Sự thật đằng sau chiếc bàn tự xoay Đà Lạt
Mộng mơ với đồi Mây Đà Lạt Đà Lạt: Phạt 22 triệu đồng đối với người có hành vi lấn chiếm đất rừng đặc dụng |
Có lẽ, với nhiều người đã từng được nghe về câu chuyện chiếc bàn tự xoay thì sẽ có chút nửa tin nửa ngờ về bí mật của chiếc bàn này. Liệu có năng lực vô hình nào hay đơn giản chỉ là một trò "ảo thuật" khéo léo của chủ sở hữu chiếc bàn này? Bởi theo như lời hướng dẫn, bạn chỉ cần đặt tay lên chiếc bàn, hô hiệu lệnh là chiếc bàn sẽ tự xoay, đúng theo những điều bạn yêu cầu.
Hiện nay, ở Đà Lạt có 4 chiếc bàn tự xoay, nhưng nổi tiếng và “nhạy” nhất là chiếc bàn của ông Lưu Xuân Hưởng tại địa chỉ số 34 Khe Sanh, phường 10, thành phố Đà Lạt. Thoạt nhìn vẻ ngoài của những chiếc bàn này không có quá nhiều khác biệt so với những chiếc bàn gỗ bình thường.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn, bạn có thể nhận thấy mặt tròn của bàn được ghép lại bằng các miếng gỗ rời thay vì một khối gỗ tròn nguyên vẹn. Dưới mặt bàn là 2 đế gỗ hình vuông được ghép song song qua 4 cột tròn để giữ mặt bàn được chắc chắn. Mặt bàn có thể được tách rời khỏi chân bàn.
Theo lời giới thiệu của người chủ sở hữu, thì chiếc bàn này tuy mới về với anh mấy chục năm thôi, nhưng tuổi đời có khi đã chẵn vài trăm và có xuất xứ từ xứ võ Bình Định xa xôi. Theo lời hướng dẫn, mọi người chỉ cần cùng nhau đặt tay lên bàn và ra “lệnh”: trái, phải, nhanh, chậm, dừng lại... chiếc bàn “hiểu tiếng người” sẽ xoay theo đúng những điều bạn mong muốn.
https://dulich.petrotimes.vn/ |
Chính vì sự kì diệu ấy mà rất nhiều người đến với Đà Lạt đều mong muốn được một lần chứng kiến và tự tay thử nó. Càng nhiều người tham gia, độ xoay của chiếc bàn sẽ càng mạnh. Thậm chí, bàn có thể xoay theo đúng những điều bạn đang nghĩ trong đầu mà bạn không cần phải truyền “lệnh” bằng lời nói. Thậm chí, khi bạn điều khiển bàn bằng tiếng nước ngoài, bàn vẫn xoay và dừng lại đúng theo lời bạn nói.
Thực chất, bàn xoay được chế tạo theo một công thức nhất định và không được truyền ra ngoài. Hiện nay các bàn xoay còn lại của Đà Lạt đều giống nhau về cấu tạo, chỉ khác ở số lượng trụ nối giữa 2 đế ở thân bàn, nhưng nhất định phải là số chẵn.
Sau rất nhiều chuyến đi về cũng như thử nghiệm, các nhà khoa học đã tìm được câu trả lời. Theo đó, bàn hoạt động là nhờ có lực tác động vào bàn, tạo mô-men quay. Nhưng điều quan trọng hơn cả, là lực cơ học nào đã tạo ra được mô-men quay cho bàn?
Theo phân tích, khi người ta đặt tay lên chiếc bàn, liên tục đọc “thần chú” cho bàn quay thì tâm lý họ cũng phát sinh tự kỷ ám thị rồi dần dần rơi vào ảo giác: dường như bàn đang quay, nên người chơi sẽ có xu hướng vô thức nương theo chiều quay mà họ quy ước trong đầu.
Và khi nương theo như thế, lực bạn tác động vào bàn cũng có xu hướng tăng lên. Và cứ thế, bàn cứ xoay càng lúc càng nhanh. Chưa kể đến, có nhiều khi có người cũng tác động “đẩy” thêm cho bàn xoay. Nguyên lý khi dừng lại cũng được áp dụng như thế.
Mặc dù sự thật về chiếc bàn xoay đã được làm sáng tỏ, nhưng những ai ghé đến thăm Đà Lạt đều mong muốn được một lần tận mắt thấy và cảm nhận nó. Đây cũng là một trong những điểm cực kì thu hút khách tham quan ghé thăm của Đà Lạt.
Nguồn: Sự thật đằng sau chiếc bàn tự xoay Đà Lạt