Tăng cường quản lý, phục hồi các hệ sinh thái biển
Tăng cường quản lý, bảo vệ hệ sinh thái san hô Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển |
Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển; nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có ĐDSH cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện. Trong số đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước (trên 100 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô.
Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Các đặc trưng nêu trên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế biển nói chung, phát triển nghề cá và kinh tế thủy sản nói riêng.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển, ven biển giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi thủy hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và phòng chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các kiểu hệ sinh thái trên tạo nên tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng trong phát triển các ngành kinh tế biển...
Tính đến tháng 6/2021, tổng diện tích các khu bảo tồn biển được bảo tồn và quản lý là 174.748,85ha, chiếm khoảng 0,175% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam. Trước nhiệm vụ cấp bách trong công tác bảo tồn, phát triển các hệ sinh thái biển, ven biển, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang xây dựng lấy ý kiến các đơn vị, địa phương đối với Đề án “Mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái biển đến năm 2030”.
Các khu bảo tồn biển giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái biển. Ảnh: HH |
Mục tiêu chung của Đề án là quản lý, bảo vệ tốt hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 3% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030 diện tích vùng biển Việt Nam, góp phần phục hồi và phát triển các hệ sinh thái biển quan trọng của cả nước.
Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, mở rộng diện tích, phân khu chức năng cho 11 KBT biển hiện có của Việt Nam. Đồng thời, thành lập mới và đưa vào hoạt động 5 KBT biển, đảm bảo tổng diện tích các KBT biển đạt khoảng 0,25% diện tích vùng biển Việt Nam. Xây dựng và ban hành Hướng dẫn thành lập các KBT có hiệu quả khác ở biển (OECMs); Rà soát, điều chỉnh diện tích, thành lập các KBT đất ngập nước ven biển để đảo bảo tổng diện tích các KBT đất ngập nước ven biển của cả nước đạt khoảng 0,05% diện tích các vùng biển Việt Nam.
Trong giai đoạn này, Đề án đặt mục tiêu sẽ thiết lập vùng bảo vệ và trồng phục hồi san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn nhằm tái tạo, phục hồi hệ sinh thái biển, tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh ở vùng biển của Việt Nam. Phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng diện tích vùng biển được phục hồi đạt khoảng 0,2% diện tích các vùng biển của cả nước.
Giai đoạn 2 (đến 2030), Đề án đặt mục tiêu thành lập 13 KBT biển, đảm bảo tổng diện tích các KBT biển đạt 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam. Quản lý hiệu quả 112 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn đạt 2,5% tổng diện tích vùng biển tự nhiên của nước ta. Đồng thời sẽ thành lập và đưa vào sử dụng các khu vưc bảo tồn có hiệu quả khác ở biển (OECMs), đảm bảo diện tích KBT có hiệu quả khác ở biển đạt 0,5% diện tích các vùng biển của cả nước.
Duy trì quản lý hiệu quả các KBT đất ngập nước ven biển để đảo bảo tổng diện tích các KBT đất ngập nước ven biển của cả nước đạt khoảng 1,5% diện tích các vùng biển nước ta. Thiết lập vùng bảo vệ và phục hồi san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn nhằm tái tạo, phục hồi hệ sinh thái biển, tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh ở vùng biển Việt Nam. Phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng diện tích vùng biển được phục hồi đạt khoảng 1% diện tích các vùng biển trên cả nước.
Nguồn:Tăng cường quản lý, phục hồi các hệ sinh thái biển