Tài chính xanh cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 - Khơi thông nguồn lực tạo bước đột phá
Năm 2050 mục tiêu phát thải ròng bằng 0: Thách thức từ việc tiết kiệm năng lượng ADB: 134 triệu USD cho mục tiêu phát thải thấp, chống biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á |
Cụ thể, khoảng 64 tỷ USD sẽ dành cho đầu tư mới vào năng lượng tái tạo, bù đắp cho tài sản của các nhà máy điện từ năng lượng hóa thạch vẫn chưa hết thời hạn sử dụng (hay nói cách khác là bị “mắc kẹt” trong quá trình chuyển dịch năng lượng). Một phần chi phí khoảng 17 tỷ USD dành để chuyển đổi năng lượng trong công nghiệp, giao thông và nông nghiệp; khoảng 33 tỷ USD cho các chương trình hỗ trợ xã hội, đảm bảo đền bù cho những người lao động và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển dịch.
Ông Muthukumara Mani - Chuyên gia trưởng về Kinh tế môi trường của WB tại Việt Nam cho rằng, để đáp ứng nhu cầu vốn, Việt Nam cần phân bổ lại nguồn tài chính từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan đến khí hậu, có kế hoạch phân bổ ngân sách từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.
Thị trường tài chính xanh giúp mở rộng nhiều kênh huy động vốn đầu tư cho các dự án xanh |
Tài chính xanh ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và chính sách công sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các ngân hàng vượt qua các nút thắt, cải cách quy định và ưu đãi cho cả bên cấp tín dụng và bên đi vay - ông Muthukumara Mani nhận định. Theo WB, đầu tư công có thể chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư, trên cơ sở áp dụng các công cụ định giá các-bon (thuế các-bon, thị trường các-bon) hoặc đi vay ở thị trường trong nước. Trong khi đó, nguồn vốn tư nhân có thể được huy động thông qua tín dụng xanh từ các ngân hàng, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro đối với các dự án, hợp đồng mua bán điện. Việc khai thông nguồn lực toàn xã hội có thể xem là bước đột phá đầu tiên cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu cho giai đoạn tới. Trên cơ sở thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích tài chính xanh và nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức tín dụng. Kết quả, tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng được quan tâm và tăng hạn mức đầu tư.
Theo các chuyên gia tài chính, một số dấu hiệu ban đầu cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng. Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh... Việc Lego lựa chọn Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất trung hòa các-bon đầu tiên được coi là lá phiếu đầu tiên cho sự tin tưởng của doanh nghiệp này vào khả năng cung cấp vốn của Việt Nam.
Trong Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh phải huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước và cộng đồng quốc tế đóng góp cho sự nghiệp phát triển phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Theo ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), bên cạnh việc huy động nguồn lực trong nước, Việt Nam đang chủ động tiếp cận, thúc đẩy quan hệ với Chính phủ các nước, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, quỹ tín dụng quốc tế và khu vực tư nhân. Mục tiêu nhằm vận động các nguồn hỗ trợ, viện trợ không hoàn lại, các nguồn hỗ trợ tài chính, đầu tư và công nghệ xanh, các chương trình hợp tác song phương và đa phương và các khoản vay ưu đãi khác, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.
Đặc biệt, sau cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, rất nhiều đối tác quốc tế đã đưa ra lời đề nghị hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải. Các bộ, ngành của Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác thực hiện cam kết COP26 với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Citi Bank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Standard Chartered nhằm huy động tài chính, nguồn lực của khối tư nhân trong việc triển khai các cam kết tại COP26…
Đặc biệt, trong tháng 12 vừa qua, Chính phủ Việt Nam cùng với Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu và một số đối tác phát triển đã thông qua Tuyên bố chính trị nhằm thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thông qua cam kết này, trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực xanh chảy vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng với sự hỗ trợ của các định chế tài chính hàng đầu thế giới. Đồng thời, bản thân các ngân hàng, doanh nghiệp cũng tự tin đẩy mạnh cho vay, đầu tư vào các dự án tăng trưởng xanh.