Tăng cường các giải pháp tài chính khí hậu để chống biến đổi khí hậu
Trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, các nhà vận động đang thúc đẩy tái cấu trúc tài chính toàn cầu để giúp các nước ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong những năm qua, các tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra những thiệt hại ngày càng tăng về con người, tài chính và môi trường, làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và an ninh lương thực, đồng thời kìm hãm sự phát triển bền vững trên toàn thế giới.
Riêng năm 2021, các hiểm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu đã gây thiệt hại 35,6 tỷ USD, ảnh hưởng đến gần 50 triệu người ở châu Á. Lũ lụt là nguy hiểm nhất, chiếm 75% các sự kiện thiên tai trong khu vực.
Thời gian tới, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ tổ chức một cuộc họp liên quan đến nội dung xung đột và lạm phát. Trong bối cảnh đó, các nhà vận động đang thúc đẩy tái cấu trúc tài chính toàn cầu để giúp các nước ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vài năm gần đây, thế giới đã chứng kiến những đợt nắng nóng làm khô héo cây trồng, hạn hán và lũ lụt ở các vựa lúa mì quan trọng trên toàn cầu.
Các nước đang phát triển cũng mất phần lớn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm do tác động của biến đổi khí hậu. Có thể thấy, thế giới đang “bùng cháy” và “chết đuối” trong cùng một năm, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu.
Để khắc phục điều này, các tổ chức tài chính đã bắt đầu hành động. Trong đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tạo ra một Quỹ tín thác về khả năng phục hồi và bền vững dựa trên khoản vay mới để giúp các nước nghèo hoặc dễ bị tổn thương thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Thế giới đã và đang chứng kiến những đợt nắng nóng làm khô héo cây trồng, hạn hán và lũ lụt ở các vựa lúa mì quan trọng trên toàn cầu. |
WB cho biết, năm 2022, họ đã cung cấp khoản hỗ trợ kỷ lục 31,7 tỷ USD để giúp các quốc gia giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bắt đầu soạn thảo lộ trình để thay đổi.
Dù vậy, ngay cả khi các quốc gia giàu có không đạt được mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển đầu tư vào năng lượng sạch và tăng cường khả năng phục hồi trước các tác động của khí hậu, nghiên cứu đã chỉ ra rằng chi phí thực sự đã vượt qua con số đó. Để ứng phó với khủng hoảng khí hậu, đến năm 2030, mỗi năm thế giới sẽ cần hơn 2.000 tỷ USD.
Cũng liên quan đến biến đổi khí hậu, giới chuyên gia cho biết, các nước đang phát triển đang “gồng mình” tìm kiếm các nguồn lực cần thiết để ngừng đốt nhiên liệu hoá thạch làm nóng hành tinh, đồng thời cũng chuẩn bị công tác ứng phó với các thảm họa khí hậu có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, các quốc gia cũng phải đương đầu với chi phí gia tăng, nợ nần chồng chất và sự xuất hiện của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Các chuyên gia khoa học khí hậu của Liên Hợp quốc cho biết, so với thời kỳ tiền công nghiệp, hiện không còn nhiều thời gian để đầu tư vào những thay đổi nhằm hạn chế sự nóng toàn cầu lên ở mức 1,5 độ C.
Hiện, thế giới đang đi chệch hướng, gây rủi ro với những chi phí rất lớn cho tự nhiên, xã hội loài người và nền kinh tế toàn cầu. Trưởng phòng chiến lược chính trị toàn cầu của nhóm chiến dịch Mạng lưới hành động khí hậu Harzeet Singh nhấn mạnh: “Nếu không có tài chính, chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng khí hậu”.
Việt Nam nỗ lực thực hiện cam kết
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, khi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Giảm phát thải không chỉ nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường và hướng tới phát triển bền vững mà còn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu.
Phát biểu tại Diễn đàn “Phát thải ròng bằng 0 (NetZero 2050): Từ cam kết đến hành động”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, kể “từ khi có COP26, đến nay, về cơ bản chính sách của chính phủ đã có hành động cụ thể, giao cho các bộ ngành liên quan với các chương trình hành động cụ thể. Đó là hành động về mặt chính cách, tuy nhiên quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Việt Nam là một trong những nước cam kết đi đầu trong chương trình hành động này. Quan trọng nhất là cam kết hành động của nhà quản lý, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là xu thế để hướng tới phát triển "xanh."
Vì thế, trách nhiệm của cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu trên là vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cùng thế giới chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là những hành động thiết thực nhằm thực hiện chính sách cũng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Từ nay đến năm 2025, Bộ TN&MT sẽ sửa đổi Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó lồng ghép các nội dung thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong Quyết định số 739/QĐ-BTNMT do Bộ TN&MT vừa ban hành ngày 27/3, về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Đề án).
Kế hoạch đề ra 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK); thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực, truyền thông; giám sát, đánh giá.
Nguồn: Tăng cường các giải pháp tài chính khí hậu để chống biến đổi khí hậu