Tái chế rác thải nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn
Mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” do Hội Nông dân tỉnh triển khai thí điểm tại xã An Nhơn (huyện Châu Thành) từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2023. Thông qua mô hình tạo ra chế phẩm sinh học thành phần hữu cơ phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện Châu Thành, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Hội Nông dân tỉnh, lợi thế của huyện Châu Thành có nguồn phế phẩm nông nghiệp khá dồi dào (khoai lang, rơm rạ, lục bình...), do đó việc áp dụng và chuyển giao công nghệ sinh học của mô hình, đặc biệt là giải pháp làm men (IMO) gốc và sử dụng vi sinh vật bản địa có lợi cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Để thực hiện mô hình có hiệu quả, Ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với Hội Nông dân huyện Châu Thành tổ chức 6 lớp tập huấn cho trên 360 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; hướng dẫn cài đặt Zoom tập huấn trực tuyến cho các thành viên tham gia mô hình. Đồng thời chọn cán bộ, hội viên, nông dân trong đó có hội viên, nông dân tham gia mô hình thí điểm tại xã An Nhơn.
Theo đó, các hội viên, nông dân được hướng dẫn làm men (IMO), thực hành trực tiếp lên phế phẩm như: lục bình, rơm rạ, thức ăn thừa... tạo thành phân hữu cơ bón cho vườn cây ăn trái. Hoặc tạo ra chế phẩm khử mùi chuồng trại trong chăn nuôi, nhà vệ sinh trường học, bãi rác. Sau khi tham gia lớp tập huấn, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã An Nhơn áp dụng làm được phân hữu cơ từ nguyên liệu lục bình bằng hình thức xử lý men IMO. Phân hữu cơ người dân tự làm được bón cho vườn cây ăn trái, chủ yếu là cây nhãn. Sau khi bón phân hữu cơ tự làm, cây nhãn phát triển tốt, cho trái nhiều và ít sâu bệnh, còn phần đất dưới gốc cây nhãn cũng tơi xốp...
Các hộ dân thực hiện ủ phân hữu cơ từ lục bình để bón cho cây trồng. Ảnh: MN |
Bước đầu mô hình thí điểm tại xã An Nhơn phát huy hiệu quả, Hội Nông dân huyện Châu Thành tiếp tục nhân rộng ra 11 Hội quán, 4 Hợp tác xã và nông dân tham gia mô hình. Hiện tại xã điểm An Nhơn đã có hàng chục hội viên, nông dân tham gia làm men IMO và sử dụng vi sinh vật bản địa có lợi tại các khu vườn với tổng diện tích lên đến hàng chục nghìn mét vuông. Ngoài ra, toàn huyện có 420 hội viên, nông dân thực hiện thu gom, phân loại hơn 40 tấn rác thải tại hộ gia đình và áp dụng giải pháp làm men trên phế phẩm hữu cơ tạo ra phân hữu cơ bón cho diện tích đất trồng nhãn, sầu riêng, ổi, mít.
Tại tổ liên kết sản xuất nhãn Bạch Viên, xã An Nhơn, huyện Châu Thành khoảng một năm nay, nhờ sử dụng phân hữu cơ làm từ cá cho vườn nhãn đã giúp giảm chi phí sản xuất đáng kể. Lượng phân vô cơ giảm 70%, chỉ còn khoảng 30% thuốc xử lý ra hoa, trái. Việc sử dụng phân sinh học thay phân vô cơ giúp giảm chi phí sản xuất, cây phát triển rất tốt, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
Hiện 40 thành viên tổ liên kết sản xuất nhãn Bạch Viên, xã An Nhơn đang sử dụng men vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chế phẩm sinh học cho cây trồng. gia đình ông đã tự sản xuất và sử dụng phân hữu cơ từ rác thải và phụ phẩm nông nghiệp hơn một năm qua, đạt hiệu quả rất tốt. Các hộ dân dùng các nguyên liệu quen thuộc như men tiêu hóa sirô, sữa chua, đường, men rượu, cám gạo, chuối, trộn các nguyên liệu này lại ủ 24 giờ đem phơi khô thành men gốc. Lấy một lượng men gốc đủ dùng hòa vào nước, rồi đem nước này tưới vào phần rác thải, phụ phẩm nông nghiệp, ủ tiếp khoảng 3-4 ngày thành phân bón hữu cơ.
Hội Nông dân xã An Nhơn, hiện có 32 hộ tham gia, ủ từ 3-5 tấn phụ phẩm ốc, cá, lục bình, rau củ quả... có thể thu trên 1 tấn phân bón. Mô hình giúp tiết kiệm 60% chi phí nhờ giảm lượng phân bón vô cơ, giúp cải tạo đất, phục hồi cây lão hóa, tăng năng suất, trái to, đẹp và có thể kéo dài thời gian bảo quản trên cây thêm khoảng 15 ngày trong thời gian trái cây chín rộ, ùn ứ. Riêng đối với những hộ chăn nuôi, ngoài giảm lượng hao hụt, giảm chi phí sản xuất (có thể lên đến 50%), giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí sản xuất
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng mô hình, phối hợp với đơn vị hữu quan tăng cường hướng dẫn hội viên, nông dân nắm vững kỹ thuật và sản xuất được chế phẩm sinh học IMO, nhất là ứng dụng chế phẩm IMO trong xử lý mùi hôi chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh trong các trường học. Đồng thời đưa các phụ phẩm trong nông nghiệp trở thành nguồn tài nguyên tái tạo lại trong đất. Cùng với đó, làm thay đổi nhận thức của người ND theo hướng kiểm soát và giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Phân hữu cơ người dân tự làm được bón cho vườn cây ăn trái, chủ yếu là cây nhãn. Ảnh: MN |
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp triển khai các giải pháp trong bảo vệ môi trường, đẩy mạnh các hoạt động thu gom, xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và phát huy nguồn lực bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới...
Tại huyện Cao Lãnh, địa phương này phối hợp xây dựng các mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình; vận động đoàn viên, hội viên và người dân tích cực tham gia, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Nhằm chung tay trong công tác bảo vệ môi trường, huyện triển khai, mở rộng mô hình thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn xã, thị trấn với 775 bể và 2 kho lưu chứa. Các vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom và xử lý đúng theo quy định. Từ năm 2020 đến nay, tổng khối lượng được thu gom, xử lý đúng quy định là 30,8 tấn.
Hiện trạng xây dựng cảnh quan môi trường trong xây dựng nông thôn mới được duy trì và nhân rộng, triển khai trồng cây xanh, xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp được 103 tuyến, với tổng chiều dài trên 234km. Trong đó, số tuyến đường liên xã được trồng cây xanh xây dựng cảnh quan môi trường là 32 tuyến, chiếm 67%; số tuyến đường liên ấp, trục ấp được trồng cây xanh tạo cảnh quan là 71 tuyến, chiếm 53,7%.
Trên địa bàn huyện Thanh Bình triển khai các giải pháp trong bảo vệ môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thu gom, xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và phát huy nguồn lực bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới... Theo đó, để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả, huyện thường xuyên kiểm soát hoạt động vệ sinh môi trường, tổ chức các hoạt động phát quang bụi rậm 2 bên tuyến đường, ra quân thu gom rác thải. Đồng thời vận động các hộ dân sống ven lộ chỉnh trang cổng ngõ, hàng rào, trồng cây xanh, hoa để tạo cảnh quan môi trường trên các tuyến đường.
Huyện cũng tập trung phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, xử lý bằng biện pháp đốt đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường. Bên cạnh đó, huyện đang triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm nâng cao tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2025, các xã, thị trấn có ít nhất 1 mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình.
Về quản lý phân loại, thu gom và xử lý chất thải nhựa, huyện tiếp tục vận động, kêu gọi các tổ chức, cơ quan, hộ gia đình, cá nhân tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; khuyến khích siêu thị, cửa hàng Bách Hóa Xanh, chợ dân sinh, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch... trên địa bàn huyện giảm thiểu chất thải nhựa, thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng các sản phẩm, vật dụng thân thiện môi trường.../
Nguồn:Tái chế rác thải nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn