Tăng cường quan trắc, kiểm soát chất lượng môi trường
Việc đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời gian qua đã góp phần giám sát, đánh giá chất lượng nước, khí thải nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường. Qua đó giúp doanh nghiệp và cơ quan chức năng có những giải pháp phù hợp, kịp thời bảo vệ môi trường.
Theo Sở TN&MT Hải Dương, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 54 trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu về Sở và Bộ TN&MT. Ngoài ra, UBND tỉnh đã đầu tư lắp đặt 10 trạm quan trắc tự động, liên tục môi trường không khí xung quanh tại 71 vị trí thuộc các khu vực có nhiều nguồn phát sinh khí thải. Tần suất quan trắc là 4 lần/năm.
Qua quản lý theo dõi kết quả quan trắc môi trường từ các nguồn dữ liệu trên cho thấy, các thông số phân tích môi trường không khí cơ bản đều đạt quy chuẩn môi trường cho phép. Có một số vị trí quan trắc tại một số làng nghề, đặc biệt là làng nghề mộc và một số tuyến đường có mật độ giao thông cao có thông số bụi vượt quy chuẩn môi trường...
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 34 doanh nghiệp có nguồn thải lớn đã lắp đặt 82 trạm quan trắc tự động, trong đó có 28 trạm quan trắc nước thải và 54 trạm quan trắc khí thải. Dữ liệu quan trắc môi trường tự động của 82 trạm này được truyền về trạm Trung tâm Điều hành và quản lý cơ sở dữ liệu của Sở TN&MT.
Kết quả theo dõi, giám sát dữ liệu quan trắc môi trường tự động của 82 trạm quan trắc trong năm 2023 cho thấy, cơ bản các thông số quan trắc truyền về sở ổn định. Các nguồn xả thải lớn của các doanh nghiệp cơ bản đã được theo dõi, kiểm soát, giảm tình trạng phát sinh sự cố xả thải của các doanh nghiệp. Tại một số doanh nghiệp, có những thời điểm có thông số vượt quy chuẩn môi trường cho phép, mất kết nối số liệu về sở hoặc có số liệu bất thường. Cán bộ theo dõi, quản lý đã trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp và yêu cầu kiểm tra, khắc phục kịp thời.
Việc kiểm soát các nguồn thải trong hoạt động sản xuất được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai. |
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, trên địa bàn tỉnh còn 9 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục. Sở Tài nguyên và Môi trường đang rà soát và đôn đốc các doanh nghiệp này thực hiện lắp đặt và kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan chuyên môn, chậm nhất là ngày 31/12/2024 theo quy định.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự độn cũng như việc đầu tư, vận hành hệ thống này khá tốn kém nhưng phát huy hiệu quả cao trong việc kiểm soát chất lượng nguồn thải, giúp doanh nghiệp có những giải pháp vận hành, điều chỉnh kịp thời. Hầu hết tại các doanh nghiệp sẽ bố trí nhân lực để theo dõi quá trình vận hành của hệ thống quan trắc.
Cán bộ phụ trách hệ thống sẽ phân tích một số chỉ tiêu chính của nước thải đầu vào. Sau khi kết thúc xử lý nước thải để tái tuần hoàn sẽ phân tích nội bộ để kiểm tra chất lượng nước. Phần nước xả thải sẽ qua hệ thống quan trắc tự động liên tục. Quá trình sử dụng hóa chất đưa vào xử lý được theo dõi đầy đủ và ghi chép nhật ký. Kết quả quan trắc định kỳ các chỉ tiêu phân tích nước thải đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Quan trắc tự động liên tục giúp đơn vị giám sát được quá trình vận hành và đánh giá được hiệu quả xử lý.
Sở TN&MT tỉnh cho biết, quá trình truyền nhận dữ liệu giữa Trung tâm Điều hành và các trạm cơ sở diễn ra tự động, liên tục với tần suất 5 phút/lần. Các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục khi đi vào hoạt động cơ bản đã truyền dữ liệu ổn định về sở. Dữ liệu quan trắc truyền về từ các trạm cơ sở được lưu trữ trên phần mềm. Số liệu này được sàng lọc để phục vụ cho quá trình theo dõi, giám sát diễn biến chất lượng môi trường và xử lý các tình huống ô nhiễm môi trường, các báo cáo kết quả quan trắc môi trường tự động theo định kỳ, truyền dữ liệu quan trắc về Bộ TN&MT theo quy định. Đồng thời, kết quả quan trắc giúp xây dựng dữ liệu, phân tích về chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh, để nâng cao chất lượng môi trường, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm, thời gian qua, Sở TN&MT Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện nhiều đề án quan trọng, nhằm đưa việc quản lý môi trường vào nền nếp, như Đề án Xử lý chất thải rắn; Đề án nâng cao năng lực quan trắc môi trường tỉnh Hải Dương…
Với việc chuyển đổi tư duy bảo vệ môi trường từ bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, từ năm 2021, Sở TN&MT đã rà soát, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Danh mục tạm dừng thu hút đầu tư với 8 nhóm ngành có nguy cơ ô nhiễm; triển khai giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cho các nhóm ngành; kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở thuộc các danh mục phải thực hiện kiểm kê theo quy định.
Cùng với việc kiểm soát hoạt động quan trắc môi trường, công tác thu gom, xử lý chất thải được ngành chức năng tỉnh thực hiện. |
Sau khi Đề án xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 – 2025 được phê duyệt, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai và thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai và tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án, ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Đồng thời, Sở TN&MT cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện ủ mùn hữu cơ sau khi phân loại; phối hợp với Đài truyền hình tỉnh tuyên truyền thực hiện Đề án.
Đến nay, việc phân loại chất thải tại nguồn đã được triển khai rộng rãi tại một số địa phương (Nam Sách, Kim Thành, Thanh Miện, Tứ Kỳ,…) và đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tỷ lệ chất thải phải xử lý tại các nhà máy (hoặc đem chôn lấp) sau khi phân loại giảm rõ rệt, nhân dân đã bước đầu có ý thức trong việc phân loại rác thải tại nguồn, ủ mùn compost tại nhà và sử dụng mùn compost vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh tập trung kiểm soát chặt chẽ chất thải, các nguồn thải trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường; tập trung thực hiện phương án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở có nguồn thải lớn thông qua giám sát số liệu quan trắc môi trường tự động của các cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật… Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Nguồn:Tăng cường quan trắc, kiểm soát chất lượng môi trường