Sông, hồ ở thủ đô ngắc ngoải
Hồ Tây “kêu cứu”
UBND quận Tây Hồ vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội hỗ trợ hơn 4.000 tỉ đồng để bảo tồn và khai thác tiềm năng của Hồ Tây, trong đó kinh phí cho hạng mục nạo vét, cải tạo môi trường hồ này khoảng 2.000 tỉ đồng. Với diện tích hơn 500ha, chu vi hơn 17km, Hồ Tây là hồ lớn nhất nội thành và được xem như “lá phổi” của TP Hà Nội. Hồ Tây còn được Chính phủ công nhận là nơi bảo tồn sinh học, bảo tồn nước nội địa cấp quốc gia. Thế nhưng, hồ đã ô nhiễm suốt hơn 20 năm qua. Những năm gần đây, hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều lần xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt.
Đoạn sông Tô Lịch chảy qua quận Hoàng Mai trở thành cống nước thải lộ thiên khổng lồ |
Ông Vũ Nhật Thắng - cư dân phường Bưởi, quận Tây Hồ - buồn bã: “Sáng sớm nào, tôi cũng đạp xe mấy vòng quanh hồ. 5-7 năm nay, năm nào cũng có những đợt nước hồ bốc mùi hôi thối, lâu lâu lại có đợt cá chết rất nhiều, nước hồ chuyển sang màu sẫm trong nhiều ngày; có đợt nước nổi váng, nhiều chỗ sủi bọt. Lúc bình thường, đi quanh hồ một quãng, lại thấy cá chết dạt vào”.
Hơn 10 năm trước, Ban quản lý Hồ Tây phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước ở Hồ Tây, kết luận hồ bị ô nhiễm kim loại nặng.
Năm 2023, dự án cải tạo hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa) mới hoàn thành sau 19 năm kể từ khi khởi công (năm 2004), được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện môi trường sống cho trên 16.600 dân. Nhưng hiện nay, đường bao quanh hồ nhếch nhác, một góc đường trở thành nơi tập kết của các xe chở rác. Dưới hồ và trên các bãi cỏ ven bờ đầy rác thải.
Ông Lê Mạnh Quân - cư dân phường Văn Chương - cùng mấy người đàn ông ngồi đốt lửa sưởi ấm ở con đường nhỏ cạnh hồ. Ông nói: “Từ ngày hoàn thành việc cải tạo hồ đến nay mới có đợt ngồi đây mà không ngửi thấy mùi hôi. Năm ngoái nước xanh lét, váng nổi dày phủ gần kín hồ, ngày nào chúng tôi cũng phải đi vớt cá chết. Những lần mưa to, rác thải từ 2 cửa cống lớn theo nước vào hồ. Khi nước rút, rác dạt đầy vào đường đi bộ. Chúng tôi dọn nhiều rồi đấy, nhưng cũng không sạch được. Cỏ dài quá nên rác cũng mắc vào đó”.
Gần hồ Linh Quang là hồ Văn Chương (thuộc 3 phường Văn Chương, Thổ Quan, Hàng Bột của quận Đống Đa) cũng trong cảnh tương tự, xung quanh hồ đầy miệng cống xả nước thải, nước hồ thường xuyên có màu sẫm và bốc mùi.
Những cống nước thải lộ thiên
Nhiều năm qua, cả 4 con sông chảy ở nội đô TP Hà Nội gồm sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu trở thành những cống nước thải lộ thiên đúng nghĩa. Họa hoằn lắm, nước sông mới có một vài ngày không đen sì như nhớt thải.
Góc Hồ Tây ở đoạn phố Nguyễn Đình Thi đầy rác, nước hồ nổi bọt trắng |
Từ năm 2008, Công ty TNHH Thoát nước TP Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước Hồ Tây để cải thiện nước sông Tô Lịch. Cũng đã có nhiều dự án làm sạch nước được triển khai trên dòng sông này như lắp bè thủy sinh, xây dựng cống bao. Nhưng đến nay, nước sông Tô Lịch vẫn chỉ một màu đen. Nước chết, rác rến cũng đầy dòng chảy. Mỗi ngày, công nhân Công ty TNHH Thoát nước TP Hà Nội dọn khoảng 3 tạ rác trên sông và ven bờ kè dọc sông. Những ngày mưa, lượng rác lên đến cả tấn.
Mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận hơn 150.000m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp từ hơn 300 cống xả thải trực tiếp nên nước sông luôn đen sì.
