Tây Ninh: Ám ảnh ô nhiễm tiếng ồn
Tây Ninh: Nâng tầm “Chợ lá” Tây Ninh có 6 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 |
Một đám cưới trên địa bàn thành phố Tây Ninh mở nhạc khá lớn (ảnh chụp từ video).
Trong nhịp sống ngày càng phát triển, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã và đang trở nên gây tác động tiêu cực đến môi trường sống của người dân. Làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng này đang là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng.
Đủ loại tiếng ồn
Tại Tây Ninh, ô nhiễm tiếng ồn phát sinh từ nhiều nguồn, như từ dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi; quán nhậu vỉa hè mở nhạc, loa di động công suất lớn, cường độ âm thanh lớn; các hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc hoặc hộ gia đình thuê dàn nhạc ca hát tại tiệc cưới, sinh nhật, đám mừng, liên hoan khác; các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát quảng cáo, địa điểm sinh hoạt công cộng như: công viên, khu vui chơi giải trí… Âm thanh phát ra quá lớn, “tra tấn” hàng ngày, hàng giờ đã gây bức xúc, khó chịu trong cộng đồng dân cư.
Ông Nguyễn Thái Dương, ngụ phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng cho biết, mấy năm trước, ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề nhức nhối ở địa phương, bởi tình trạng nhà nhà, người người cùng ca hát, “đám cưới, đám hỏi, thậm chí sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi người ta cũng kéo dàn loa về rồi mở nhạc ca hát. Nó gây ảnh hưởng tới những người dân xung quanh, vì giờ nghỉ trưa của người ta mà ai cũng đem ra ca hết”.
Theo ông Nguyễn Văn Nghiệp- Bí thư, trưởng khu phố Nội Ô B, thị trấn huyện Gò Dầu, ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn diễn ra vào buổi sáng, từ 7 giờ đến khoảng 10 giờ do các xe quảng cáo, rao vặt bán hàng phát ra; về đêm, một số hộ dân đem loa ra bên ngoài ca hát với nhau gây ồn ào.
Vừa qua, bạn đọc phản ánh một điểm vui chơi, giải trí dưới hình thức hội chợ trên địa bàn huyện Dương Minh Châu được tổ chức gần khu dân cư và mở nhạc khá lớn. Có những đêm, dù đã 21 giờ, nhưng tiếng nhạc vẫn khá ồn. Đo thử bằng một ứng dụng đo âm thanh trên điện thoại di động, chưa biết độ chính xác ra sao, nhưng âm thanh thường dao động từ 75 - 85bB, có thời điểm lên đến hơn 90dB.
Ông Trần Khắc Phục- Trưởng Phòng Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: “Để xác định một khu vực bị ô nhiễm tiếng ồn hay không, Bộ TN&MT ban hành Quy chuẩn QCVN 26:2010/BTNMT về tiếng ồn kèm theo Thông tư số 39 năm 2010 quy định cụ thể từng khu vực cũng như thời gian đánh giá tiếng ồn.
Cụ thể: đối với khu vực đặc biệt (cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác) thì khung giờ quy định giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn đối với thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ là 55 dB và từ 21 giờ đến 6 giờ là 45 dB.
Đối với khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính...), khung thời gian từ 6 giờ sáng đến 21 giờ quy định giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn là 70 dB và từ 21 giờ đến 6 giờ là 55 dB.
Âm thanh khá lớn từ loa bán hàng ở các chợ gây ảnh hưởng đến người dân.
Đồng bộ các giải pháp
Bộ TN&MT đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trong khu dân cư và mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này. Nếu cơ sở gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn có thể bị phạt từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng. Ngoài việc xem xét xử lý vi phạm hành chính bằng tiền, có thể áp dụng bằng hình thức phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động cũng như bắt buộc khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thời gian qua, Sở TN&MT và các địa phương đã xử lý, nhắc nhở một số cơ sở, hộ gia đình vi phạm tiếng ồn. Qua hệ thống tiếp nhận 1022 Tây Ninh, nhiều người dân tại phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng phản ánh một quán ăn mở nhạc gây ồn ào vào cuối tuần. Ngay khi tiếp nhận phản ánh của người dân, địa phương kiểm tra và đã nhắc nhở, yêu cầu chủ quán cam kết không mở nhạc lớn gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Từ năm 2017, Sở TN&MT phối hợp và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về việc không gây tiếng ồn. Đối với các cơ sở, tụ điểm kinh doanh karaoke phải cam kết đầu tư hệ thống chống ồn trước khi được cấp phép hoạt động. Riêng vấn đề karaoke di động, sử dụng các hệ thống âm thanh “loa kẹo kéo” gây ô nhiễm tức thì, ngành chức năng đã phối hợp với địa phương để xử lý.
Ông Lê Văn Hiệp- Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Gò Dầu cho biết, thời gian qua, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền Quyết định số 3230 của UBND tỉnh về việc quản lý sử dụng các phương tiện phát âm thanh. “Chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết mở âm thanh nhỏ hoặc là xử lý vi phạm nếu vi phạm nhiều lần”.
Tại thị xã Trảng Bàng, ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND Thị xã cho biết, Thị xã đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân mở âm thanh bảo đảm quy định. Đối với những trường hợp vi phạm, địa phương kiên quyết xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, việc xử lý liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ chính những quy định pháp luật. Thời gian qua, Sở TN&MT chỉ xử lý với ô nhiễm tiếng ồn từ những cơ sở, chưa xử lý ô nhiễm tiếng ồn ở các hộ dân.
Bên cạnh đó, người dân có bức xúc liên quan đến những tiếng ồn do hát karaoke sẽ phản ánh với chính quyền địa phương hoặc cảnh sát khu vực, do đó, Sở TN&MT không nắm được thông tin phản ánh.
Có thể khẳng định, địa phương, ngành chức năng đã vào cuộc xử lý đối với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, những trường hợp vi phạm đã được nhắc nhở và xử lý. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý và sự chung tay của mỗi người dân.
Nguồn: Ám ảnh ô nhiễm tiếng ồn