Hà Nội: 20°C
Thừa Thiên Huế: 23°C
TP Hồ Chí Minh: 27°C
Quảng Ninh: 19°C
Hải Phòng: 20°C

Siết chặt kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn hồ đập

TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) là địa phương có lượng hồ đập thuỷ lợi, hồ chứa khá lớn. Tuy nhiên hiện nay các hồ chứa thuỷ lợi được kiểm định theo quy định chỉ đạt lượng rất nhỏ. Do đó, chính quyền, các cơ quan ban ngành chức năng cần tăng cường chủ động, kiểm tra giám sát để đảm bảo vận hành hồ đập, tránh nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho người dân sống trong khu vực.

Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có 55 hồ chứa thủy lợi, trong đó 1 hồ chứa có dung tích trên 100 triệu m3; 2 hồ chứa có dung tích từ 10-100 triệu m3; 5 hồ chứa có dung tích từ 3-10 triệu m3; 48 hồ chứa nước loại nhỏ. Trong đó, Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên - Huế quản lý 24 hồ lớn, vừa và nhỏ, còn lại do các huyện, xã quản lý.

Để đảm bảo an toàn hồ đập các đơn vị chủ hồ cần kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các hạng mục công trình các thiết bị cơ khí, thiết bị điện và thiết bị quan trắc chuyên dùng để khắc phục kịp thời. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động áp dụng cách thức cảnh báo, thông báo đến nhân dân. Cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định.

Đối với riêng TP.Huế, hiện thành phố có 56 công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi. Trong đó, 1 hồ chứa nước là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia là hồ chứa nước Tả Trạch, 8 hồ chứa nước lớn, còn lại vừa và nhỏ cùng 275 đập dâng, phân bố tại các địa phương. Các công trình hồ đập này cung cấp nguồn nước cho gần 62.000ha đất nông nghiệp, cấp hơn 1,2 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp, kết hợp phát điện, phòng chống lũ, hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo Chi cục Thủy lợi TP. Huế, qua kiểm tra thực tế các công trình đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn bằng trực quan, vận hành thử các thiết bị, nhìn chung các đập, hồ chứa thủy lợi hoạt động bình thường, các hạng mục đầu mới chưa phát hiện sự cố lớn.

Siết chặt kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn hồ đập
Hồ Tả Trạch là một trong những công trình quan trọng.

Tuy nhiên, nhiều hạng mục phụ trợ đã hư hỏng, một số đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí đã xuống cấp, chưa được khắc phục, đầu tư. Ngoài ra, đường thoát lũ tại khu vực tràn và cửa van của các hồ chứa bị bồi lấp, cây cỏ mọc nhiều trên thân đập. Trong đó, các hạng mục mặt đập, thân đập, mái hạ lưu đập của hồ chứa nước Bến Ván 1, Bến Ván 2 bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn công trình đầu mối. Phần đuôi tràn hồ chứa nước Thủy Yên bị sạt lở và có nguy cơ mở rộng.

Cơ quan chức năng đã yêu cầu UBND huyện Phú Lộc, Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi TP. Huế (Công ty Thủy lợi) sớm sửa chữa, khắc phục các hạng mục bị hư hỏng. Cuối năm 2024, Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh (nay là TP. Huế) đã kiểm tra, đánh giá 55 đập, hồ chứa nước trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 5 đập bị thấm nhẹ, 4 đập bị biến dạng mái đập.

Kiểm tra tràn xả lũ, hội đồng đánh giá có 7 đập bị nứt nhẹ, 17 đập bị xói lở thân, đuôi tràn, tiêu năng, trong đó có 5 tràn bị nặng. Ngoài ra, đường quản lý vận hành một số hồ đã xuống cấp như hồ Khe Ngang (đường thấp và ngập lụt), hồ Hòa Mỹ (đường đất chưa được đầu tư), đường vào đập chính một số hồ chứa của địa phương chưa được đầu tư, đi lại rất khó khăn như hồ Hà Rỏi, Khe Mang (TX. Phong Điền), hồ Cơn Thộn (TP. Huế). Đặc biệt, theo hội đồng tư vấn, kết quả kiểm tra các nội dung đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định cho thấy, không có hồ nào được lập quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì công trình; 2% số hồ được kiểm định theo quy định và 7% số hồ được cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước.

