Số tiền khổng lồ 900 nghìn tỉ, Kho bạc Nhà nước hưởng lãi suất thế nào?
Tin ngân hàng ngày 28/12: Kho bạc Nhà nước đang gửi 900.000 tỷ đồng tại những ngân hàng nào? |
Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ Kho bạc Nhà nước. Ảnh Hương Nguyễn |
Theo đó, số tiền gần 700 nghìn tỉ đồng đang gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước. Khoảng 270 nghìn tỉ đồng là số tiền còn lại gửi có kỳ hạn từ 1-2-3 tháng tại các ngân hàng thương mại khoảng 6%. Nguồn tiền này của Kho bạc Nhà nước giúp giảm chi phí vay nợ cho ngân sách trung ương thông qua việc chi phí lãi vay thấp hơn so với chi phí lãi vay thông qua phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường.
Thưa ông, số tiền 900 nghìn tỉ đồng của Kho bạc Nhà nước hiện đang gửi tại các ngân hàng đến từ nguồn nào?
- Qua theo dõi một số năm, số dư tồn quỹ địa phương là lớn, chủ yếu là do phần chuyển nguồn cao. Tiền đọng lại cao. Thứ nhất, số tiền chuyển nguồn này bao gồm các phần tăng thu, tiết kiệm chi.
Thứ hai là phần vốn đầu tư cơ bản khi chậm giải ngân thì cũng đọng lại.
Thứ ba là nguồn quỹ tiền lương do chúng ta chưa thực hiện ở chương trình cải cách tiền lương còn đọng lại tương đối lớn. Trong 3 phần trên thì chủ yếu thuộc về quỹ ngân sách địa phương. Số dư đến cuối tháng 11 tồn quỹ ngân sách địa phương của cả ba cấp tỉnh, huyện, xã ở trên hoặc là xấp xỉ 830 nghìn tỉ đọng lại.
Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ Kho bạc Nhà nước.- Ảnh Hương Nguyễn |
Vậy Kho bạc Nhà nước đã có những biện pháp sử dụng số tiền trên như thế nào để đảm bảo hiệu quả trong công tác điều hành, thưa ông?
- Trong những năm qua, để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các quỹ theo quy định, chúng tôi đã báo cáo Bộ, báo cáo Chính phủ để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý Nghị định 24. Song song đó, Bộ Tài chính ban hành loạt các thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện theo hướng công khai, minh bạch để đảm bảo hoàn thiện an toàn bộ khung pháp lý.
Kho bạc Nhà nước thực hiện quản lý, điều hành tập trung ngân quỹ nhà nước. Hiện nay, toàn bộ 100% số dư ngân quỹ cuối ngày, chúng tôi quét toàn bộ gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước.
Tại các ngân hàng thương mại hiện nay không còn số dư tiền gửi không kỳ hạn, trừ những khoản thu phát sinh sau giờ giao dịch chiều. Cụ thể, sau giờ ngừng truyền nhận chứng từ, có thể tiền đọng lại ở một vài đơn vị phát sinh cuối ngày mà không kịp chuyển về. Còn lại, cơ bản Kho bạc Nhà nước làm đúng nguyên tắc là cứ đến 17h, chúng tôi quét toàn bộ theo hệ thống rồi thu chuyển về Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba, chúng tôi quản lý, sử dụng vốn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi theo đúng quy định. Trước mắt tập trung cho ngân sách trung ương vay và tạm ứng để đảm bảo thanh toán chi trả, đồng thời để giảm chi phí vay nợ cho ngân sách trung ương thông qua việc chi phí lãi vay thấp hơn so với chi phí lãi vay thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường.
Nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ nhà nước. Hiện nay, ngân quỹ nhà nước được gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại với lãi suất là 6%. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với lãi suất không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước.
Việc quản lý ngân quỹ hiệu quả đã góp phần đóng góp cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn vừa qua.
Từ năm 2018 đến nay, có xấp xỉ khoảng 15.700 tỉ đồng.
Việc điều hành ngân quỹ đã phối hợp với chính sách tiền tệ như thế nào, thưa ông?
- Điều hành chính sách tiền tệ phối hợp với những chính sách tài khóa ở đây thể hiện hai khía cạnh.
Thứ nhất, toàn bộ nguồn tiền không kỳ hạn đều được chúng tôi gửi về Ngân hàng Nhà nước vào cuối ngày. Điều đó thể hiện ở số dư tài khoản của Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể nắm được toàn bộ thông tin ra vào đồng tiền và chi tiêu của Chính phủ hàng ngày.
Thứ hai, đối với ngân quỹ gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại. Sau khi ngân sách trung ương cũng như ngân sách địa phương chưa có nhu cầu sử dụng thì chúng tôi mới gửi tại ngân hàng thương mại với kỳ hạn rất ngắn và chúng tôi cung cấp toàn bộ thông tin đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước nắm được toàn bộ số dư ra - vào của nguồn tiền. Bản chất là tiền đưa ra lưu thông, đó cũng là tạo cung tiền cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển kinh tế.
Nguồn: Số tiền khổng lồ 900 nghìn tỉ, Kho bạc Nhà nước hưởng lãi suất thế nào?