Tháng Giêng mưa phùn, ẩm thấp, mùi xú uế từ sông Tô Lịch xộc lên cầu Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) khiến trong mấy chục giây dừng đèn đỏ trên cầu, ai cũng nhăn mặt. Những vườn rau nhỏ xanh tốt trên bờ đối lập hoàn toàn với màu nước sông. Bà Phạm Thị Mai (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) nói: “May cả tuần nay trời mưa, không phải xách nước sang tưới. Mỗi lần hái rau, tôi lấy dao xén cho nhanh chứ đứng ven bờ độ 10 phút thôi là nhức đầu”.
Sống ở phường Định Công (quận Hoàng Mai) từ gần 20 năm nay, bà Nguyễn Hương Giang vẫn không có ấn tượng nào khác ngoài màu đen kịt và mùi hôi nồng nặc quanh năm: “Tôi chưa bao giờ biết đó là sông Sét, cứ nghĩ nó là cống thoát nước lộ thiên, nó không có bất kỳ dấu hiệu sống nào của một dòng sông”.
Không chỉ 4 con sông ở nội đô, 2 con sông cung cấp nước cấy hái, trồng trọt cho các huyện phía tây và nam Hà Nội là sông Nhuệ và sông Đáy cũng gần như trở thành sông chết. Khoảng 20 năm về trước, vườn hoa Hà Đông (quận Hà Đông) luôn tấp nập người đi dạo, tập thể dục, ngồi hóng gió từ sông thổi lên. “Mười mấy năm nay, nước sông đen thui, bốc mùi, mọi hoạt động ở vườn hoa đều dừng hẳn. Các quán cà phê ven sông cũng phải đóng cửa vì không có khách. Ngày xưa các cụ bảo “nhất cận thị, nhị cận giang”, nhưng bây giờ “cận giang” là cận ô nhiễm” - ông Vũ Văn Chấn (phường Tô Hiệu, quận Hà Đông) lắc đầu ngao ngán.
Phải xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường
Việc xả trực tiếp nước thải sinh hoạt ra môi trường là nguyên nhân chính khiến ao, hồ, sông ở nội đô TP Hà Nội bị ô nhiễm. Đây là điều đã được đề cập, mổ xẻ trong nhiều hội thảo về việc cứu sông, hồ trong thời gian qua.
Gần đây, trong một cuộc tọa đàm về việc hồi sinh 4 dòng sông ở nội đô TP Hà Nội, tiến sĩ Trần Thị Việt Nga (Trường đại học Xây dựng Hà Nội) nhận định, chính quyền TP Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả thoát nước và cải thiện chất lượng nước cho 4 con sông này, nhưng các chương trình, dự án đều rời rạc, chưa được tích hợp vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách. Theo bà, nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường chưa bắt kịp thực tiễn phát triển của thành phố; nhiều giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước chưa toàn diện và bền vững.
Theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (một diễn đàn mở) - giải pháp căn cơ cho vấn đề ô nhiễm sông, hồ ở TP Hà Nội là phải xử lý được nguồn nước thải trước khi đổ ra môi trường. Ở nhiều nước trên thế giới, hệ thống xử lý nước thải được trang bị đến từng hộ gia đình. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của TPHCM cũng từng là dòng kênh chết, nhưng nhiều năm nay, nước kênh đã xanh trở lại, các loài cá đã sinh sống dưới kênh.
Ông nhận xét: “Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thực hiện đúng các nguyên tắc chuyển các dòng nước thải xuống cống bao đến nhà máy xử lý tập trung rồi bịt kín các miệng xả, sau đó nạo vét xuống nhằm tạo đủ công suất thoát nước cho dòng kênh. Đó là những nguyên tắc cơ bản mà giới chuyên môn về thoát nước và vệ sinh môi trường đều hiểu rõ và thực hiện được”.
Ông cũng cho rằng, việc nghiên cứu cải tạo, khôi phục các sông ở nội đô TP Hà Nội cần được tổ chức thông qua cơ chế phối kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình, giữa kỹ thuật và văn hóa bởi đây là việc rất phức tạp, có liên quan đến hệ thống sông lớn như sông Đà, sông Hồng, trên phạm vi rộng mà khó có một cơ quan nào có đủ các điều kiện và thẩm quyền để nghiên cứu độc lập.
Nguồn: Sông, hồ ở thủ đô ngắc ngoải