Công ty Thủy lợi cho biết, đơn vị đang quản lý 24 hồ chứa nước loại lớn, vừa và nhỏ trên địa bàn TP. Huế. Hiện nay, mới chỉ có hồ thủy lợi Khe Ngang được kiểm định năm 2020 và đã đến thời hạn kiểm định lại; 5 hồ thủy lợi khác ở các địa phương vừa mới được nâng cấp, sửa chữa theo các chương trình đầu tư đã được kiểm tra, đánh giá an toàn đập; còn lại các hồ đều đến thời hạn nhưng chưa thực hiện kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước do thiếu kinh phí.

Để triển khai bảo vệ và đảm bảo an toàn các công trình đập, hồ chứa nước thì cần kinh phí thực hiện. Chi cục Thủy lợi cho rằng, việc đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thời gian qua còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do đa số các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn được đầu tư xây dựng từ lâu, qua nhiều giai đoạn quản lý khai thác dẫn đến thất lạc hồ sơ, gây khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ quản lý.

Siết chặt kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn hồ đập
Việc đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thời gian qua tại TP.Huế còn nhiều thách thức. (Ảnh minh hoạ).

Công tác kiểm định an toàn đập, xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du cần có kinh phí lớn để triển khai, trong khi ngân sách của các địa phương, đơn vị hạn chế nên chưa thực hiện đồng bộ. Đại diện Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi cho biết, nhìn chung, việc bố trí kinh phí và thực hiện quy định pháp luật về quản lý an toàn đập còn nhiều hạn chế, các địa phương, đơn vị chưa chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung theo quy định. Để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố, hội đồng tư vấn đề nghị UBND TP. Huế, Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương, Công ty Thủy lợi thành lập các đoàn kiểm tra các công trình hồ chứa ở địa phương mình để có chỉ đạo cụ thể, sát với tình hình thực tế, có phương án đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão năm 2025.

Đồng thời, có đánh giá tổng thể thực trạng an toàn các công trình đầu mối của đập, vận hành thử cửa van, thiết bị phục vụ vận hành các hồ chứa và thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị cơ khí theo định kỳ... Các địa phương, đơn vị cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2017 và các nghị định, quy định liên quan.

Trong đó, thường xuyên kiểm tra định kỳ, đánh giá hiện trạng công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ẩn họa, hư hỏng để giảm thiểu thiệt hại do sự cố gây ra, các địa phương, đơn vị cần chủ động tổ chức kiểm định an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, kiểm định định kỳ 5 năm/lần để phát hiện những sự cố, hư hỏng... và đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Việc quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi trên địa bạn TP. Huế hiện nay gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu khiến tần suất và cường độ mưa lũ tăng. Do đó, cần tăng cường thể chế, chính sách trong quản lý, đầu tư, bảo vệ công trình hồ chứa, đập dâng. Đồng thời nâng cao năng lực thông tin, cảnh báo, dự báo nguồn nước và đưa ra kịch bản cắt lũ, xả lũ phù hợp, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du…

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó chú trọng năng lực quan trắc, phân tích số liệu đo đạc để phát hiện rủi ro từ sớm. Đặc biệt trong thời gian tới, các hồ đập trên địa bàn TP.Huế cần được đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ để đảm bảo hoạt động an toàn trong mọi tình hình, diễn biến phức tạp của thời tiết…/.

Nguồn: Siết chặt kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn hồ đập

Xuân Trường
thiennhienmoitruong.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Thủ tướng: Chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Thủ tướng: Chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các các thành viên Chính phủ luôn phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, xây dựng Chính phủ liêm chính, trong sạch, vì nhân dân phục vụ; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cụ thể.

Hải Phòng phê duyệt đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt

Hải Phòng phê duyệt đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt
UBND thành phố Hải Phòng ban hành quyết định số 218/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại quận An Dương, thành phố Thủy Nguyên và các huyện: Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

TP. HCM rà soát quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

TP. HCM rà soát quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội
UBND TP. HCM sẽ lập tổ công tác để xử lý, gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Bình Dương: Xây dựng quy trình, quy định và đơn giá về xử lý rác sinh hoạt

Bình Dương: Xây dựng quy trình, quy định và đơn giá về xử lý rác sinh hoạt
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch số 627/KH-UBND về việc xây dựng quy trình, quy định và đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Sau năm 2050 không sử dụng than cho sản xuất điện

Sau năm 2050 không sử dụng than cho sản xuất điện
Đến năm 2050, phát triển đủ các nguồn điện sạch thay thế để bù vào các nguồn điện với công suất tối thiểu 3.335 MW, đảm bảo cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia để xem xét dừng hoạt động khoảng 3.335 MW nhiệt điện than đối với các nhà máy điện than.