Tăng lương cơ sở, người dân chưa kịp mừng đã phải lo giá cả leo thang
Giá cả hàng hoá rục rịch tăng
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động tại một số chợ và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá cả hàng hóa đang có xu hướng tăng sau thông tin tăng lương cơ sở. Ghi nhận tại chợ Nghĩa Tân - Hà Nội chiều ngày 29.6, giá cả các mặt hàng thực phẩm rau củ tươi, thịt lợn, thịt gà, trứng… tăng nhẹ.
Giá các loại thực phẩm ở chợ truyền thống có xu hướng tăng nhẹ. Ảnh: Tuyết Lan |
Giá các loại rau xanh tăng nhẹ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Rau cải xanh từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg. Rau cải thảo tăng từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg. Cà chua khoảng 20.000 đồng/kg, rau muống 8.000 đồng/mớ. Mặt hàng trứng vịt, trứng cút lộn không có sự biến động. Trứng gà ta tăng nhẹ từ 2.800 đồng/quả lên 3.000 đồng/quả.
Theo ghi nhận, giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản tại các siêu thị không có nhiều biến động. Tại siêu thị Big C, gà ta CP giá 102.000 đồng/kg, gà tre giá 179.000 đồng/kg, vịt nguyên con 89.000 đồng/kg, cá nục 74.000 đồng/kg, cá bạc má 114.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Thanh Mai - tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân cho biết các loại rau xanh nhập tại chợ đầu mối tăng nhẹ trong tuần vừa qua. Nguyên nhân là do thời tiết nắng mưa thất thường ảnh hưởng đến việc chăm sóc rau.
“Giá rau xanh bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường là chính. Tuy nhiên, vừa qua có thông báo tăng lương nên các chợ đầu mối lớn cũng rục rịch tăng giá. Thời gian tới, nếu giá rau nhập vào tăng như thời điểm bão giá các đây một năm trước sẽ khiến người tiêu dùng e ngại. Thực chất, giá cả hàng hoá tăng nhưng tiểu thương chúng tôi cũng phải nhập giá cao nên không có nhiều lợi nhuận” - chị Thanh Mai chia sẻ.
Là một người nội chợ, bà Nguyễn Thị Nga (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) cho biết những ngày gần đây, thực phẩm hàng ngày tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng thông thường khi tăng lương, giá cả sẽ tăng theo. "Tôi mong rằng giá thực phẩm lần này sẽ không tăng phi mã theo mức lương" - bà Nga nói.
Chưa vui tăng lương đã lo tăng giá
Trước thời điểm mức lương cơ sở tăng, nhiều người tiêu dùng có tâm lý buồn vui lẫn lộn. Người dân cho rằng tăng lương sẽ kéo theo giá cả hàng hoá thị trường neo cao.
Là giáo viên cấp 3 tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương, chị Nguyễn Thị Kim Thoa chưa kịp đón nhận niềm vui tăng lương đã vội lo lắng mức chi tiêu sinh hoạt của gia đình sẽ có sự biến động mạnh. Chị Thoa lo lắng đợt tăng lương lần này, giá cả thị trường lại tăng vọt.
“Thực tế, mức lương giáo viên hiện nay không cao. Ngoài công việc chính ở trường, tôi cũng phải làm thêm các nghề tay trái để mưu sinh. Được tăng lương là một niềm vui lớn đối với những người làm giáo viên như tôi.
Lương tăng sẽ có thêm thu nhập để chi tiêu cuộc sống hàng ngày của gia đình. Nhưng nếu lương tăng dẫn đến bão giá thị trường thì các khoản chi phí sinh hoạt cũng biến động. Gần một tuần nay, khi đi chợ, tôi thấy giá thực phẩm như thịt, rau xanh đã có chiều hướng tăng nhẹ” - chị Thoa nói.
Nhiều người lo lắng tăng lương sẽ dẫn đến giá cả thị trường leo thang. Ảnh: Tuyết Lan |
Không vui mừng khi mức lương cơ sở tăng, anh Nguyễn Minh Khôi (26 tuổi, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) đang làm tài xế công nghệ lo lắng: “Tôi chạy xe công nghệ nên mức lương cơ sở có tăng hay không cũng không ảnh hưởng đến thu nhập. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi những năm trước, lương cơ sở tăng là kéo giá cả hàng hoá thực phẩm tăng mạnh. Những người lao động tự do như tôi lại phải thắt chặt chi tiêu”.
Anh Minh Khôi mong Nhà nước sẽ có những cơ chế, chính sách kiểm soát giá cả để bình ổn thị trường. Từ đó, người dân không phải lo lắng sẽ xảy ra bão giá khiến chi tiêu hàng ngày bị xáo trộn.
Nguồn:Tăng lương cơ sở, người dân chưa kịp mừng đã phải lo giá cả leo thang