Tăng giá trị nông sản nhờ đầu tư chế biến sâu
Công nghệ - Chìa khoá giúp tăng giá trị nông sản trong thời đại số |
Sở Công Thương Lâm Đồng cho biết, chế biến nông sản đang được quan tâm đầu tư phát triển cả về quy mô và trình độ ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, việc hình thành các mô hình trung tâm sau thu hoạch hoạt động có hiệu quả đã giúp thay đổi nhận thức của người dân, tiểu thương trong việc thu hoạch, sơ chế, đóng gói nông sản. Toàn tỉnh có 1.950 cơ sở, doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản; nâng tỷ lệ rau, quả qua sơ chế, chế biến đạt trên 73%, trong đó chế biến đạt khoảng 23,1%, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm còn khoảng 8 -10%.
Đối với mặt hàng rau, Lâm Đồng có 147 doanh nghiệp chế biến rau, quả, trong đó có 7 doanh nghiệp nước ngoài, mỗi năm đưa vào chế biến được khoảng 53.745 tấn thành phẩm, tương đương hơn 669.047 tấn nguyên liệu. Ngoài ra, có 987 cơ sở thu gom sơ chế rau, quả, khoảng 15% số cơ sở có quy mô sơ chế trên 1.000 tấn/năm thực hiện sơ chế đạt trên 1,6 triệu tấn rau các loại. Thị trường tiêu thụ chính là trong nước với tỷ lệ khoảng 90%; còn lại xuất khẩu chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng sản lượng.
Tại tỉnh Lâm Đồng, chế biến nông sản đang được quan tâm đầu tư phát triển cả về quy mô và trình độ ứng dụng công nghệ. |
Toàn tỉnh hiện có 28 doanh nghiệp hoạt động chế biến cà phê nhân và trên 280 cơ sở sơ chế nhỏ lẻ quy mô hộ cá thể với tổng công suất chế biến khoảng 300.000 - 320.000 tấn cà phê nhân (chiếm khoảng 80 - 90% tổng sản lượng cà phê). Trong đó có 13 đơn vị tham gia xuất khẩu cà phê nhân trực tiếp, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với hoạt động chế biến cà phê rang xay, cà phê bột, toàn tỉnh có 175 doanh nghiệp, cơ sở chế biến đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng sản lượng khoảng 10.326 tấn/năm.
Các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng như khác như mắc ca có 25 đơn vị chế biến với công suất đạt 3.710 tấn/năm. Có 99 cơ sở chế biến trái cây các loại với sản lượng trên 14.887 tấn thành phẩm, trong đó có 53 doanh nghiệp và 46 cơ sở nhỏ lẻ; các sản phẩm chủ yếu là nước cốt chanh dây, nước cốt trái cây các loại, trái cây sấy các loại, mứt, rượu…
Thời gian qua, việc liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản tiếp tục tăng cả về quy mô và số lượng. Ước tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 234 chuỗi liên kết với 31.092 hộ liên kết. Đây chính là mô hình sản xuất bền vững, đảm bảo doanh nghiệp ổn định vùng nguyên liệu cũng như người nông dân yên tâm hợp tác cùng doanh nghiệp.
Năm 2023, nguồn kinh phí khuyến công mà tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản đầu tư nhà xưởng; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, hỗ trợ 9 doanh nghiệp có thu hồi kinh phí và 13 doanh nghiệp không thu hồi kinh phí với tổng số tiền khoảng 6,1 tỷ đồng. Tới năm 2024, kinh phí khuyến công dành cho các doanh nghiệp là trên 10 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản.
Số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh cho thấy, trong năm 2023, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã ưu tiên nguồn lực và chính sách hỗ trợ các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng các tiêu chí để phục vụ xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 67 mã số vùng trồng với tổng diện tích 3.527,19 ha, trong đó 65 vùng trồng sầu riêng với diện tích 3.416,19 ha (chiếm 16,3% tổng diện tích sầu riêng) và 2 vùng trồng chanh leo với diện tích 111 ha (chiếm 12,4% diện tích chanh leo). Đồng thời có 17 vùng trồng với diện tích 735,18 ha đã hoàn thành khắc phục và báo cáo đến Cục Bảo vệ thực vật theo kết quả kiểm tra của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Bên cạnh đó đã hoàn tất 89 hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng với quy mô 3.678,55 ha; 20 hồ sơ đề nghị cấp mã cơ sở đóng gói với tổng diện tích nhà xưởng 22.586,0 m2.
Việc liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng cả về quy mô và số lượng. Ảnh: BLĐ. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp nông nghiệp đã từng bước lớn mạnh và quan tâm đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng nhà máy chế biến nông sản. Tuy nhiên, hiện nay, khoảng 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị kinh tế của nền nông nghiệp.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam đạt gần 1,2 tỷ USD, chiếm khoảng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Đây là năm thứ hai liên tiếp, rau quả chế biến xuất khẩu đạt mốc hơn một tỷ USD. Các sản phẩm chế biến chủ yếu là xoài, chanh dây, hạnh nhân, hạt dẻ cười, trái cây đóng hộp, nước ép đóng chai với thị trường chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Gần đây, Trung Quốc cũng đã tăng nhập khẩu các mặt hàng này. Việc hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại là những nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng của lĩnh vực chế biến rau quả.
Ngành hàng cà phê cũng đang là mặt hàng nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu cao, đạt 4,18 tỷ USD năm 2023. Dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt con số 5 tỷ USD. Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân, khoảng 91% về sản lượng, 85% về giá trị, trong khi cà phê chế biến còn ít. Chính vì vậy, chế biến sâu trong lĩnh vực cà phê cũng cần được quan tâm đầu tư hơn nữa.
Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các quốc gia và khu vực, mang lại nhiều lợi thế về thị trường và thuế quan cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản. Để nắm bắt cơ hội và tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực chế biến. Các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các địa phương, các vùng, giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến xuất khẩu.
Nguồn:Tăng giá trị nông sản nhờ đầu tư chế biến sâu