Tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường không khí
Giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí Khuyến khích các cơ sở xả thải đầu tư công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành chức năng làm tốt công tác tham mưu triển khai hiệu quả quản lý môi trường không khí. Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu UBND tỉnh triển khai Kế hoạch quản lý môi trường không khí theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch Quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025.
Chỉ đạo Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường tăng tần suất quan trắc môi trường không khí tại các khu vực, điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh; vận hành liên tục ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, trong trường hợp khi ô nhiễm môi trường không khí chạm mức nguy hại chỉ số AQI >300 thì có trách nhiệm thông báo cho UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương kịp thời có các biện pháp xử lý, khắc phục hạn chế phát thải nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân dân, phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp. Tiếp tục đôn đốc các cơ sở, sản xuất kinh doanh hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐCP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp và tăng cường quan trắc các tác động đối với môi trường không khí từ các hoạt động của ngành y tế; thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu ảnh hưởng ô nhiễm không khí tới sức khỏe; tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ các lò đốt rác thải y tế. Chủ động xây dựng phương án cụ thể để kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe, đề phòng các bệnh về đường hô hấp có liên quan đến chất lượng môi trường không khí, đặc biệt đối với người dân sống lân cận các khu công nghiệp.
Các Sở, ngành địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất. |
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh tăng cường nguồn ngân sách cho các cơ quan quản lý về các hoạt động đầu tư trang thiết bị quan trắc, thiết bị vận hành cơ sở dữ liệu, quản lý dữ liệu về khí thải; xây dựng kế hoạch quản lý môi trường không khí... Ưu tiên nguồn vốn để đầu tư lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc không khí tự động liên tục, nhất là tại các khu vực đô thị, Khu công nghiệp…
Các Sở, ngành địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm không khí. Trong đó, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các cơ sở sản xuất có tiểm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như Khu công nghiệp Tằng Loỏng, các cơ sở khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản… Kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối với các cơ sở không chấp hành hoặc cố tình không chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, vận chuyển vật liệu xây dựng, phế liệu không có phương tiện che chắn, để rơi vãi vật liệu xây dựng, phát tán bụi, tiếng ồn ra các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo các nhà thầu thi công các công trình giao thông, các dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư, khu đô thị trong quá trình thi công xây dựng phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, đặc biệt về bụi, khí thải và tiếng ồn như đã cam kết trong báo cáo ĐTM, Giấy phép môi trường đã được cấp có thẩm quyền cấp, đổ đất thải đúng vị trí đã được phê duyệt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm không khí với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực ngành. Chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng trong diện rộng vào mùa khô gây thiệt hại tài nguyên rừng và phát sinh lượng lớn khói bụi, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí.
Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường, nhất là các tuyến đường tại khu vực đô thị, Khu công nghiệp Tằng Loỏng; đặc biệt là các phương tiện vận chuyển hàng hóa, quặng... Kiên quyết xử lý nghiêm các phương tiện, cơ giới khi tham gia giao thông mà không có biện pháp che chắn, phủ bạt, chở quá tải, gây vương vãi vật liệu, bụi bẩn, gây ô nhiễm môi trường, chạy không đúng hướng tuyến, vi phạm tốc độ...
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát các cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp trong quá trình vận hành, bảo trì hệ thống xử lý khí thải của các đơn vị. |
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát các cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp đặc biệt là Khu công nghiệp Tằng Loỏng, thường xuyên kiểm tra quá trình vận hành, bảo trì hệ thống xử lý khí thải của các đơn vị, không để xảy ra sự cố rò rỉ khí thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đôn đốc, yêu cầu các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp định kỳ tổ chức diễn tập phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất, sự cố cháy nổ và sự cố môi trường để chủ động ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường không khí. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề về môi trường phát sinh giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp hoặc với các tổ chức, cá nhân ngoài phạm vi khu kinh tế, khu công nghiệp...
UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện các trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 2 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Thường xuyên, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý. Kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các cơ sở không chấp hành đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin được UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu công bố chỉ số chất lượng môi trường trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc của Sở. Đồng thời kết nối với Bộ Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn báo chí có thể theo dõi, tiếp cận và đưa tin. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe cần kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường phổ biến thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về hiện trạng chất lượng môi trường không khí xung quanh, những tác động xấu đến sức khỏe, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu vực đô thị… Kiểm soát các thông tin từ các báo, đài khi đưa tin về ô nhiễm môi trường không khí. Chỉ được sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống do cơ quan có thẩm quyền thực hiện cung cấp để thông tin cho cộng đồng, xã hội.
UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực, hưởng ứng bảo vệ môi trường không khí thông qua thực hiện các hoạt động như: Không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa, đặc biệt không tự đốt các vật dụng bằng nhựa, cao su tại khu vực sinh sống; Các hộ gia đình trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; hạn chế việc đốt hương, vàng mã trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; Tham gia lưu thông bằng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; ưu tiên sử dụng các loại phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu sạch, nhiên liệu tái tạo, điện, giảm phát thải ô nhiễm môi trường không khí.
Các chủ tư dự án, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết theo nội dung Báo cáo ĐTM, Giấy phép môi trường đã được cấp có thẩm quyền cấp và phê duyệt. Khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư thay thế, nâng cấp thiết bị, công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Đối với cơ sở thuộc đối tượng lắp đặt quan trắc khí thải tự động liên tục, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện lắp đặt thiết bị và truyền số liệu trực tiếp về hệ thống của tỉnh, đảm bảo nguồn cung cấp điện năng ổn định để hệ thống vận hành chính xác, không bị gián đoạn; khi hệ thống báo lỗi phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường ngay lập tức để kịp thời kiểm tra, khắc phục.
Nguồn:Tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường không khí