Tại sao cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch,…
Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên tới 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp hiệu quả phòng, chống tác hại thuốc lá.
Gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá gây ra ở Việt Nam cũng rất lớn. Tổn thất từ những người mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm do 5 trong 25 nhóm bệnh là 25.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, 49.000 tỷ đồng là số tiền mà mỗi năm người dân bỏ ra mua thuốc lá để hút.
Thuốc lá đang đem lại những gánh nặng rất lớn cả về sức khỏe và kinh tế cho người hút cũng như toàn xã hội. (Ảnh minh họa) |
Mặc dù thuốc lá đang là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Việt Nam với mức thuế suất 75% trên giá xuất xưởng (áp dụng từ năm 2019). Tuy nhiên tỷ lệ hút thuốc lá Việt Nam vẫn ở mức cao do tỷ lệ thuế trên mức giá bán lẻ vẫn thấp khoảng 38%. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam ở mức thấp nhất thế giới, thấp hơn so mặt bằng chung của các nước trong khu vực.
ThS. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của WHO cho biết, mức thuế suất đối với thuốc lá được WHO khuyến cáo nên chiếm 75% giá bán lẻ mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng; hiện mức trung bình của thế giới là trên 61%. Tại khu vực ASEAN, mức thuế suất với thuốc lá của Việt Nam thấp thứ 3, chỉ cao hơn Campuchia (25 - 31,1%) và Lào (18,8%). Các nước như Thái Lan có mức thuế thuốc lá là 78,6% giá bán lẻ, Philippines là 71,3%, Malaysia là 58,6%...
"Tại Việt Nam, thu nhập tăng nhanh hơn nhiều so với giá sản phẩm thuốc lá. Việt Nam có lộ trình tăng thuế chậm, các mức tăng thuế cũng không đủ lớn, ví dụ như tác động của mức tăng tỷ lệ thuế từ 70% lên 75% lên một bao thuốc giá 10.000 là 292 đồng, lên một bao thuốc giá 20.000 là 583 đồng. Bên cạnh đó, số thu thuế từ thuốc lá tại Việt Nam không tăng đáng kể sau khi điều chỉnh lạm phát, tỷ lệ tổng thu thuế thuốc lá/GDP không thay đổi nhiều và luôn dưới 0,5%" - Ths. Đào Thế Sơn - Chuyên gia kinh tế về thuốc lá và buôn lậu thuốc lá của Liên minh phòng chống lao và bệnh phổi quốc tế (The Union) cho biết. |
Tăng mạnh thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm gánh nặng sức khỏe và kinh tế do thuốc lá. Việt Nam hiện đang áp dụng loại hình thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phần trăm tồn tại nhiều hạn chế. Bổ sung thuế tuyệt đối vào cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt là giải pháp phù hợp để cải tiến hệ thống thuế và phù hợp xu hướng trên thế giới.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh tăng thuế, Việt Nam cần chuyển đổi cách tính thuế như hiện nay sang hệ thống thuế hỗn hợp để giảm sức mua, giảm sử dụng và giảm gánh nặng kinh tế và sức khỏe do thuốc lá.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) Nguyễn Thị Cúc cho biết, tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Chính phủ ban hành theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022, đã đặt ra giải pháp đối với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt là xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối (phương pháp hỗn hợp) đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Phương pháp tính thuế hỗn hợp đảm bảo yếu tố điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình, góp phần hạn chế tiêu dùng thuốc lá bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm tỷ lệ hút thuốc lá theo mục tiêu đặt ra đối với từng nhóm đối tượng theo chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá. Không chỉ có vậy, việc áp dụng mô hình thuế suất hỗn hợp trên cơ sở xác định tỷ lệ thuế suất tương đối và mức thuế bằng tiền trên từng bao thuốc còn giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và người lao động liên quan đến ngành thuốc lá và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Ngân hàng Thế giới và WHO đánh giá, chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc.
Theo thống kê của WHO có khoảng 90% trong tổng số 190 nước được nghiên cứu đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Tỷ lệ quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tăng nhanh. Việc bổ sung thuế tuyệt đối để tăng giá nhiều hơn đối với các loại thuốc lá giá rẻ, tiềm ẩn nhiều tác hại đến sức khỏe, đồng thời cản trở sự tiếp cận thuốc lá giá rẻ của giới trẻ.
Chính vì vậy, trong thời gian tới bên cạnh việc xây dựng lộ trình tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, áp dụng thuế hỗn hợp (hiện nay đang áp dụng tỷ lệ/giá tính thuế) ngành Tài chính sẽ tiếp tục bổ sung các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như các loại thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) được phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần thiết, tuy nhiên cần cân nhắc những tác động tiêu cực của việc gia tăng thuốc lá nhập lậu. Bởi thuốc lá lậu hiện gây thất thu lớn cho ngân sách khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng/năm...
Nguồn:Tại sao cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá?