Tăng cường quản lý đất đai nguồn gốc nông, lâm trường
Cụ thể, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 2830/QĐ-UBND. Theo quyết định điều chỉnh, Đề án sẽ được thực hiện trên phạm vi 4 Ban quản lý rừng, 1 Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La; diện tích đất giữ lại quản lý, sử dụng và phần đất trả lại địa phương quản lý của 6 công ty nông nghiệp, 5 công ty lâm nghiệp thuộc 10 huyện, thành phố; toàn bộ diện tích đất đã bàn giao về cho địa phương quản lý. Đồng thời, điều chỉnh nhiệm vụ thực hiện của cấp tỉnh, huyện.
Theo đó, UBND tỉnh Sơn La sẽ lập 8 thiết kế kinh tế - dự toán với các Công ty, đơn vị sự nghiệp Nhà nước (Ban quản lý rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên); 5 thiết kế kinh tế - dự toán với các Công ty cổ phần không có vốn Nhà nước. Đồng thời Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi toàn tỉnh. Rà soát, xác định vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất.
Diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích, không đúng mục đích; diện tích đất không sử dụng; đang giao, giao khoán, khoán trắng, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp... Xác định diện tích đất công ty nông, lâm nghiệp giữ lại và diện tích đất bàn giao về địa phương.
Xây dựng, tích hợp dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường vào cơ sở dữ liệu đất đai địa phương. Kiểm soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật với đất đai nguồn gốc nông, lâm trường…Với UBND 5 huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Phù Yên, Sốp Cộp, Vân Hồ, rà soát, điều chỉnh bổ sung các thiết kế kinh tế - dự toán đã được phê duyệt.
3 huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, lập mới thiết kế kinh tế - dự toán với nhiệm vụ trước đây chưa triển khai. UBND tỉnh Sơn La giao UBND các huyện quản lý, sử dụng quỹ đất do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương vào mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Lập phương án sử dụng đất với đất đã bàn giao về địa phương, gửi Sở TN&MT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất; tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng tự ý chia lô, tách thửa, xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Trực tiếp chịu trách nhiệm giải quyết tranh chấp, khiếu kiện kéo dài về đất đai, nhất là các điểm nóng dễ xảy ra mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội theo thẩm quyền.
Không để tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm. Theo Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Sơn La cho biết, các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh được hình thành từ những năm sau năm 1954, gồm 4 nông trường, 7 lâm trường, với tổng diện tích khoảng 42.300 ha. Thực hiện quá trình sắp xếp, đổi mới các Công ty, đến nay, toàn tỉnh còn 8 đơn vị, tổ chức.
Tổng diện tích đất các Công ty nông, lâm nghiệp giữ lại sau rà soát tại tỉnh Sơn La là khoảng 17.000 ha. (Ảnh minh hoạ). |
Ngoài ra, còn có 5 đơn vị tổ chức khác đang sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường. Tổng diện tích đất các Công ty nông, lâm nghiệp giữ lại sau rà soát khoảng 17.000 ha; tổng diện tích bàn giao về địa phương khoảng 18.000 ha. Song, hầu hết đất bàn giao về địa phương đều đã có người sử dụng, đất từ lúc bàn giao về địa phương đã biến động về chủ sử dụng, người nhận giao khoán tự ý chia tách, chuyển nhượng, tặng cho trái phép, việc tạo lập các tài sản trên đất, công trình nhà ở trên đất chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Nhằm mục tiêu Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường, thực hiện Luật đất đai 2024, Sơn La đã và đang tổ chức triển khai lập phương án sử dụng đất.
Theo đó, lộ trình giai đoạn 2025 - 2026, cơ bản hoàn thiện lập, phê duyệt phương án sử dụng đất, trong đó có việc giải quyết cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp đang sử dụng đất theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 103-KL/TW đã được cụ thể hóa tại khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai.
Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc đặt ra ở đây là giải quyết cho hộ dân đã nhận khoán trước đây hay giải quyết cho các hộ nhận chuyển từ các hộ nhận khoán. Với quỹ đất nông nghiệp bàn giao về địa phương, trước mắt, ưu tiên giao đất cho đồng bào DTTS, song quỹ đất bàn giao manh mún, nằm xem kẽ trong khu dân cư; mặt khác gần như đất bàn giao về địa phương đã có người sử dụng. Để đảm bảo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS sau khi được hưởng chính sách hỗ trợ đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng đất đã được hỗ trợ theo chính sách, cần thiết có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp.
Để triển khai có thể sử dụng bằng hình thức tập trung đất đai (thuê quyền sử dụng đất) và tích tụ đất đai (góp vốn vốn bằng quyền sử dụng đất). Bên cạnh đó, để giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế nêu trên, cũng như nâng cao hiệu quả về quản lý, sử dụng đất tại các nông trại, lâm trường, các cấp Đảng và chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, triệt để các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 cho các công ty nông, lâm nghiệp và người dân biết để thực hiện đúng quy định của pháp luật luật.
Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp và các ban quản lý rừng. Qua đó, góp ý phần quản lý nguồn lực đất nông, lâm trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phòng quốc gia, an ninh trong thời kỳ Thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguồn: Tăng cường quản lý đất đai nguồn gốc nông, lâm trường