Tài sản thế chấp sắp cán mốc 3 triệu tỷ đồng, Agribank đang miệt mài rao bán các khoản nợ
Loạt doanh nghiệp xăng dầu và thép bị Agribank dồn dập rao bán nợ
Thời gian gần đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) dồn dập rao bán các khoản nợ của một loạt doanh nghiệp xăng dầu.
Đơn cử mới đây, Agribank đang lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo của khách hàng là Công ty TNHH Xăng dầu Hải Hạnh (đăng ký địa chỉ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) giá khởi điểm 42,498 tỷ đồng.
Khoản nợ của Xăng dầu Hải Hạnh được hình thành từ hai hợp đồng tín dụng ký kết giữa doanh nghiệp và Agribank Chi nhánh Quốc Oai (Hà Nội) vào năm 2020 và 2022. Đáng nói, Agribank không thông báo cụ thể về giá trị khoản nợ cũng như thông tin về tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên.
Đồng thời, Agribank cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Xăng dầu Đại Việt (trụ sở 110 phố Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Khoản nợ của Xăng dầu Đại Việt được rao bán với giá khởi điểm 54 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm vẫn không thay đổi sau hai lần ngân hàng thông báo bán đấu giá. Đây là khoản nợ vay từ năm 2018 và đã được đưa vào nợ nhóm 5. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là ngôi nhà phố cổ Hà Nội tại địa chỉ số 19 phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, diện tích 160m2.
Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, Agribank mới đây cũng rao bán khoản nợ 92,677 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil). Tài sản đảm bảo cho khoản vay của Xuyên Việt Oil tại Agribank gồm 3 quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 77/9, số 77/10, số 77/5 Huỳnh Tịnh Của, phường 8, quận 3, TP.HCM; 1 quyền sử dụng đất tại thôn 1, xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh rao bán các doanh nghiệp xăng dầu, Agribank còn rao bán hàng trăm tỷ nợ xấu của loạt doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép .
Cụ thể, Agribank - Chi nhánh An Phú thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ trị giá hơn 360 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và CTCP Đầu tư Khang Duy (một doanh nghiệp có cùng hệ sinh thái với Thép KDG).
Tính đến ngày 31/3/2024, giá trị sổ sách của 2 khoản nợ này là hơn 360 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 250 tỷ đồng, nợ lãi 110 tỷ đồng.
Trong đó, khoản nợ của Thép KDG có giá trị ghi sổ tạm tính là 182,5 tỷ đồng, với nợ gốc 130,8 tỷ và nợ lãi 51,8 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ hợp đồng thuê đất giữa Thép KDG và chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH MTV Becamex IDC Corporation.
Tài sản thế chấp cho khoản vay này còn có dự án đầu tư nhà xưởng Thép KDG và toàn bộ máy móc thiết bị của nhà xưởng.
Đối với khoản nợ của Công ty Khang Duy có giá trị ghi sổ là 178,3 tỷ đồng, với nợ gốc 119,7 tỷ và nợ lãi 58,6 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Khang Duy gồm quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ Hợp đồng thuê đất ký giữa Thép KDG và Chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV Becamex IDC Corporation. Dự án đầu tư Nhà xưởng Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam; xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc tải, xe ô tô. Hai doanh nghiệp trên đăng ký trụ sở tại Bình Dương và TP.HCM, cùng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sắt, thép, gang và các cấu kiện kim loại.
Các khoản nợ từ hai công ty thép này đều phát sinh lần lượt vào năm 2018 và 2022. Phía Agribank đưa ra giá khởi điểm đấu giá cho 2 khoản nợ trên là 360,9 tỷ đồng, bằng đúng giá trị ghi sổ tính đến ngày 31/3.
Ảnh minh họa. |
Agribank AMC (công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của Agribank) cũng đưa ra thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Thép Nguyên Phát tại ngân hàng Agribank - Chi nhánh Từ Liêm. Giá trị khoản nợ tính đến ngày 11/1 là 2,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 1,6 tỷ đồng và nợ lãi là gần 1,2 tỷ đồng.
Khoản nợ này đã phát sinh kể từ năm 2012. Giá khởi điểm đấu giá là 1,82 tỷ đồng. Agribank AMC đã tổ chức đấu giá khoản nợ trên trong 5 lần kể từ đầu năm 2024, với giá khởi điểm lần đầu tiên là 2,8 tỷ đồng và giảm dần.
Ngoài ra, Agribank AMC cũng nhiều lần tổ chức đấu giá các tài sản đảm bảo là bất động sản cho khoản vay của Công ty TNHH Thương mại Thép UK. Những khoản vay trên đã liên tục được đem ra đấu giá kể từ cuối năm 2022 đến gần nhất là tháng 3/2024.
Khối bất động sản thế chấp triệu tỷ đồng tại Agribank
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản Agribank đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2022. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,4%, đạt hơn 1,55 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tại Agribank tăng 11,9% lên hơn 1,8 triệu tỷ đồng, là ngân hàng có nhiều tiền gửi nhất tại Việt Nam.
Nguồn: BCTC năm 2023 của Agribank |
Đáng chú ý, tài sản, giấy tờ có giá thế chấp, cầm cố và chiết khấu, tái chiết khấu của khách hàng tại Agribank tính đến cuối năm 2023 đã lên hơn 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, tài sản đảm bảo là bất động sản lớn nhất, đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm.
Ngoài bất động sản, còn có động sản thế chấp ghi nhận hơn 187.206 tỷ đồng, tăng 37%; giấy tờ có giá thế chấp hơn 54.207 tỷ đồng và các tài sản đảm bảo thế chấp khác hơn 40.782 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính cũng cho biết, số dư nợ xấu tại Agribank tính đến 31/12/2023 tăng 10% so với đầu năm, vượt mức 28.700 tỷ đồng kéo theo tỷ lệ nợ xấu cũng tăng nhẹ từ 1,8% lên 1,85%, thấp hơn trung bình hệ thống.
Năm 2023, phần lớn các mảng kinh doanh của Agribank tăng trưởng âm. Tuy nhiên ngân hàng vẫn báo lãi trước thuế 25.859 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022. Động lực tăng trưởng chính đến từ việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh từ 27.538 tỷ đồng (năm 2022) xuống còn 19.347 tỷ đồng (năm 2023).
Nguồn: Tài sản thế chấp sắp cán mốc 3 triệu tỷ đồng, Agribank đang miệt mài rao bán các khoản nợ