So sánh lợi nhuận khủng, nợ xấu tại Vietcombank, VietinBank, BIDV
So sánh lợi nhuận khủng, nợ xấu tại Vietcombank, VietinBank, BIDV. Thiết kế: Duy Anh |
Điều lạ ở quán quân lợi nhuận
Ba ngân hàng trong nhóm Big4 là Vietcombank, VietinBank, BIDV vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024.
Ghi nhận lợi nhuận trước thuế cho thấy, Vietcombank đạt mức lợi nhuận hơn 10.718 tỉ đồng trong quý I/2024. Còn BIDV, Vietinbank lần lượt đạt con số 7.390 tỉ đồng và 6.210 tỉ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là con số lợi nhuận của Vietcombank lại đi lùi, khi giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn hai ngân hàng BIDV và VietinBank lại lần lượt tăng trưởng 7% và 4% so với quý I/2023.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế của Vietcombank tụt dốc là vì trong 3 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt mức hơn 14.078 tỉ đồng, giảm 125 tỉ đồng so với cùng kỳ.
Quý I, Vietcombank đã giảm được phần nhỏ chi phí hoạt động và giảm chi phí dự phòng rủi ro nhưng tất cả các khoản lãi từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán... lại đều ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Còn "á quân" BIDV, trong 3 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập lãi thuần giảm nhẹ nhưng nhờ tiết giảm được hơn 1.000 tỉ đồng chi phí dự phòng rủi ro nên lợi nhuận từ đó tăng lên, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm Big4.
Nhìn lại các năm, việc tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng luôn là nguyên nhân giúp cho BIDV đạt mức tăng trưởng về lợi nhuận.
Khác với BIDV, VietinBank hết quý I/2024 ghi nhận khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 19,7%, đạt mức 8.049 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhờ thu nhập lãi thuần tăng hơn 19,8%, đạt mức 15.174 tỉ đồng nên lợi nhuận trước thuế VietinBank ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ.
Nợ nhảy nhóm, "ông lớn" ngân hàng nào "ôm" nợ xấu nhiều nhất?
Quý đầu tiên của năm 2024 kết thúc, 3 ông lớn trong nhóm Big4 cũng thống kê tổng nợ xấu tại ngân hàng tăng mạnh.
Theo đó, BIDV là ngân hàng ôm nợ xấu nhiều nhất trong nhóm. Hết quý I, ngân hàng này cho vay khách hàng đạt 1,79 triệu tỉ đồng, tăng nhẹ 0,9% so với thời điểm cuối năm 2023, trong đó phần lớn dành cho vay ngắn hạn.
So với cuối tháng 12.2023, nợ xấu tại ngân hàng tăng mạnh lên xấp xỉ 27.000 tỉ đồng, tương đương tăng 20,7%.
Trong đó, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn, chiếm 56,5% trên tổng nợ xấu, tăng 17,3% so với thời điểm cuối năm 2023.
Biểu đồ: Minh Ánh. |
Theo quy định, nợ xấu phân loại dựa trên tiêu chí về thời gian quá hạn trả nợ.
Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) là nợ quá hạn 91 đến 180 ngày. Nếu thời gian quá hạn 181 ngày đến 360 ngày, khoản nợ này được phân vào nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và quá 361 ngày là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Nhìn vào các kỳ báo cáo tài chính trước đây, từ quý III/2023, nợ nhóm 5 tại BIDV ghi nhận đà tăng liên tiếp. Trong khi đó, nợ nhóm 3, nhóm 4 xu hướng tăng giảm đan xen. Khi nợ nhóm 3 từ quý II/2023 sang quý III/2023 giảm thì nợ nhóm 4 quý III/2023 lại tăng cao so với quý II.
Đến quý IV/2023, nợ nhóm 3, nhóm 4 đồng loạt giảm thì nợ nhóm 5 ghi nhận tăng, thậm chí tăng vọt vào quý I năm nay. Đây là minh chứng cho việc nhiều khoản nợ quá hạn và nhảy nhóm.
So với thời điểm cuối năm 2023, nợ nhóm 3 tại BIDV tăng hơn 66%, lên mức 6.335 tỉ đồng vào cuối tháng 3.204. Nợ nhóm 5, tăng 17% lên mức 15.279 tỉ đồng. Còn nợ nhóm 4 giảm nhẹ 2,6%.
Trong khi đó, so với quý I/2023, nợ nhóm 3 tại ngân hàng này giảm 6,4%, nợ nhóm 4 và nhóm 5 lần lượt tăng 28,2% và 22,2%.
Biểu đồ: Minh Ánh |
Tương tự tại VietinBank, nợ xấu hết quý I/2024 ghi nhận ở mức 20.017 tỉ đồng. Đây là ngân hàng "ôm" nợ xấu lớn thứ 2 trong nhóm.
So với thời điểm cuối năm ngoái, nợ xấu tại ngân hàng này tăng khoảng 16%, trong đó nợ nhóm 3 tăng mạnh 167% lên 6.640 tỉ đồng. Nợ nhóm 4 giảm 7,2%, còn nợ nhóm 5 giảm 12,9%.
Tuy nhiên, khi so với cùng kỳ 2023, nợ nhóm 3 giảm hơn 18%, nợ nhóm 4 giảm 3,8%, còn nợ nhóm 5 đã tăng 89%. Tổng dư nợ nhóm 3, nhóm 4 từ các quý trước giảm khiến cho nợ nhóm 5 tại ngân hàng này duy trì đà tăng kéo dài.
So với hai ngân hàng trên, Vietcombank là ngân hàng ghi nhận tổng nợ xấu thấp nhất, nhưng lại có tỉ lệ gia tăng nợ xấu cao nhất.
Tính đến hết tháng 3, nợ xấu tại Vietcombank là 15.640 tỉ đồng, tương đương tăng 24,1% so với thời điểm ghi nhận cuối năm 2023. Mức tăng này cao hơn so với hai ngân hàng trong nhóm.
Trong đó, nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 1.737 tỉ đồng (ghi nhận cuối năm 2023) lên 2.557 tỉ đồng, tương đương tăng khoảng 47%.
Nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ, tăng lên 3.484 tỉ đồng, tương đương tăng 21%.
Còn nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn, tăng 20%, đạt mức 9.417 tỉ đồng.
Giống hai ngân hàng trên, xu hướng quy mô nợ nhóm 3, nhóm 4 giảm thì nợ nhóm 5 lại kéo dài đà tăng.
So với quý I/2023, nợ nhóm 5 tại Vietcombank tăng 47%, nợ nhóm 3 và nhóm 4 cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 1,7% và 304%.
Biểu đồ: Minh Ánh. |
Năm nay, Thông tư 02 vốn dĩ hết hiệu lực từ tháng 6.2024, tuy nhiên mới đây Ngân hàng Nhà nước quyết định kéo dài thông tư này thêm 6 tháng.
Theo dự báo, áp lực nợ xấu vẫn sẽ gia tăng trong năm nay do bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, còn đối diện với nhiều thách thức, lợi nhuận nhiều nhà băng bị ăn mòn do phải tăng trích lập dự phòng. Vì vậy, việc NHNN kéo dài Thông tư 02 cũng giúp cho nợ xấu "đang nóng được làm mát".
Nguồn: So sánh lợi nhuận khủng, nợ xấu tại Vietcombank, VietinBank, BIDV