho Bộ trưởng Phớc.
Nguồn: Sẽ thanh tra hết các công ty bảo hiểm